Mở lại chợ truyền thống, nên bố trí không gian sao cho an toàn, hiệu quả? - Kỳ 2

Bảo Quân| 19/07/2021 09:32

Trong bối cảnh kênh phân phối hàng hoá quá tải và nghẽn mạch như hiện nay, nhu cầu mở cửa lại chợ truyền thống hoặc xây dựng một mô hình chợ mới làm điểm bán hàng là có thật và cấp thiết.

Mở lại chợ truyền thống, nên bố trí không gian sao cho an toàn, hiệu quả? - Kỳ 2

Hyperlocal Micro Markets - mô hình chợ phi tập trung nhằm phòng chống SARS-CoV-2 lây lan do một studio kiến trúc Hà Lan thiết kế.

Với việc các biến chủng của SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí và khoảng cách lây đã vượt quá lằn ranh 2m; thậm chí có trường hợp lây với khoảng cách 10m, mô hình chợ truyền thống là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao do tập trung đông người.

Tuy nhiên, nhu cầu mở cửa lại chợ truyền thống hoặc xây dựng một mô hình mới làm điểm bán hàng để giải bài toán phân phối hàng thiết yếu, trong bối cảnh kênh phân phối quá tải và nghẽn mạch, là có thật và cấp thiết.

Trên thực tế, số liệu của Sở Công Thương TP.HCM cho biết, khi hơn 75% số chợ truyền thống tại TP.HCM tạm đóng cửa, dù hệ thống bán lẻ tại các siêu thị, doanh nghiệp bình ổn nâng quy mô, năng lực cung ứng lên gấp 3 lần bình thường, thì so với nhu cầu của người dân vẫn thiếu khoảng 1.000 tấn rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống mỗi ngày.

Link bài viết

Theo TS. Nguyễn Hoàng Bảo - Trưởng bộ môn Kinh tế đầu tư, kế hoạch và phát triển, Đại học Kinh tế TP.HCM, điểm bán hàng (chợ truyền thống) dù ở cấp nào, hình thức nào, miễn nó tồn tại được theo thời gian, thì nó có tính hợp lý của nó.

Tính hợp lý ở đây đó là bán kính tiêu thụ của mỗi một loại hàng thiết yếu. Hàng càng thiết yếu có tính chất tiêu dùng hàng ngày, mật độ tiêu dùng lớn, có giá trị thấp thì bán kính tiêu thụ ngắn. Hơn nữa, mật độ dân cư và thu nhập dân cư xung quanh điểm bán hàng cũng quyết định sự tồn tại của nó.

Trong kỳ 1 của chuỗi bài này, Doanh nhân Sài Gòn đã giới thiệu 3 mô hình bố trí không gian khác nhau, dành cho chợ ngoài trời, chợ trong nhà lồng và cửa hàng, siêu thị giúp giảm thiểu rủi ro và nguy cơ lây lan SARS-CoV-2 do tập trung đông người, nếu phương án mở cửa lại chợ truyền thống được triển khai. Dưới đây, xin tiếp tục giới thiệu một mô hình mới, có thể được sử dụng để xây dựng các khu chợ nằm cách xa nhau trong thành phố, trên những không gian mở có sẵn, nhằm giảm rủi ro dịch bệnh lây lan.

Có tên Hyperlocal Micro Markets, mô hình này do Shift Architecture Urbanism (Shift) - một studio kiến trúc tại Hà Lan thiết kế, với mục tiêu tạo ra các khu chợ theo kiểu đường phố, vừa cung cấp hàng hóa thiết yếu, vừa giảm rủi ro người đến chợ tiếp xúc quá đông và gần nhau.

Hyperlocal Micro Markets nhìn từ bên ngoài

Hyperlocal Micro Markets nhìn từ bên ngoài

Được biết, studio Shift đã thiết kế mô hình này như một giải pháp thiết thực nhằm giảm áp lực đè nặng lên các chuỗi siêu thị, trong bối cảnh hàng loạt thành phố trên thế giới buộc đóng cửa hoặc hạn chế chợ truyền thống. 

"Ngay cả với các biện pháp bảo vệ, cũng rất khó nếu không muốn nói là không thể loại trừ nguy cơ lây nhiễm tại các chợ nông sản tươi sống truyền thống. Tuy nhiên, điều này cũng đúng đối với các siêu thị vẫn đang mở cửa. Rất khó để kiểm soát các quy tắc giãn cách xã hội, và trên thực tế nhiều người vẫn đang chạm vào cùng một sản phẩm khi họ đi siêu thị", nhóm kiến trúc sư của Shift nói.

Do đó, mục tiêu của mô hình này là tạo ra các chợ siêu nhỏ, phân tán cả về không gian lẫn thời gian, thay vì tập trung, qua đó giúp giảm lượng người di chuyển trong thành phố và hạn chế tiếp xúc gần nhau, cũng như giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Ngoài ra, vì được đặt ngoài trời, nên các chợ siêu nhỏ này cũng rộng rãi, thông thoáng hơn, làm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Mục tiêu của mô hình này là tạo ra các chợ siêu nhỏ, phân tán cả về không gian lẫn thời gian, thay vì tập trung

Các chợ nhỏ và siêu nhỏ có thể được bố trí rải rác trong thành phố, tuỳ theo cách quy hoạch và điều kiện không gian của địa phương

"Mô hình này nếu được áp dụng sẽ chia tách các khu chợ lớn và biến nó thành các chợ nhỏ nằm rải rác khắp thành phố và có thể hoạt động trong thời gian dài hơn. Thay vì tới chợ ở một nơi tập trung, chợ có thể nằm ngay gần nhà bạn", Shift cho biết.

Theo đó, thiết kế chợ siêu nhỏ sẽ bao gồm 1 lối vào nhưng có 2 lối ra và chỉ 6 người có thể vào chợ cùng lúc. Để duy trì khoảng cách an toàn, một sơ đồ lưới hình vuông 16 ô sẽ được đặt tại không gian chợ. Người vào chợ có thể tự do di chuyển xung quanh, tuy nhiên quy tắc bất di bất dịch là 1 ô vuông chỉ cho phép 1 người.

Mỗi khu chợ siêu nhỏ sẽ có 3 gian hàng; mỗi gian hàng có 2 quầy, 1 bên để đặt hàng và 1 bên để lấy hàng. Hàng hóa sẽ được bán theo các gói (hình thức combo nhiều món trong 1 gói) để giảm thời gian chọn lựa của người đi chợ. Sơ đồ lưới ô vuông 16 ô này có thể dễ dàng được thiết lập tại các quảng trường, bãi đất trống hoặc bất kỳ không gian mở nào có sẵn của thành phố, cho phép mọi người mua sắm gần nhà, trong khi vẫn tuân theo các nguyên tắc cách xa xã hội.

mo-cua-lai-cho-ky-2-1628155066-2943-1628

Mô phỏng cách người mua hàng ra - vào các khu chợ siêu nhỏ

Bên cạnh đó, với cách làm trên, các khu chợ siêu nhỏ sẽ được đặt tại nhiều vị trí khác nhau trong thành phố, và có cách bố trí cũng như thời gian hoạt động khác nhau nên có thể đóng cửa hoặc dời đi khi cần thiết.

Đồng thời, một vấn đề nữa là, không phải ai cũng đủ khả năng để mua hàng hóa từ siêu thị. "Nhiều hộ gia đình phụ thuộc vào chợ truyền thống để mua thực phẩm. Việc chợ truyền thống đóng cửa buộc họ phải chuyển sang mua thực phẩm đắt tiền hơn từ siêu thị, khiến áp lực tài chính lên nhóm dễ bị tổn thương này càng tăng lên".

Các kiến trúc sư tại Shift tin rằng, thông qua mô hình này, việc phân phối thực phẩm tươi sống sẽ trở nên dễ dàng hơn. Dù vậy, họ nhấn mạnh rằng, để hoạt động thành công, việc quản lý các khu chợ cần được giám sát bởi chính quyền, để đảm bảo luôn có sản phẩm mỗi ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở lại chợ truyền thống, nên bố trí không gian sao cho an toàn, hiệu quả? - Kỳ 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO