![]() |
Theo Quy hoạch điện VII, tổng vốn đầu tư cho toàn ngành đến năm 2020 là khoảng 929,7 ngàn tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD. Riêng giai đoạn 2011-2030, vốn đầu tư lên tới khoảng 2.359 ngàn tỷ đồng, tương đương 123,8 tỷ USD.
![]() |
Tuy nhiên, với nhu cầu đầu tư 5 - 6 tỷ USD mỗi năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, “giá bán hiện nay vẫn chưa đủ khả năng thu xếp vốn cho ngành điện”.
Thực tế, giá điện chưa tiếp cận được giá thị trường nên khó thu hút đầu tư. Những năm gần đây, giá điện liên tục tăng, năm 2009 tăng gần 10% và thêm giờ cao điểm buổi sáng. Năm 2011 tăng trên 10% và bỏ trợ giá toàn dân 50kWh đầu.
Mặc dù giá điện tăng đều, nhưng theo Thứ trưởng Vượng, vẫn không bù đắp được lỗ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Hiện EVN nợ 10 ngàn tỷ đồng tiền điện của Tập đoàn Dầu khí VN và Tập đoàn Than - Khoáng sản VN. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, EVN đã chịu lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.
Những năm qua, không hẳn do giá mua điện thấp, mà chính sự độc quyền của EVN đã khiến nhiều nhà đầu tư do dự khi bỏ vốn vào ngành điện. Các ngân hàng cũng ngại cho vay đối với các dự án điện, vì thuộc lĩnh vực có độc quyền, rủi ro cao.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2006-2015, nguồn đầu tư ngoài EVN phải đạt 36.000 MW. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới đầu tư được 6.000MW và 15.000MW đã có chủ đầu tư, số còn lại (15.000MW) chưa có chủ đầu tư, dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới.
Mặt khác, lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh chưa song hành với thị trường nhiên liệu sơ cấp, nên việc đàm phán giá điện gần như không khả thi, dẫn đến tình trạng kéo dài dự án. Điều này cũng giải thích tại sao Quy hoạch điện VI, các dự án triển khai chỉ đạt trên 70% kế hoạch.
Triển khai Quy hoạch điện VII sẽ đụng chạm đến lợi ích căn bản của EVN. Trong tương lai gần, EVN sẽ mất vị thế độc quyền, chỉ chịu trách nhiệm trong khâu phân phối điện. Mất đi 1/3 quyền lực, nhưng điều này phù hợp với tình hình kinh tế và nội lực của EVN hiện nay.
Thực hiện Quy hoạch điện VII có ba khó khăn lớn: vốn, giải phóng mặt bằng, nguồn năng lượng đầu vào (than, khí). “Đây là những vấn đề mà EVN không chủ động được”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN, thừa nhận.
Thứ trưởng Vượng cho biết, thực hiện thành công tổng sơ đồ VII có nhiều giải pháp, nhưng vẫn phải tăng giá điện để bù đắp chi phí sản xuất, phân phối và thu hút đầu tư vào ngành điện.
Quy hoạch điện VII cũng sẽ điều chỉnh giá điện để thu hút đầu tư vào ngành điện. Từ nay đến năm 2020, giá điện phải được điều chỉnh dần, đạt 8 - 9 cent/kWh, tăng 3,7 cent/kWh so với giá hiện nay.
Trong Quy hoạch điện VII, Chính phủ chỉ đạo các địa phương phải dành quỹ đất phục vụ cho công việc giải phóng mặt bằng liên quan đến các dự án thuộc tổng sơ đồ này.
“Nhưng trên thực tế, công tác giải phóng mặt bằng bao giờ cũng khó khăn”, thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết. Quy hoạch điện VII vẫn khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài vào ngành điện, nhưng Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ trước khi cấp phép.
Bên cạnh đó, việc nhập than cũng được bộ này tính đến, bảo đảm đủ nguồn cho các nhà máy nhiệt điện vận hành. “Những dự án chậm tiến độ trong tổng sơ đồ điện VI sẽ được chuyển tiếp sang tổng sơ đồ điện VII”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.