Những chiến lược thiết yếu thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp vừa tại ASEAN

14/06/2019 06:27

Vận hành thông minh, đưa giá trị ra thị trường (go-to-market) trên nền tảng số và mở rộng hoạt động ra nước ngoài là một số chiến lược thiết yếu, giúp doanh nghiệp vừa tại ASEAN thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.

Những chiến lược thiết yếu thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp vừa tại ASEAN

Doanh nghiệp quy mô vừa sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng của ASEAN vào những năm tới, qua việc đổi mới chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy mạnh các mô hình kinh doanh có quy mô ở tầm khu vực.

Đó là nhận định của ông Jiten Arora - Giám đốc toàn cầu khối Ngân hàng thương mại dành cho doanh nghiệp của ngân hàng Standard Chartered, trích dẫn từ báo cáo được chia sẻ tại sự kiện "Kết nối ASEAN: Chiến lược tăng trưởng cho doanh nghiệp quy mô vừa", do Phòng Thương mại Malaysia và ngân hàng Standard Chartered tổ chức, với sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo cấp cao đến từ các doanh nghiệp hoạt động tại châu Á và Việt Nam.

Giải pháp số trong chuỗi giá trị và mở rộng hoạt động ra khu vực

Ông Arora chia sẻ: "Nền kinh tế ASEAN dự đoán đạt 4.000 tỷ USD trong năm 2023 và trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030; tuy nhiên, các thách thức nội tại và bên ngoài sẽ tác động đến khả năng cạnh tranh cũng như tăng trưởng trong dài hạn".

Khẳng định các doanh nghiệp quy mô vừa sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng của ASEAN vào những năm tới, vị giám đốc này cho biết quá trình này sẽ được hỗ trợ thông qua việc đổi mới chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy mạnh các mô hình kinh doanh có quy mô ở tầm khu vực.

Bên cạnh đó, khi chia sẻ về một số yếu tố cấu trúc góp phần thúc đẩy tăng trưởng tại ASEAN, ông Arora nói, nguồn cung lao động dồi dào sẽ tiếp tục phát triển. Trong giai đoạn 2015-2030, sẽ có 60 triệu người tham gia lực lượng lao động và 10% lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2030 sẽ đến từ ASEAN. Đồng thời, mức tiêu thụ và tài sản trên đà gia tăng, bên cạnh nguồn vốn FDI dồi dào đổ vào khu vực - đạt kỷ lục 137 tỷ USD vào năm 2017 - cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

"Áp dụng các giải pháp số trong chuỗi giá trị và mở rộng hoạt động ra khu vực là hai trọng tâm tăng trưởng chính mà các doanh nghiệp quy mô vừa cần tập trung để đảm bảo tăng trưởng bền vững", ông Arora đúc kết.

Phiên thảo luận của các chuyên gia kinh tế tại sự kiện "Kết nối ASEAN:

Phiên thảo luận của các chuyên gia kinh tế tại sự kiện "Kết nối ASEAN: Chiến lược tăng trưởng cho doanh nghiệp quy mô vừa" do Phòng Thương mại Malaysia và ngân hàng Standard Chartered tổ chức tại TP.HCM vào ngày 12/6/2019

Quan sát, tận dụng tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Ngoài việc áp dụng các chiến lược tăng trưởng phù hợp, các doanh nghiệp ASEAN cần thiết quan sát những bất ổn liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cùng những diễn biến có thể xảy ra và các tác động của nó lên tăng trưởng toàn cầu cũng như khu vực.

Theo ông Chidu Narayanan - Chuyên gia kinh tế phụ trách châu Á của Standard Chartered, những bất ổn kéo dài xung quanh vấn đề đàm phán thương mại đã tác động lên tâm lý toàn cầu và quá trình tăng trưởng. Và ASEAN có thể gặt hái được những lợi ích từ sự chuyển hướng nhu cầu. Theo ông Chidu, triển vọng tăng trưởng của khu vực tiếp tục duy trì ổn định, với sự hỗ trợ của nhu cầu nội địa mạnh mẽ.

Nhận định trên hoàn toàn khớp với số liệu cũng như dự báo về đầu tư và xu hướng dịch chuyển dòng vốn dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong thời gian qua. Bên cạnh thương mại, một số quốc gia châu Á, đặc biệt là những nước gần Trung Quốc, có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư tháo lui khỏi Trung Quốc để tránh hàng rào thuế quan. Những quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan hay Campuchia đang chứng kiến nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy dời đến từ "công xưởng số một thế giới".

"Các nước ASEAN hiện nay đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu. Nhiều cơ sở sản xuất phục vụ cho nguồn cung của thế giới đã dịch chuyển tới ASEAN và khu vực này đang trở thành một thị trường có ảnh hưởng lớn. Sự gia tăng các hoạt động giao thương tại đây là khá rõ ràng. Do đó, với các doanh nghiệp đang đầu tư và hoạt động tại thị trường này, thông tin về thương mại và kinh doanh là rất quan trọng", ông Theng Bee Han - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam - cho biết.

Theo kết quả cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc công bố mới đây, hơn 40% số công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đang xem xét hoặc đã chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác, chủ yếu là các nước ASEAN hoặc Mexico. 

Đặc biệt, số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Hoa Kỳ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019 đã tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tốc độ xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ từ Việt Nam như trên được duy trì cả năm, Việt Nam sẽ vượt qua Italy, Pháp, Anh và Ấn Độ trong danh sách những nước có kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ.

Còn ông Nirukt Sapru - Tổng Giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á thuộc Standard Chartered - đưa ra dự báo: "ASEAN tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, quy mô tăng trưởng phụ thuộc vào việc áp dụng các chiến lược tăng trưởng mới của khối tư nhân, việc duy trì cải cách chính sách của các chính phủ và sự tập trung chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Lĩnh vực tư nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của ASEAN".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những chiến lược thiết yếu thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp vừa tại ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO