Hai mặt của đồng tiền

HỒNG BÍCH| 26/10/2012 04:46

Tiền cổ là sử Việt, hồn Việt, phát hiện thêm một đồng tiền cổ mới lạ là ghi thêm một dòng để lịch sử Việt Nam sáng rõ ràng".

Hai mặt của đồng tiền

Bác sĩ Nguyễn Anh Huy, tác giả cuốn sách Sơ truy và lược khảo về lịch sử tiền tệ Việt Nam (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn ấn hành, quý I/2010), đã viết: "Tiền cổ là sử Việt, hồn Việt, phát hiện thêm một đồng tiền cổ mới lạ là ghi thêm một dòng để lịch sử Việt Nam sáng rõ ràng".

Đọc E-paper

BS. Huy viết thêm về thú chơi tiền như sau:

"Mỗi khi đối diện với một bộ sưu tập tiền cổ của một người nào đó, tôi thường cầm những đồng tiền cổ trên tay, nghe như trong quá khứ mấy trăm năm, cả ngàn năm đã có bao nhiêu bàn tay cầm nó. Những bàn tay thứ dân lao khổ, tay quan lại quyền quý, và có thể là bàn tay của những vị vua, tướng sĩ yêu nước xả thân đánh đuổi giặc xâm lăng, giành độc lập cho dân tộc...

Bao nhiêu lớp mồ hôi, nước mắt và có khi là máu trên những đồng tiền đó. Tôi để những đồng tiền đó chạm vào nhau, để chúng rơi xuống mặt bàn và nghĩ: Ngàn năm rồi mà tiếng đồng vẫn lanh canh trong trẻo, ánh đồng vẫn lấp lánh hồn Việt! Nói chung đó là một cảm giác rất khó diễn tả”.

Trong cuốn sách còn có những chuyên khảo lạ lùng về tiền cổ như: Những đồng tiền hai mặt, Đồng tiền ly loạn, Đồng tiền mất giá, Những đồng tiền giả, Công nghệ đúc tiền...

Hôm rồi, đọc dòng tin trên diễn đàn của những người chơi tiền cổ, rằng, trước thông tin Ngân hàng Nhà nước chính thức thu hồi và không cho lưu thông loại tiền giấy cotton 10 ngàn và 20 ngàn đồng, giới sưu tập đã hứng khởi đánh tiếng đưa loại tiền này vào bộ sưu tập và bắt đầu mua bán, trao đổi nó như tiền cổ.

Cuốn Sơ truy và lược khảo về lịch sử tiền tệ Việt Nam chưa có dòng nào về những đồng tiền giấy và tiền polymer.

Và như bất cứ đồng tiền nào từng xuất hiện, rồi đây những tờ bạc 10 ngàn, 20 ngàn ấy là chứng nhân của một thời lịch sử người Việt đi trong cơ chế sòng phẳng của quy luật kinh tế thị trường.

Mặc dù tỷ lệ lạm phát trên đồng tiền ấy mỗi năm được ghi nhận ở một con số, nhưng chính tờ bạc 10 ngàn đồng đó đã có mặt suốt thời gian đời sống người Việt được cải thiện rõ nét nhất, trong khoảng 10 năm cuối thế kỷ XX.

Chính sử sẽ ghi nhận về thời kỳ này như vậy. Nhưng các khảo cứu tiền cổ hậu thế chắc chắn không chịu dừng lại với chính sử. Tờ tiền giấy 10 ngàn và 20 ngàn đồng nay gần như hết nhiệm vụ.

Họ sẽ lật đi lật lại đồng bạc nhẹ tênh ấy để nghiên cứu thêm về những quy luật khác đã in dấu trên đồng bạc ấy.

Với đồng bạc polymer chẳng hạn, nó đang gắn với một vụ án diễn ra tại nước Úc xa xôi khi người ta nghe lời khai của một vị quan chức Úc thừa nhận đã dùng tiền hối lộ để nhận được hợp đồng in tiền polymer Việt Nam.

Rồi các nhà khảo cứu sẽ viết thêm, thời kỳ này đồng tiền polymer là chứng nhân căn bệnh không mới nhưng phổ biến, mang cái tên tham nhũng, hối lộ, nó có một phần gương mặt của lạm dụng chức quyền trước sức hút kim tiền, nó có mang cái tên "nợ xấu"?

Hãy hình dung 100 năm nữa, nhà chơi tiền cổ sẽ sàng lật đi lật lại tờ tiền giấy 10 ngàn đồng hay tờ polymer 500 ngàn đồng, ông ta sẽ lắng nghe được điều gì ở con số và hình ảnh in trên đó.

Liệu nhà sưu tập tương lai đó có hiểu hết được tiền nhân trong một mùa cận cái Tết Quý Tỵ 2013 chẳng hạn, có vẽ ra được gương mặt lo lắng, sầu muộn của hàng chục ngàn doanh nhân Việt trước gánh nặng lo tiền thưởng Tết cho hàng triệu công nhân trước tình cảnh hàng tồn kho, cạn vốn, nợ ngân hàng lãi suất cao…

Nhà sưu tập tương lai có ghi nhận được sự xót xa của con người trong quá khứ, khi một công nhân cầm năm, bảy tờ tiền màu xanh mệnh giá 500 ngàn đồng ấy, biết rằng nó chỉ có giá trị giúp họ sống ở mức tối thiểu trong mười ngày, nửa tháng, và hầu như chỉ chi dùng cho ăn uống, đi lại.

Lịch sử đồng tiền ấy với số đông người Việt có những chữ "không" hằn dấu trên đồng bạc lương còm cõi: không chữa bệnh, không du lịch, không mua nhà...

Không hiểu nhà sưu tập tương lai ấy có tìm được mặt thứ hai của đồng tiền này không? Chưa có thời kỳ nào đồng bạc lại gắn với cái nghèo như vậy.

Công nghệ hiện đại đem lại cho người giàu cái thẻ tín dụng tiện lợi, tiêu pha gì thì đưa ra "quẹt" một cái, chẳng cần nhìn thấy mặt đồng tiền.

Nhưng người nghèo thì khác. Những bàn tay đưa ra cầm đồng tiền sẽ để lại trên đó mùi vị của sự vất vả, cực nhọc, của biết bao khao khát đổi đời.

Và lịch sử tiền tệ sẽ ghi nhận rằng, dù từng bị mất giá mạnh nhưng đồng tiền polymer 500 ngàn đồng kia có thể chưa hề xuất hiện trong một căn nhà rách ở miền núi, tầng lớp người nghèo nhất vào thời kỳ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai mặt của đồng tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO