Bản tin tổng hợp

Hà Nội thành lập tổ liên ngành triển khai hạ tầng trạm sạc và phát triển giao thông xanh

Đ.T 15/07/2025 - 14:57

Ngày 14/7, UBND TP. Hà Nội chính thức ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm tham mưu cho Thành phố trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện trên toàn địa bàn.

Theo nội dung Quyết định, Tổ công tác liên ngành do ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng.

Hai Tổ phó gồm ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương và ông Nguyễn Anh Quân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Ngoài ra, Tổ công tác còn bao gồm các thành viên đến từ nhiều sở, ban, ngành khác có liên quan, đảm bảo tính liên thông và hiệu quả trong công tác phối hợp.

Tổ công tác có chức năng chủ yếu là tham mưu cho UBND TP. Hà Nội tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện.

Đồng thời, tổ có trách nhiệm rà soát, cập nhật và đề xuất những nhiệm vụ mới phát sinh từ thực tiễn triển khai, phù hợp với đặc thù đô thị Hà Nội. Các thành viên trong tổ công tác hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, phát huy tối đa năng lực chuyên môn của từng đơn vị.

Đáng chú ý, Sở Xây dựng được giao vai trò là Cơ quan thường trực, có trách nhiệm huy động nguồn lực về nhân sự, trang thiết bị và kinh phí từ ngân sách Thành phố để phục vụ hoạt động của tổ công tác.

Hà Nội: Thành lập tổ công tác để chuyển đổi xe xăng, bổ sung trạm sạc xe điện - DNTT online

Bên cạnh đó, Sở sẽ chủ trì các phiên họp chuyên đề, tổng hợp ý kiến liên ngành và sử dụng con dấu của đơn vị để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến nhiệm vụ được giao.

Trong một động thái cương quyết nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và hướng đến mục tiêu phát triển đô thị xanh, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20 về việc thực hiện các giải pháp cấp bách trong bảo vệ môi trường.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội được giao nhiệm vụ xây dựng phương án và triển khai cấm toàn bộ xe máy chạy xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1, bắt đầu từ ngày 1/7/2026.

Chỉ thị này yêu cầu các cơ quan chức năng của Thành phố xây dựng lộ trình chuyển đổi phương tiện cụ thể, hỗ trợ tổ chức và cá nhân thực hiện thay đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện, nhằm hạn chế tối đa lượng khí thải độc hại trong khu vực đô thị trung tâm.

Đây là bước khởi đầu quan trọng trong việc hiện thực hóa cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng khí nhà kính về mức 0 vào năm 2050 theo Thỏa thuận Paris và các mục tiêu COP26.

Theo Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố có tổng cộng 7 tuyến vành đai, bao gồm 5 tuyến chính (Vành đai 1, 2, 3, 4 và 5) và 2 tuyến hỗ trợ (Vành đai 2,5 và 3,5). Trong đó, Vành đai 1 là tuyến đường trọng yếu, đóng vai trò kết nối xuyên tâm từ Đông sang Tây, xuyên qua khu vực trung tâm hành chính - chính trị của Thủ đô.

Cụ thể, Vành đai 1 có tổng chiều dài 7,2 km, đi qua các tuyến phố và đường lớn như: Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Đê La Thành, Hoàng Cầu, Cầu Giấy, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư và Nguyễn Khoái.

Tuyến đường này cắt ngang qua các quận nội thành trọng điểm như Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Đây chính là khu vực có mật độ phương tiện và dân cư cao, đồng thời cũng là tâm điểm của các hoạt động kinh tế - văn hóa - chính trị của Thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hà Nội thành lập tổ liên ngành triển khai hạ tầng trạm sạc và phát triển giao thông xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO