Sách lược thụ động
Người ta gọi sách lược thụ động vì chúng không có biện pháp nhằm kích thích nhu cầu, mà chỉ nhằm hấp thụ và giải quyết các biến động của nhu cầu.
Đầu tiên, nhà quản trị có thể thay đổi mức tồn kho, chủ yếu được áp dụng cho những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có thể dự trữ được; không thích hợp cho hoạt động dịch vụ. Nhà quản trị có thể tăng mức tồn kho trong giai đoạn có nhu cầu thấp, dành để tăng mức cung cấp khi có nhu cầu cao ở các giai đoạn trong tương lai.
Khi nhu cầu thay đổi, doanh nghiệp có thể duy trì mức sản xuất theo mức cầu và thay đổi nhân lực bằng cách thuê thêm hay giảm bớt lao động cho phù hợp với mức độ sản xuất trong từng thời kỳ. Các biện pháp này chỉ thích hợp với doanh nghiệp sử dụng lao động không đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao, chủ yếu lao động thủ công, giản đơn.
Trong lĩnh vực dịch vụ, thường sử dụng lao động làm việc bán thời gian để bổ sung cho nguồn lao động không cần kỹ thuật cao. Chẳng hạn, trong dịp lễ, tết, các cửa hàng bán thực phẩm chế biến sẵn, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, siêu thị, nhà hàng tiệc cưới... có thể tuyển dụng thêm lực lượng lao động tạm thời như sinh viên, học sinh và lao động nhàn rỗi khác.
Link bài viết
Một sách lược đáng quan tâm là điều chỉnh thời gian sản xuất, giúp tăng độ linh hoạt trong hoạch định tổng hợp. Doanh nghiệp có thể bổ sung nhu cầu thiếu hụt trong giai đoạn nhu cầu thị trường tăng cao bằng cách thỏa thuận với người lao động làm thêm giờ ngoài quy định, cho họ nghỉ bù lại trong giai đoạn có nhu cầu thấp.
Một giải pháp khả thi khác là ký hợp đồng phụ thuê gia công ngoài trong những giai đoạn nhu cầu tăng cao, ngược lại, có thể nhận hợp đồng từ bên ngoài khi doanh nghiệp có thừa khả năng nhằm tận dụng phương tiện, lao động dư thừa. Nhìn chung, sách lược này chủ yếu được áp dụng trong lĩnh vực sản xuất và một vài lĩnh vực dịch vụ như sửa chữa, rất thích hợp với sản phẩm có tính mùa vụ, tiếp xúc nhiều với vật hơn là người.
Sách lược chủ động
Sách lược này nhằm giúp doanh nghiệp tác động lên nhu cầu, sao cho san bằng được biến động trong suốt thời kỳ kế hoạch, thường áp dụng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, như khách sạn, hàng không, đường sắt...
Khi nhu cầu thị trường thấp, doanh nghiệp có thể tác động bằng cách quảng cáo, khuyến mãi, giảm giá, mở rộng hình thức bán hàng... Chẳng hạn, các hãng hàng không, khách sạn thường giảm giá vào ngày thường và tăng giá vào cuối tuần, các kỳ nghỉ.
Trong giai đoạn có nhu cầu tăng cao, doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng, có thể sử dụng hình thức “đặt cọc trước”, thường áp dụng trong lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực thương mại, dịch vụ, như mua vé máy bay, vé tàu, đặt tiệc... Theo hình thức này, doanh nghiệp có nhu cầu mua hàng hóa và dịch vụ đặt đơn hàng, trả tiền trước hoặc chắc chắn sẽ trả tiền để bảo đảm hàng hóa, dịch vụ sẽ được cung cấp đúng thời điểm cần.
Doanh nghiệp nhận đặt cọc phải thỏa mãn nhu cầu của khách hàng theo đúng yêu cầu vào những thời điểm xác định đã được thỏa thuận giữa hai bên. Để ổn định công suất, doanh nghiệp có thể kết hợp sản xuất sản phẩm theo mùa vụ, bổ sung cho nhau. Chẳng hạn, một doanh nghiệp vừa sản xuất lò sưởi điện vừa sản xuất máy lạnh.
Doanh nghiệp có thể vận dụng sách lược hỗn hợp, kết hợp hai hay nhiều sách lược đơn thuần có khả năng kiểm soát. Chẳng hạn, có thể kết hợp việc làm thêm giờ, hợp đồng phụ và hàng tồn kho khi hoạch định sách lược tổng hợp. Đây cũng là một nhiệm vụ đầy thách thức vì có vô vàn cách phối hợp khả năng lại với nhau, thường khó tìm ra được giải pháp tối ưu.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ, việc lựa chọn cách phối hợp sách lược có sự khác biệt, bởi vì lĩnh vực này không có tồn kho. Vì vậy, doanh nghiệp dịch vụ thường lập kế hoạch khi hoạch định tổng hợp bằng cách thay đổi nguồn nhân lực như đào tạo thêm chuyên môn, quay vòng các chức vụ trong bộ máy điều hành, thay đổi lịch trình phân công và sử dụng lao động làm việc bán thời gian.