Hạn chế rủi ro cho chiến lược kinh doanh tiền tệ Carry Trade

ANH KHOA| 24/06/2017 06:33

Carry Trade - kinh doanh chênh lệch lãi suất là một chiến lược kinh doanh tiền tệ dựa trên sự biến động của tỷ giá và chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền.

Hạn chế rủi ro cho chiến lược kinh doanh tiền tệ Carry Trade

Carry Trade - kinh doanh chênh lệch lãi suất là một chiến lược kinh doanh tiền tệ dựa trên sự biến động của tỷ giá và chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền, theo đó nhà đầu tư sẽ vay vốn đồng tiền có lãi suất thấp để đầu tư vào tài sản hoặc đồng tiền của một nước khác đang có suất sinh lợi cao hơn.

Giới đầu tư quốc tế thường chọn đồng yen Nhật để kinh doanh chênh lệch lãi suất do lãi suất vay của đồng tiền này luôn rất thấp trong thời gian dài. 

Giới đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam cũng không lạ gì với chiến lược Carry Trade. Trước đây, lãi suất tại Mỹ thấp kỷ lục thì dòng tiền từ nước này gửi về Việt Nam dưới dạng kiều hối ở mức rất cao nhằm chuyển sang VND gửi ngân hàng để ăn chênh lệch lãi suất lên đến 7 - 8%/năm.

Điều này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn xảy ra tại các nền kinh tế đang phát triển với lợi sinh lời của tài sản và lãi suất luôn ở mức cao. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ bắt đầu tăng lãi suất từ cuối năm 2015 đến nay thì dòng vốn trên đã giảm đáng kể hoặc còn có nguy cơ chảy ngược trở lại Mỹ.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới hiện nay thậm chí đang duy trì mức lãi suất cơ bản âm, theo đó lãi suất vay vốn ở mức thấp kỷ lục, thì chiến lược Carry Trade đang thịnh hành và được giới đầu tư sử dụng rộng rãi hơn bao giờ hết. Ngoài FED đang có chính sách tăng lãi suất trở lại thì thực tế nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn duy trì mức lãi suất âm hoặc gần bằng 0.

Một số doanh nghiệp trong nước cũng có chiến lược vay đồng USD từ ngân hàng rồi chuyển sang VND gửi ngược lại ngân hàng để ăn chênh lệch lãi suất 2 - 4%, điều này đặc biệt phổ biến trước khi có chính sách hạn chế vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có những doanh nghiệp xuất khẩu dù chưa có nhu cầu tài chính nhưng vẫn tìm cách vay ngoại tệ từ ngân hàng do đảm bảo có nguồn thu ngoại tệ, sau đó chuyển sang VND gửi ngân hàng để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất.

Rủi ro khi sử dụng chiến lược Carry Trade có thể đến từ 2 yếu tố: lãi suất thay đổi đột ngột và tỷ giá biến động mạnh. Cụ thể, nếu lãi suất đồng tiền đang vay tăng mạnh trong khi các hợp đồng vay vốn áp dụng lãi suất thả nổi, thì thua lỗ có thể xảy ra nếu mức tăng này đưa lãi suất của đồng tiền vay vốn lên cao hơn lãi suất đồng tiền đang gửi hoặc lợi suất của tài sản đang đầu tư.

Tuy nhiên, khả năng lãi suất tăng mạnh đột ngột như trên là khó xảy ra. Yếu tố rủi ro thứ 2 thường xảy ra nhiều hơn, đó là sự biến động mạnh của tỷ giá. Theo đó, nếu đồng tiền đang vay vốn tăng giá mạnh thì có thể sẽ gây thua lỗ cho nhà đầu tư về tỷ giá và trong nhiều trường hợp, mức lỗ tỷ giá này không bù lại được phần lợi nhuận kiếm được từ chênh lệch lãi suất.

Những yếu tố khác có thể tác động làm thay đổi tỷ giá nữa là khủng hoảng tài chính, chính trị và số liệu kinh tế của các quốc gia. Chẳng hạn, trước giai đoạn khủng hoảng tài chính, giới đầu tư đã vay đồng yen đầu tư mạnh vào nước Úc và khi khủng hoảng xảy ra vào năm 2007, dòng tiền này đã tháo chạy khỏi nước Úc và đẩy đồng đô la Úc giảm gần 50% so với đồng yen.

Điều này đồng nghĩa với việc đồng yen Nhật tăng giá đến 50% so với đô la Úc, và nếu nhà đầu tư nào không kịp rút khỏi thị trường Úc và chuyển sang đồng yen sớm thì khả năng lỗ tỷ giá không bù được mức chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền chỉ vài phần trăm.

Như vậy, nếu chiến lược Carry Trade được sử dụng tràn lan và quốc gia không có chính sách quản lý tốt dòng ngoại tệ ra vào, thì khủng hoảng tiền tệ tại nước đó có thể xảy ra khi dòng vốn Carry Trade đảo chiều.

Một khi đồng nội tệ bị mất giá quá mạnh sẽ tác động đến lạm phát, thu nhập của người dân, dòng vốn đầu tư nước ngoài và từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Do đó, nếu chiến lược Carry Trade là miếng mồi ngon của giới đầu sỏ tài chính thì có thể là cơn ác mộng đối với ngân hàng trung ương các quốc gia.

Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá thì giới đầu tư thường sử dụng các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn, tương lai hoặc các quyền chọn. Tuy nhiên các tổ chức khi cung cấp các sản phẩm phái sinh này thường đã xem xét kỹ đến khả năng phá giá của một đồng tiền và mức chênh lệch lãi suất hiện có giữa 2 đồng tiền để xác định mức phí.

Thông thường mức phí sẽ cao nếu khả năng phá giá và chênh lệch lãi suất cao, do đó lợi nhuận cho hoạt động này sẽ bị thu hẹp đáng kể khi sử dụng cả sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro, vì vậy không ít trường hợp nhà đầu tư không thích sử dụng giải pháp phòng ngừa rủi ro này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạn chế rủi ro cho chiến lược kinh doanh tiền tệ Carry Trade
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO