Một câu hỏi giúp Jeff Bezos đưa Amazon vào nhóm Big4 công nghệ

18/01/2019 09:45

Nhà sáng lập Amazon – Jeff Bezos (trước khi ly hôn) là người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng 150 tỷ USD. Bí mật thành công của vị tỷ phú này là gì?

Một câu hỏi giúp Jeff Bezos đưa Amazon vào nhóm Big4 công nghệ

Amazon là một trong 4 công ty công nghệ hàng đầu thế giới, bên cạnh Google, Apple và Facebook, xét trên các tiêu chí vốn hóa thị trường, đổi mới đột phá, tài sản thương hiệu và quy trình ứng dụng siêu cạnh tranh, còn gọi là nhóm Big4.

Sáng lập và dẫn dắt Công ty hơn 20 năm qua, đưa Amazon từ một cửa hàng sách trực tuyến trở thành một công ty công nghệ đa quốc gia tập trung vào thương mại điện tử, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, bí mật thành công của Bezos có thể là một bất ngờ với số đông: Mỗi ngày, ông chỉ tự hỏi một câu hỏi đơn giản: “Chúng ta là một công ty Ngày 1 hay Ngày 2?”.

Công ty Ngày 1

Công ty Ngày 1 xem mỗi ngày đều là một ngày mới mẻ để thử nghiệm, phát minh và đổi mới sáng tạo. Những công ty Ngày 1 chỉ bị ám ảnh bởi khách hàng và không để mình trở thành “tù nhân” của bất kỳ một quy trình nào.

Họ nắm bắt những xu hướng mới và nhìn thấy sớm những dấu hiệu để đi trước đối thủ và ra những quyết định với tốc độ cao dù tỷ lệ tự tin chỉ có 80%. Với họ, trong một thế giới VUCA (các chữ cái đầu tiên của 4 từ tiếng Anh có nghĩa là: biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ), việc chờ đợi cho đến khi đã có sự tự tin 100% là quá lâu.

Công ty Ngày 1 xóa bỏ những yếu tố có thể giết chết sự đổi mới sáng tạo như quan liêu, lãng phí và các cách làm lỗi thời. Các công ty này có tinh thần và sự nhanh nhẹn như một startup, bất chấp quy mô và lịch sử phát triển có đồ sộ, hoành tráng thế nào. Đây chính là lý do vì sao General Electric tự gọi mình là một startup 125 tuổi.

Link bài viết

Công ty Ngày 1 biết cách chấp nhận, thậm chí thúc đẩy sự thất bại thông minh. Đối với họ, trong môi trường kinh doanh bất định, việc cần làm là ngưng lo lắng về tỷ lệ thất bại, bởi vì chúng ta vẫn có thể có nhiều thất bại nếu cái giá phải trả không quá đắt. Như tinh thần của câu nói: “Hãy thất bại nhanh, thất bại rẻ, và rồi bước tiếp”.

Công ty Ngày 1 chấp nhận văn hóa “học hỏi tất cả” thay vì văn hóa “biết hết tất cả”, và thực hành tinh thần lãnh đạo 4C (các chữ cái đầu tiên của 4 từ tiếng Anh có nghĩa là: sáng tạo, hợp tác, thay đổi và thử thách). Và công ty Ngày 1 luôn cần trở thành một “phiên bản thử nghiệm vĩnh viễn” để tối ưu hóa tình trạng hiện tại, đồng thời tạo ra những sự tăng trưởng mới, những mô hình kinh doanh mới cho tương lai.

Công ty Ngày 1 có một “CEO của ngày mai” chứ không phải là một “CEO của hôm qua”. Vị CEO này luôn phá vỡ hiện trạng và thúc đẩy công ty phải thay đổi trước khi một cơn khủng hoảng xảy đến và ép nó phải thay đổi.

Theo như những mô tả như trên, các công ty Tesla, AirBnB, UpTake Technologies và WeWork đều là những công ty Ngày 1.

Công ty Ngày 2

Các công ty Ngày 2 thì như thế nào? “Đó là một công ty trì trệ. Đằng sau nó là sự xuống dốc và… lụn bại. Và đó là lý do vì sao Amazon luôn là công ty Ngày 1”, Bezos viết.

Trái ngược với công ty Ngày 1, một công ty Ngày 2 có “tư duy kinh doanh thông thường” và tinh thần lãnh đạo 2C - các chữ cái đầu tiên của 2 từ tiếng Anh có nghĩa là Ra lệnh và Kiểm soát.

Công ty Ngày 2 vẫn còn bị ám ảnh và ưu tiên cho sự hiệu quả hơn là sự đổi mới, chú trọng hệ thống phân cấp hơn là trao quyền và có xu hướng duy trì hiện trạng hơn là thay đổi.

Khi bước vào một công ty Ngày 2, bạn sẽ nhìn thấy ngay văn hóa SEP (“somebody else's problem”), nghĩa là “đây là vấn đề của ai đó”.

Nét đặc trưng của hầu hết các công ty Ngày 2 là luôn tồn tại những người thích đổ lỗi, những người hút cạn năng lượng của người khác và những người lôi kéo cả đội ngũ đi xuống. Văn hóa của công ty Ngày 2 là trốn tránh: viện lý do, ù lì và lười biếng.

Giống như một căn bệnh lây lan qua đường không khí, kiểu văn hóa công ty này có thể gây “ô nhiễm” cho cả một đội ngũ, thậm chí cả một công ty.

Theo một cách nào đó, các công ty Ngày 2 giống như đang bước mộng du vào cõi quên lãng. Sun Microsystems, Blockbuster và Kodak đã trở thành những công ty Ngày 2.

* Công ty bạn là công ty Ngày 1 hay Ngày 2? Câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Bây giờ không phải là lúc để giữ nguyên hiện trạng, mà là lúc để hành động. Hãy xây dựng một tầm nhìn rõ ràng cho tương lai để mở rộng quy mô nhanh chóng và không bao giờ ngừng học hỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một câu hỏi giúp Jeff Bezos đưa Amazon vào nhóm Big4 công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO