Theo đó, các tổn thương cơ quan thường gặp nhất là tổn thương ở da như sốt, phát ban; tổn thương đường tiêu hóa như nôn, tiêu chảy, đau bụng; tổn thương các hệ thống tim mạch, giãn mạch vành; tổn thương các cơ quan khác như thận (tỷ lệ mắc thận cấp khoảng 20%)... Các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ) cho biết, 4/5 số trường hợp mắc MIS-C có ảnh hưởng tới tim, một nửa số trẻ mắc MIS-C bị suy giảm chức năng tâm thất trái, giảm khả năng bơm máu giàu oxy đi nuôi cơ thể.
“Tim là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi MIS-C và điều đáng quan tâm là khi tim suy giảm có thể dẫn đến tổn thương chức năng của thận hoặc gan”, TS. Jone cho biết. Song Bệnh viện Nhi Philadelphia cũng công bố kết quả nghiên cứu khả quan rằng, trẻ em có xu hướng hồi phục hoàn toàn sau bất kỳ tổn thương tim nào trong vòng ba tháng kể từ khi bị bệnh. Kết quả này được kết luận sau khi so sánh 60 trẻ nhập viện vì mắc MIS-C sau Covid-19 với một nhóm gồm 60 trẻ khỏe mạnh. Các kết quả điện tim (EKG) cho thấy, chức năng tim ở trẻ bị MIS-C được cải thiện nhanh chóng trong tuần đầu tiên. Và sau ba tháng, chức năng tim về cơ bản đã trở lại bình thường. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) ở trẻ cũng không phát hiện thấy tổn thương sẹo lâu dài hoặc tổn thương tim.
Nước ta hiện ghi nhận một số ít ca mắc MIS-C tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ... Với những biểu hiện lâm sàng ban đầu ở trẻ, nhiều trường hợp có thể bị nhầm lẫn với các bệnh như nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, sốc độc tố do tụ cầu và một số bệnh Kawasaki... Vì vậy, sau khi vào viện, bác sĩ sẽ cho trẻ làm các xét nghiệm để kiểm tra khả năng đáp ứng viêm hệ thống, đánh giá chức năng của tim, xét nghiệm men tim hoặc chẩn đoán rối loạn đông máu, xét nghiệm về cơn bão Cytokine. Bên cạnh đó, nếu nghi ngờ tổn thương tim, bệnh nhi sẽ được chỉ định làm điện tim, siêu âm tim, X-quang tim phổi, xét nghiệm chức năng gan, thận.
“Triệu chứng nhiễm Covid-19 ở trẻ thường rất nhẹ, thoáng qua, không biểu hiện rõ ràng và không có biến chứng nặng như người lớn. Vì thế, nhiều gia đình không biết trẻ đã nhiễm Covid-19 từ khi nào dẫn đến khó chẩn đoán chứng MIS-C”, TS-BS. Tạ Anh Tuấn - Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ. Do đó, để phòng, chống và ngăn ngừa các biến chứng hậu Covid-19, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh điều quan trọng nhất là phải giảm mức độ nặng của bệnh nhi khi nhiễm Covid-19 bằng việc quan tâm phát hiện, điều trị sớm và tiêm vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo.