Cả trăm tấn hàng tồn
Theo ông Quán Quang Diệu - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Mì nui, do số lượng hàng hóa sản xuất ra nhiều, những tháng giữa năm tiêu thụ chậm nên hiện tại, công ty đang gặp khó vì tồn kho hơn 200 tấn mì, chưa tìm được nguồn tiêu thụ do ảnh hưởng của lạm phát, giá cả tăng, người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu, sức mua cũng giảm sút.
Tương tự, trong lĩnh vực thực phẩm chăm sóc sức khỏe, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng buộc phải quan tâm đến những nhu cầu khác, do đó thực phẩm chăm sóc sức khỏe không còn là mối quan tâm hàng đầu. Từ đó, doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty sụt giảm, chỉ gần bằng năm 2020 và đạt 75% kế hoạch đề ra.
Theo lãnh đạo các công ty may mặc, khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát. Các DN lớn như TCM, STK, ADS có đủ đơn đặt hàng cho quý III/2022, nhưng một số khách hàng đã hủy đơn hàng do lượng hàng tồn kho cao. Trong khi đó, các đơn đặt hàng trong quý IV/2022 cũng bị chậm lại do lo ngại về lạm phát.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Giày dép Nguyên Nguyên Phước (Bình Dương), trước đây DN có thể nhận đơn hàng trước từ 1-2 quý. Tuy nhiên, với những biến động thị trường như hiện nay, DN chỉ có thể nhận đơn hàng trước 2-3 tháng.
Nhận định tình hình từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Quang Vũ - Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương cho biết, tình hình nửa cuối năm thị trường da giày sẽ chậm lại. Một số DN đang phải "ăn đong" đơn hàng xuất khẩu. Đơn hàng không được dồi dào như trước, thậm chí có DN trong ngành đã bị hủy đơn hàng vì nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Hiện tại, trong ba tháng 8, 9, 10 là vùng trũng của đơn hàng, vì thế lượng đơn hàng đã giảm 30% so với những năm trước.
Loay hoay tìm kênh phân phối
Đứng trước khó khăn vì nguồn hàng khó tiêu thụ, các DN ngành lương thực thực phẩm buộc phải tự xoay xở tìm hướng ra cho sản phẩm. Ngoài việc dựa vào các kênh phân phối truyền thống, tăng kênh bán hàng online, một số DN còn tham gia các hội chợ, các chương trình liên kết nhưng hiệu quả chưa thực sự cao.
"Chúng tôi đang liên kết với hàng Việt Nam chất lượng cao, tham gia các hội chợ, triển lãm mỗi tháng 1-2 lần. Bên cạnh đó còn dành ngân sách 2% tổng doanh thu để xây dựng kênh bán hàng trực tuyến", ông Diệu nói.
Tuy nhiên, ông Vũ cho biết, ngay cả việc xoay sở sang kênh online thì rất nhiều DN vẫn còn khá lúng túng và thường "mạnh ai nấy làm", do đó với những DN mà đội ngũ lãnh đạo không rành về công nghệ thì sẽ gặp khó trong việc triển khai các kênh bán hàng trực tuyến.
Vì thế, ông Vũ mong muốn các hiệp hội sẽ xây dựng một kênh siêu thị trực tuyến để các DN có thể dễ dàng tham gia kết nối, trao đổi và mua bán sản phẩm. Hiệp hội Lương thực thực phẩm cũng hỗ trợ DN trao đổi thông tin, tìm nguồn ra cho sản phẩm, hỗ trợ các DN mới quay lại thị trường sau dịch, để các DN có động lực và niềm tin vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
Nói về kế hoạch cuối năm, ông Vũ cho rằng cần có sự phân tích, dự báo của các chuyên gia kinh tế về tình hình hàng Tết cuối năm để công ty chuẩn bị nguồn hàng cho phù hợp, tránh trường hợp chuẩn bị ít dẫn đến thiếu hàng, chuẩn bị nhiều thì lại dư thừa. Bên cạnh đó, DN cũng mong có thêm nhiều thông tin về thị trường, sức mua trong năm 2023 tới để có thể, tham khảo, nhằm lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Hoặc nhiều chương trình hội chợ vào dịp Tết, có các chính sách kích cầu của Nhà nước để khuyến khích người dân mua hàng dịp Tết.
Với ngành gỗ xuất khẩu, giải pháp giảm quy mô sản xuất đang là giải pháp được nhiều DN ngành gỗ lựa chọn nhất. Cụ thể ở giải pháp này, nhiều DN cho người lao động nghỉ ngày thứ bảy, không tăng ca và chỉ làm 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần. Hoạt động sản xuất cũng sẽ được sắp xếp tinh gọn để giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Hiện các DN trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đang tích cực hoàn thiện các khâu sản xuất, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu (sợi, vải) để đáp ứng nhu cầu cho khâu may, bảo đảm khép kín chuỗi cung ứng. Vinatex cũng liên tục cập nhật biến động nguyên phụ liệu đầu vào cho các DN thành viên; nhập khẩu một lượng bông dự trữ nhất định cho các DN sợi với giá tốt, tránh những rủi ro về tăng giá, sẵn sàng cho các đơn hàng trong nửa cuối năm.