Gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn?

Gia Lê| 15/03/2021 08:00

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đã có thêm một loạt ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi, đẩy mặt bằng lãi suất huy động xuống thêm. Điều này khiến kênh tiền gửi ngân hàng tiếp tục trở nên kém hấp dẫn...

bai-2-tiet-kiem-1-4877-1615432653.jpg

Đơn cử như Ngân hàng Bắc Á trong nửa cuối tháng 2/2021 giảm 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1- 5 tháng, giảm 0,1% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tương tự, Ngân hàng Quốc Tế cũng giảm lãi suất 0,2% ở tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng, giảm 0,1% kỳ hạn từ 6-11 tháng. Ngân hàng Quốc Dân giảm 0,2% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, còn Ngân hàng Hàng Hải giảm 0,2% kỳ hạn từ 1-11 tháng và giảm 0,3% kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Với dòng tiền gửi đã quay trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết, cộng thêm các khoản lương thưởng cuối năm đã thúc đẩy nhu cầu gửi tiết kiệm gia tăng, giúp hệ thống ngân hàng dồi dào thanh khoản trở lại. Ở chiều vốn ra, nhu cầu vay đầu năm vẫn thấp, trong khi khách hàng cũng có tâm lý e ngại đi vay đầu năm.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn đang trong xu thế đi xuống, cụ thể tiền gửi kỳ hạn 1 tháng hiện chỉ còn 2,55%, kỳ hạn 2-5 tháng thấp nhất là 2,85-2,95%; kỳ hạn 6-11 tháng thấp nhất ở 3,8-4%; kỳ hạn 12 tháng trở lên ở 4,5-4,8%. Với mức trần lãi suất tiền gửi hiện ở 4% chỉ áp dụng cho kỳ hạn dưới 6 tháng, có thể thấy mặt bằng lãi suất hiện nay ở các kỳ hạn, đặc biệt ngay cả các kỳ hạn dài, là thấp đến mức nào. Một số ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn trần lãi suất vì không còn cần thiết.

Thực tế này cho thấy, kênh tiền gửi tiết kiệm đang có suất sinh lời quá thấp so với các kênh đầu tư khác. Với lãi suất huy động bình quân hiện nay tính theo mức 5%/năm, thì hệ số P/E của gửi tiết kiệm đã lên mức 20 lần. Trong khi đó, chỉ số VN-Index hiện nay có P/E chỉ quanh mức 16, thấp hơn nhiều nên dòng tiền thời gian qua có xu hướng dịch chuyển từ kênh tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán cũng là điều dễ hiểu. 

Với lãi suất huy động bình quân hiện nay tính theo mức 5%/năm, thì hệ số P/E của kênh tiền tiền gửi tiết kiệm đã lên mức 20 lần. Trong khi đó, chỉ số VN-Index hiện nay có P/E chỉ quanh mức 16, thấp hơn nhiều do đó mà dòng tiền thời gian qua có xu hướng dịch chuyển từ kênh tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán cũng là điều dễ hiểu.

Đáng lưu ý là trên sàn chứng khoán hiện nay còn khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và có hệ số P/E dưới 10, do đó xu hướng chuyển dịch vốn đầu tư nói trên sẽ còn tiếp tục. Các nhà đầu tư giá trị sẽ tiếp tục đi tìm những doanh nghiệp đang bị định giá thấp so với giá trị thực của doanh nghiệp. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới gia tăng kỷ lục gần đây phần nào chứng minh xu thế dịch chuyển vốn vẫn đang tiếp diễn.

Ngoài lãi suất thấp, yếu tố thứ hai khiến kênh tiền gửi ngân hàng hiện nay không còn hấp dẫn là lạm phát đang có xu hướng gia tăng trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 mới đây đã tăng vọt trở lại đưa đến lo ngại lạm phát năm nay có thể vượt mục tiêu 4% đề ra. Thực tế với mức lạm phát kỳ vọng 4% thì những người đang gửi tiền ở kỳ hạn dưới 6 với lãi suất 2,5-3,5% phải chấp nhận mức lãi suất thực âm.

Trong khi đó, với những nhà đầu tư chứng khoán nếu chọn mã đúng, chỉ cần cổ phiếu tăng trần một phiên đã có lợi nhuận 7% nếu là trên sàn HOSE, 10% trên sàn HNX và đến 15% trên sàn UPCOM. Diễn biến một năm qua cho thấy không ít cổ phiếu có mức tăng trưởng tính bằng lần, còn đạt mức tăng vài chục phần trăm là rất phổ biến. Và trong một xu thế giá lên như hiện nay, xác suất chọn được mã cổ phiếu tăng giá đã cao hơn nhiều so với trước đây.

Đối với những nhà đầu tư có vốn lớn hơn, ngoài chứng khoán có thể lựa chọn rót tiền vào thị trường bất động sản, khi mà các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mới, nâng cấp xếp loại đô thị đang là chất kích thích đẩy giá đất tại nhiều khu vực tăng tích cực. Bên cạnh đó, với lãi suất cho vay có xu hướng đi xuống, việc vay thêm vốn để đầu tư vào thị trường nhà đất cũng đang là phương án được nhiều người lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO