![]() |
Hàn Quốc đã có dấu mốc lịch sử đặc biệt, lần đầu tiên có nữ tổng thống và là người sống độc thân. Bà Park Geun-hye con gái của cựu Tổng thống Park Chung-hee, đã có những bước tiến chính trị quan trọng và thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Tân tổng thống Park Geun-hye đang phải đối mặt với một tình hình kinh tế khá khó khăn: vừa phải thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á tăng trưởng, vừa phải cân bằng các động lực tăng trưởng khác nhau.
Khó khăn chồng chất
>Gia đình Hàn Quốc oằn mình với gánh nợ >Bà Park Geun-hye nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc |
Mặc dù Hàn Quốc được cả thế giới ngưỡng mộ và ghen tị trong nhiều năm về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cũng như sự thoát ra ngoạn mục khỏi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998, nhưng hiện nay tăng trưởng của Hàn Quốc dường như sắp hết nhiên liệu. Chính vì thế, trong chương trình nghị sự chính sách đầu tiên của bà Park Geun-hye trong vòng năm năm tới, bà Park đã không đặt bất kỳ mục tiêu tăng trưởng cụ thể nào cho nền kinh tế Hàn Quốc. Điều đó cho thấy nhiệm vụ khôi phục tăng trưởng phức tạp như thế nào.
Trong số các mối quan tâm lớn nhất của tân tổng thống, bà cho rằng khó kiểm soát là sự suy giảm xuất khẩu, vốn chiếm hơn một nửa tổng sản lượng kinh tế của Hàn Quốc. Hợp đồng làm ăn của Hàn Quốc tại các thị trường trọng điểm như Mỹ và khu vực Châu Âu đã bị tổn thương nhiều.
Mặc dù đã có một sự tăng lên chút ít trong tháng 1/2013 về lượng hàng hoá xuất khẩu, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng điều kiện kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục mong manh và những lô hàng xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng nếu tình hình trong bất kỳ một thị trường trọng điểm nào bị thoái hóa. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu cũng có thể bị suy yếu do các biến động tiền tệ. Đồng yen Nhật Bản đã suy yếu gần 15% so với USD từ tháng 11/2012 làm cho hàng hóa Nhật Bản rẻ hơn với khách hàng nước ngoài.
![]() |
Bà Park đã không đặt bất kỳ mục tiêu tăng trưởng cụ thể nào cho nền kinh tế Hàn Quốc |
Trong khi đó, đồng won Hàn Quốc đã tăng gần 10% so với USD kể từ tháng 5/2013, làm cho hàng hóa Hàn Quốc đắt hơn. Và với việc các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản cạnh tranh với nhau trong cùng một thị trường, có những lo ngại rằng hàng hóa Hàn Quốc có thể bị thua do khả năng chi trả của người mua giảm.
Chiến lược dài hạn
Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu tích cực tốt, ít nhất là từ nhu cầu của Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Trung Quốc đã cố gắng để thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong một nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế chuyên về xuất khẩu.
Một số nhà phân tích nói rằng nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc trong những năm tới có thể sẽ giúp tăng xuất khẩu của Hàn Quốc. Do nhu cầu từ Trung Quốc tăng lên, một phần trong sẽ được đáp ứng bằng các sản phẩm của Hàn Quốc, ông James Rooney giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Market Force thị trường khẳng định. Theo ông, Hàn Quốc đã gắn kết nền kinh tế của mình khá tốt với Trung Quốc để tận dụng lợi thế đó.
Nhưng những người khác cảnh báo rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức riêng của mình cả trong nước và trên toàn cầu. Vì thế Hàn Quốc không nên đặt tất cả hy vọng vào nhu cầu của Trung Quốc để duy trì khả năng và tốc độ xuất khẩu hàng hoá.
Một số nhà phân tích nói rằng chính phủ mới của bà Park cần phải đưa ra các chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển để DN phát triển sản phẩm mới và tạo ra một thị trường thích hợp. Đó có thể là lĩnh vực năng lượng xanh hoặc thậm chí là khu vực dịch vụ. Tuy nhiên, đây là một chiến lược dài hạn và các kết quả sẽ mất một thời gian để thấy rõ và tác động đến xuất khẩu hàng hoá.
Những câu hỏi hóc búa
Một thách thức lớn khác của bà Park là làm thế nào để thúc đẩy nhu cầu trong nước, nơi các chính sách của chính phủ mới có khả năng bị hạn chế bởi vấn đề nợ của các hộ gia đình đang phình ra. Trớ trêu thay, vấn đề đó có nguồn gốc từ cách Hàn Quốc thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á trong những năm 1990, tức là thúc đẩy cho vay đối với các gia đình và cá nhân.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ trên, hộ gia đình ở Hàn Quốc đã tăng mức nợ trung bình 13% một năm, gấp hai lần so với mức tăng của tổng sản phẩm quốc nội Hàn Quốc. Số nợ này đạt tới mức kỷ lục 959,4 ngàn tỷ won (bằng 880 tỷ USD) trong quý 4/2012; tương đương với 164% thu nhập khả dụng. Điều đó cộng với thực tế thị trường bất động sản, nơi mà rất nhiều người Hàn Quốc đã đầu tư nợ này, đã bị trì trệ khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng và muốn tránh cho thị trường bất động sản không bị sụp đổ.
Những điều đó có nghĩa là về cơ bản chính phủ mới không thể đủ khả năng cho vay theo cách của mình để thúc đẩy tăng trưởng. Các nhà phân tích nói rằng với nhiều hộ gia đình đã có mức nợ cao, bất kỳ một sự vay thêm nào và một sự gia tăng chi phí vay nào cũng sẽ ảnh hưởng đến phần lớn các hộ gia đình Hàn Quốc.
Tuy nhiên, những thách thức nhạy cảm nhất mà bà Park phải đối mặt là lời kêu gọi cải cách trong các chaebol - tập đoàn DN gia đình lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG và Hyundai - đã và đang là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong những năm qua và đó là một phần trong di sản từ thời bố bà Park làm tổng thống để lại. Họ tạo ra khoảng một nửa tổng sản phẩm quốc nội nhưng họ đang phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng gia tăng với cáo buộc rằng họ đã làm tổn thương sự phát triển của các công ty nhỏ và vừa trong nước. Các tập đoàn lớn được ưu tiên vốn trong khi các công ty bé hơn không có được lợi thế này do vậy cải cách các chaebol đã trở thành một vấn đề chính trị quan trọng.
Trong chiến dịch bầu cử bà Park đã nói về cái gọi là "dân chủ kinh tế' trong đó khẳng định Hàn Quốc đã không quan tâm đủ tới sự công bằng. Các Cty lớn có thể đầu tư, tạo việc làm, nhưng họ cũng có một số hành động xấu như tập trung kinh doanh trong những nhóm riêng, cướp công nghệ từ các Cty nhỏ và kích giá lên cao. Tuy nhiên cũng có những lo ngại cho rằng một sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế có thể khiến bà Park phải đình chỉ bất kỳ cải cách nào trên mặt trận này, để đảm bảo rằng các động lực tăng trưởng lớn tiếp tục thông suốt.