Nhiều ngành và địa phương có kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP

P.Linh| 10/04/2019 03:11

Bộ Công Thương cho biết đã nhận được báo cáo của 13 bộ, ngành, cơ quan cấp trung ương và 35 đơn vị cấp địa phương về kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Nhiều ngành và địa phương có kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP

Chia sẻ về thông tin này, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi CPTPP có hiệu lực (từ ngày 14/1/2019), Chính phủ đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện Hiệp định tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/1/2019. Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp triển khai kế hoạch và kiến nghị các biện pháp để thực hiện CPTPP, báo cáo kết quả định kỳ.

Các báo cáo gửi Bộ Công Thương cho thấy, về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch theo 5 nhóm lĩnh vực chính.

Bộ này đang chuẩn bị tổ chức hội nghị, hội thảo chung và theo chuyên đề về Hiệp định CPTPP tại khoảng 10 - 15 cụm tỉnh và thành phố. Dự kiến trong tháng 4 này, Bộ Công Thương sẽ cùng Trung tâm Hội nhập quốc tế của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức Hội thảo Cơ hội tiếp cận thị trường Canada trong Hiệp định CPTPP.

Bộ cũng đang biên soạn các tài liệu hướng dẫn chi tiết về một số nội dung quan trọng của CPTPP để phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề.

Liên quan đến việc cập nhật tình hình sửa đổi pháp luật để phù hợp với CPTPP, Bộ đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa, có hiệu lực từ ngày 8/3/2019.

Thông tư số 03/2019/TT-BCT có điều khoản quy định về chuyển tiếp cho phép doanh nghiệp được cấp C/O hồi tố để được hưởng  ưu đãi về thuế theo CPTPP từ ngày 14/1/2019 đến ngày 8/3/2019.

Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt các luật này.

Bộ này cũng đang khẩn trương hoàn tất các văn bản pháp luật ở cấp nghị định và thông tư trong lĩnh vực cạnh tranh, phòng vệ thương mại để hướng dẫn thực hiện CPTPP.

Nhận định từ giới chuyên gia, Hiệp định CPTPP có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam. Các cam kết sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, từ đó thúc đẩy đầu tư trong nước cũng như đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các cam kết toàn diện của CPTPP cũng đặt ra yêu cầu Việt Nam phải cải cách thể chế, những quy định liên quan cho phù hợp với các cam kết quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều ngành và địa phương có kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO