Hãy tiếp nối tinh thần “Sống như anh”

Lữ Ý Nhi| 30/04/2023 06:00

Trong suốt chặng đường giành độc lập cho đất nước, rất nhiều tấm gương của các anh hùng, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã dám hy sinh thân mình. Tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu kiên cường, sự hy sinh bất diệt của các anh chị đã và đang là tấm gương để thế hệ tiếp nối hành động, cống hiến cho công cuộc bảo vệ hòa bình, xây dựng đất nước.

Hãy tiếp nối tinh thần “Sống như anh”

Nhân kỷ niệm 48 năm ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4-2023), doanh nhân Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT gửi cho tôi cuốn sách Sống như anh của tác giả Trần Đình Vân với chia sẻ, đây là một cuốn sách quá hay, đã trở thành cuốn sách gối đầu của bao thế hệ bộ đội, thanh niên, sinh viên, học sinh, thiếu niên từ những năm 1965 và bây giờ là của chính tôi.

Ông nói: "Tôi đã đọc cuốn sách nhiều lần và mỗi lần đọc, vẫn cảm thấy như mới và quá xúc động. Tinh thần yêu nước kiên cường, lý tưởng sống của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã tiếp thêm sức mạnh, khơi dậy cho tôi tinh thần tự hào, một động lực và cảm hứng sống, làm việc mãnh liệt. Tôi muốn gửi gắm cảm xúc qua cuốn sách này cho nhiều bạn đọc, xem đó như một niềm tự hào, một liều thuốc tinh thần để mọi người cùng tự hào vươn lên và cống hiến cho đất nước, nhất là vào thời điểm kinh tế đang nhiều khó khăn, tinh thần nhiều doanh nhân đang "chùng" xuống trước nhiều nỗi lo và thách thức mới như hiện nay".

Cũng như doanh nhân Ngô Vi Đồng, tôi sinh ra vào thế hệ 6X và lớn lên trên mảnh đất Hà Nội. Những năm 1972-1974, chiến tranh ác liệt diễn ra tại Hà Nội, tôi mới gần 10 tuổi nhưng đã được chứng kiến những ngày khói lửa, đạn bom đầy tang thương, chết chóc khi đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá Thủ đô, tôi đã từng đội mũ rơm đi sơ tán, nghe tiếng còi báo động và nhìn thấy bố tôi và các cô chú đội bom trên đường  phố để đưa bà con xuống hầm trú ẩn mỗi khi máy bay Mỹ ném bom. Vì thế, tinh thần yêu hòa bình, ghét chiến tranh và kính yêu các anh hùng đã kiên cường hy sinh vì đất nước được hun đúc trong tôi từ rất sớm, ngay trên trường học, ngay trong cuộc chiến tranh và ngay trong hình ảnh của các cha chú. Tôi cũng đã có những xúc cảm tự hào khi đọc cuốn sách Sống như anh và vô cùng cảm phục tinh thần bất khuất của anh Trỗi và yêu quý chị Phan Thị Quyên - vợ anh - người kể lại câu chuyện để tác giả Trần Đình Vân hoàn thành nên tác phẩm để đời này.

Khi doanh nhân Ngô Vi Đồng chia sẻ về cuốn sách, tôi cũng mong lan tỏa niềm tự hào, cảm xúc, hun đúc thêm giá trị lịch sử mà Sống như anh đã để lại cho rất nhiều người đọc. 

Nhớ lại thời khắc vào lúc 9 giờ 45 phút ngày 15/10/1964, cả thành phố Sài Gòn xưa (nay là TP.HCM) đã rúng động, nhiều người dân thành phố đã đổ về trường bắn Chí Hòa, òa trong nước mắt và nỗi xót thương người thanh niên Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng, kiên cường bước thẳng ra trường bắn. Tiếng hô cuối cùng của anh: "Hãy nhớ lấy lời tôi!" đã trở thành niềm tự hào, kính trọng và tấm gương yêu nước của mỗi người dân Việt Nam, như nhà thơ Tố Hữu đã làm bài thơ về anh có đoạn: "Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra". 

Gần 60 năm sau ngày anh Trỗi đã ra đi nhưng hình ảnh của người anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi vẫn sống mãi, trẻ mãi trong tâm trí nhiều thế hệ sau. Hình ảnh của anh cũng trở thành cảm hứng cho nhiều công dân của TP.HCM, trong văn học nghệ thuật của nhiều tác giả. Tên anh cũng được đặt cho nhiều con đường, trường học trên khắp Việt Nam. 

Không chỉ anh Trỗi mà ngay chị Quyên cũng là hình ảnh thể hiện cho tinh thần giác ngộ cách mạng và tình yêu nước, trên một bài báo phỏng vấn cách đây 10 năm, tác giả Trần Đình Vân kể: "Qua tiếp xúc, tôi có cảm giác ở tuổi mười chín, chị Quyên tuy chưa hiểu nhiều về cách mạng nhưng khi anh Trỗi bị bắt và biết anh là "Việt cộng", hằng ngày đến thăm nuôi chồng, chị không một lời thuyết phục anh khai báo tổ chức để rồi hy vọng chồng mình sẽ được trả tự do. Chưa hết, sau khi anh Trỗi hy sinh, các chiến sĩ biệt động đến đón chị ra vùng giải phóng, chị không một chút ngần ngại và luyến tiếc cuộc sống đô thành mà tự nguyện trở về với cách mạng ở khu căn cứ" .

Không chỉ có anh Trỗi, tiếp nối tinh thần "Sống như anh", còn có rất nhiều tấm gương anh hùng đã ngã xuống hy sinh anh dũng cho Tổ quốc hôm nay khi tuổi đời còn rất trẻ như anh hùng Nguyễn Văn Đừng, anh hùng Võ Như Hưng, anh hùng Nguyễn Viết Khái, anh hùng Tạ Thị Kiều... dù các anh chị đã ra đi lâu lắm rồi, nhưng tinh thần và hình ảnh của các anh chị vẫn còn sống mãi, vẫn luôn trẻ và là niềm kiêu hãnh, là tấm gương kiên cường, là lý tưởng sống và hoài bão không bao giờ phai mờ cho thế hệ trẻ Việt Nam mãi noi theo.

Sống như anh sẽ mãi là cuốn sách không chỉ làm xao động bao thế hệ người đọc Việt Nam, mà còn là cuốn sách sống mãi trong lòng mỗi người công dân TP.HCM, mỗi doanh nhân Việt Nam và doanh nhân TP.HCM, để luôn tự nhủ: "Hãy sống xứng đáng với sự ra đi của các anh, hãy hành động bằng những việc làm hữu ích cho đất nước, cho thành phố hôm nay và ngày mai". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hãy tiếp nối tinh thần “Sống như anh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO