Hàng Việt sẽ bớt long đong

MINH HÀO - Ảnh: X.TH| 10/01/2019 07:00

Hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều là áp lực cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, không vì thế mà hàng Việt cứ mãi long đong khi có sự chung tay của nhiều phía, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) phân phối.

Hàng Việt sẽ bớt long đong

Đặc sản làng nghề của An Giang và Trà Vinh trình làng với người tiêu dùng

Nhà phân phối đồng hành

Thời gian qua, Bộ Công Thương và các nhà bán lẻ đã thực hiện nhiều chương trình kết nối để đưa hàng Việt, đặc sản vùng miền vào hệ thống bán lẻ và đã được người tiêu dùng đón nhận. Tại chương trình kết nối cung cầu hồi tháng 10/2018 giữa TP.HCM và các tỉnh, Lotte Mart đã ký hàng chục biên bản ghi nhớ để đưa hàng Việt vào phân phối tại các siêu thị Lotte trên toàn quốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phúc Khoa - Phó tổng giám đốc Satra cho biết, thông qua các chương trình kết nối, Satra sẽ ưu tiên bày bán các đặc sản vùng miền cũng như bố trí quầy kệ riêng cho những mặt hàng này. Còn theo công bố của các hệ thống siêu thị Co.opmart, VinMart, MM Mega Martket..., hiện nay tỷ lệ hàng Việt đã chiếm từ 90 - 95% trong cơ cấu hàng hóa của những kênh phân phối này.

Bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đóng vai trò kết nối hàng hóa của DN nhỏ và vừa cũng như nông dân để những đơn vị này có thể tham gia trực tiếp vào các hệ thống siêu thị.

Hiện 90% hàng hóa sản xuất trong nước đã được tiêu thụ ở hơn 9.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường. Còn theo bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thông qua hoạt động kết nối cung cầu, nhiều sản phẩm đặc sản của các vùng miền đã đưa vào các hệ thống phân phối lớn tại TP.HCM, nhiều mặt hàng còn xuất khẩu ra nước ngoài như vải thiều, bưởi da xanh, cá ba sa...

Link bài viết

Bên cạnh các chương trình kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất và phân phối do các cơ quan chức năng liên tục thực hiện thời gian qua, chương trình về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng tác động đến người tiêu dùng Việt. Điển hình là chương trình "Tự hào hàng Việt" của Saigon Co.op diễn ra từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9/2018 với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Chương trình này đã được Saigon Co.op thực hiện 21 năm nay tại các kênh bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... của đơn vị này.

Chia sẻ về chương trình "đồng hành cùng hàng Việt", ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, với quyết tâm làm nhà phân phối thuần Việt, Saigon Co.op đã từng bước xây dựng và phát triển chiến lược "nội địa hóa" nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng, Saigon Co.op còn triển khai các chính sách hỗ trợ dành cho DN sản xuất như ưu tiên trong chính sách thu mua, ưu tiên về diện tích, vị trí trưng bày cũng như các chương trình truyền thông, khuyến mãi cho DN hàng Việt. Đặc biệt, Saigon Co.op thường xuyên quảng bá hàng Việt ở nước ngoài và ba năm gần đây đã xuất khẩu nông sản qua Singapore với tổng giá trị hơn 6 tỷ USD.

Nhưng vẫn nhiều rào cản...

Sự "mở lòng" của các kênh phân phối bán lẻ, các chương trình kết nối, các hoạt động xúc tiến thương mại thời gian gần đây giúp cho hàng Việt để lại nhiều dấu ấn. Tháng 10/2018, Tập đoàn Coupang của Hàn Quốc đến Việt Nam tìm nguồn cung sản phẩm nông sản, thực phẩm (gia vị, nước chấm, các loại mì, miến, phở, đồ hộp, hải sản đông lạnh, hoa quả sấy khô, cà phê, hạt điều, tiêu...). Đến hết năm nay, Coupang sẽ tìm khoảng 1.800 sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam để bày bán trực tuyến.

Hàng Việt cũng được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá tốt. Cuộc khảo sát của Statista trong năm  2017 tại 50 quốc gia về chỉ số xuất xứ sản phẩm với hơn 43.000 người tiệu dùng toàn cầu cho kết quả: người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá hàng hóa của Việt Nam có chất lượng đứng thứ 27/50 quốc gia khảo sát. Người Hà Lan xếp hàng Việt vị trí 23/50, người Ả Rập đưa hàng Việt vào vị trí 20/50 còn người Ecuador xem Việt Nam là hàng hóa tốt thứ 10 trong 50 nước.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều rào cản khiến hàng Việt chưa thể đạt được mong muốn của hầu hết DN. Với thị trường nội địa, nhiều sản phẩm mặc dù có chất lượng tốt nhưng thiếu các chiến lược đường dài về quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Vì thiếu nguồn lực nên DN không thể chạy các chương trình dài hơi cùng siêu thị...

Riêng với hàng đặc sản, vì chỉ có ở những vùng nhất định mới sản xuất được nên sản lượng còn hạn chế. Bên cạnh đó, phần lớn số hộ sản xuất này có quy mô nhỏ lẻ nên việc bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế, nhận thức về xây dựng thương hiệu và nguồn vốn còn nhiều khó khăn. Với thị trường nước ngoài, vẫn chưa nhiều DN tạo được thương hiệu ấn tượng với người tiêu dùng.

Kinh nghiệm từ các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa của Việt Nam mấy năm nay, bà Lê Thị Mai Linh - Phó chủ tịch điều hành Central Group Việt Nam cho rằng ý thức của các hộ nông dân trong quá trình canh tác còn thấp, không chú trọng về việc đóng gói sản phẩm và các giấy tờ thông hành cần thiết. Chẳng hạn như khi siêu thị yêu cầu đưa hàng vào bán thì nhà sản xuất chỉ mới thực hiện được khâu bán xá, rất ít hộ có thể đóng gói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Việt sẽ bớt long đong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO