Tốc độ phát triển các đô thị ở nước ta nhiều năm nay diễn ra chóng mặt, qua các công trình xây dựng lớn: giao thông đường bộ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại… kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng cao, trong đó có sỏi và cát là tài nguyên thiên nhiên.
Đọc E-paper
Thế nhưng tại Đồng bằng sông Cửu Long, theo cảnh báo từ các nhà khoa học, lượng lớn phù sa bồi đắp hằng năm ngày càng sút giảm trong khi mực nước biển dâng cao, nhất là việc khai thác cát bừa bãi, đang khiến tình trạng sạt lở gia tăng.
Trước năm 2015, các vụ sạt lở nghiêm trọng chủ yếu chỉ tập trung ở khu vực bờ biển quanh bán đảo Cà Mau, Bến Tre. Nay thì một số nơi có hoạt động khai thác cát tấp nập như An Giang, Cần Thơ… phạm vi sạt lở đã lấn sâu vào nội địa với tần suất tăng dần.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại miền Tây Nam bộ, hiện có 406 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 891km, tính cả bờ sông lẫn bờ biển, đe dọa cuộc sống hàng ngàn hộ dân cùng nhiều công trình hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh, kho bãi.
Nhiều nơi có sạt lở đặc biệt nguy hiểm, chẳng hạn tại sông Vàm Nao thuộc huyện Chợ Mới, An Giang đã khiến 108 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Sạt lở 600 mét tại bờ sông Tiền, đoạn qua xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã đe dọa hơn 100 nhà dân và quốc lộ 30 nối trung tâm tỉnh này với khu vực biên giới Campuchia. Kè Gành Hào ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu bị xói lở hơn 800 mét…
Kể từ khi vụ việc sạt lở sông Vàm Nao xảy ra, nhiều chuyên gia môi trường đã lý giải về các nguyên nhân, trong đó tất cả đều nhận định rằng hoạt động khai thác cát quá mức chính là nguyên nhân trực tiếp.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, vào thời điểm năm 2015, nhu cầu cát là 92 triệu m³/năm, nhưng đến năm 2020 sẽ lên đến 130 triệu m³. Với giá cát xây dựng trên thị trường hiện nay thì mỗi năm tiêu tốn khoảng hơn 20.000 tỷ đồng cho loại vật liệu xây dựng này.
Chỉ riêng vùng tam giác phát triển TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương, mỗi năm nhu cầu về cát xây dựng khoảng hơn 10 triệu m³ và dự báo số lượng này sẽ tăng cao khi hàng loạt các công trình lớn, trung tâm kinh tế, tuyến đường cao tốc tiếp tục thi công.
Theo một báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cát chính hiện do các doanh nghiệp được phép khai thác hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch cung cấp. Tuy nhiên, nguồn này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 65% nhu cầu, chủ yếu dành cho các thành phố, đô thị lớn. Như vậy, có thể thấy được mỗi năm có khoảng từ 35 - 40 triệu m³ thuộc diện khai thác lậu, bất chấp các quy định của Chính phủ.
>>Cơn khát nước ở hạ lưu dòng Mê Kông
Nhu cầu tiêu dùng lớn, nguồn cung thấp đã dẫn đến tình trạng thị trường luôn khan hiếm cát. Trên thực tế, không chỉ hoạt động khai thác cát trái phép với một lượng lớn mà việc kinh doanh, buôn bán cát trên thị trường cũng rất sôi động mà Đồng bằng sông Cửu Long là một trong các nguồn cung quan trọng.
Theo các nhà khoa học, phải mất hàng trăm năm để các mỏ cát dưới đáy sông Tiền, sông Hậu hình thành và cố định như ngày nay. Trong bối cảnh phù sa không còn dồi dào như trước do việc xây dựng các con đập trên thượng nguồn sông Mê Kông, việc trông đợi các mỏ cát tự phục hồi, sau khi đã tận lực khai thác mấy chục năm gần đây, là điều không tưởng.
Khai thác cát mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng hệ lụy môi trường và kinh tế là vô cùng lớn, đặc biệt ở các vùng địa chất non trẻ như Đồng bằng sông Cửu Long, việc khai thác cát tạo ra các hố sâu khổng lồ dưới đáy sông, làm thay đổi gần như vĩnh viễn dòng chảy tự nhiên.
Tình trạng thiếu quy hoạch bền vững trong khai thác tài nguyên, cụ thể là cát sông và nước ngầm, cùng với sự hạn chế trong năng lực quản lý của các ngành chức năng địa phương suốt thời gian dài, đã tạo ra hậu quả dẫn đến những tác động địa chất nguy hiểm.
Vì vậy, theo ý kiến của các nhà môi trường, để bảo vệ nguồn nước và lượng phù sa còn lại trên sông Mê Kông, cần phải gia tăng diện tích rừng che phủ và hạn chế tối đa các hoạt động khai thác cát. Ở những vùng sạt lở, các phương án xây đê chắn sóng cần kết hợp lồng ghép với phương pháp giữ chân phù sa, thay vì chỉ tập trung dựng bức tường bê tông chắn sóng theo cách làm lâu nay.
Khai thác cát là loại hình khai thác khoáng sản thuộc tài nguyên quốc gia, hiện đang bị nhiều địa phương thỏa hiệp với doanh nghiệp vì lợi ích cục bộ.
>>Cuộc tranh giành nguồn tài nguyên nước
Để góp phần ngăn chặn tình trạng lãng phí tài nguyên, hạn chế các tác động xấu đến phát triển kinh tế xã hội do việc khai thác cát lòng sông, các cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành một số quy định nghiêm ngặt.
Trước hết, Nhà nước phải quản lý việc khai thác và sử dụng cát tự nhiên chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Việc thăm dò, khảo sát định kỳ nhằm xác định chính xác trữ lượng và chất lượng các mỏ cát để có kế hoạch khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn cát tự nhiên. Nghiêm cấm việc khai thác cát không theo quy hoạch hoặc không có giấy phép khai thác, phải có các chế tài mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm.
Thứ hai, phải đẩy mạnh sản xuất và sử dụng cát nghiền từ các nguồn đá tự nhiên, các tạp chất phế thải của ngành xây dựng và chế biến khoáng sản mà hầu hết các nước đều tận dụng.
Công nghệ sản xuất cát nghiền từ đá và từ phế thải xây dựng hiện nay đã có, nhưng các doanh nghiệp vật liệu xây dựng vẫn không mặn mà. Tại nhiều nước, cát xây dựng không chỉ được khai thác tại các lòng sông mà còn được khai thác tại nhiều khu vực khác nhau. Vật liệu xây dựng thay cát được tạo ra từ các loại đá sẽ có hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với khai thác cát lòng sông.
Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về việc phải trả giá cho sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Thiên tai là quy luật tự nhiên của trái đất, nhân tai là do con người gây ra.
Rừng Tây Nguyên bị tàn phá như thế nào trong hơn 20 năm qua mà hậu quả là những cơn lũ lịch sử làm kiệt quệ tài lực, vật lực ở vùng đất này. Thiên tai, hạn hán ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long do tình hình biến đổi khí hậu gây ra hay do quy hoạch thủy lợi sai sót vì những lợi ích cục bộ. Khô hạn ở miền Trung phải chăng là do hậu quả của cơn thịnh nộ El Nino hay do tệ nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi.
Thêm vào đó còn có vấn đề con người đã tìm cách ngăn chặn thiên tai thế nào, kế hoạch đối phó ra sao khi chỉ 8/13 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long bị nước mặn tràn vào.
Ở đâu có nhân tai thì trước sau gì cũng xảy ra thiên tai. Đó cũng là câu chuyện của hạt cát tại Đồng bằng sông Cửu Long.