Lợi thế lao động giá rẻ đang giảm dần

Song Anh| 18/08/2019 07:00

PGS-TSKH. Võ Đại Lược - Tổng giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trao đổi với Báo Doanh Nhân Sài Gòn về giá nhân công của lao động Việt Nam.

Lợi thế lao động giá rẻ đang giảm dần

* Giá nhân công của lao động Việt Nam đang nhích lên, ông bình luận thế nào về điều này?

- Giá nhân công Việt Nam tăng lên là xu hướng tất yếu. Điều này cũng tương đối hợp lý với lạm phát khoảng 4%, mức tăng lương bình quân năm 2018 là 6,5%; năm 2019 là 5,3%. Tuy nhiên, giá nhân công tăng lên cũng mang tính hai mặt. Thứ nhất, nền kinh tế có thể được hưởng lợi từ việc tăng cầu, khi người lao động có nhiều tiền hơn, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần làm giảm áp lực xuất khẩu. Ngược lại, giá nhân công tăng mang lại những tác động tiêu cực là thật. Dòng đầu tư muốn tận dụng lao động giá rẻ có thể chuyển sang các quốc gia có giá lao động thấp hơn nước ta. Cạnh đó, các chủ sử dụng lao động cũng chịu thiệt khi phải chi nhiều hơn cho vấn đề lao động.

* Giá nhân công tăng lên có thể làm giảm việc làm của Việt Nam?

- Điều này có thể chưa đến trong ngắn hạn khi Việt Nam còn có nhiều lợi thế khác khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Lợi thế lớn nhất là tình hình chính trị, xã hội ổn định hơn hẳn một số quốc gia khác trong khu vực. Kế đến là lợi thế địa chính trị, địa kinh tế. Việt Nam ở vị trí trung tâm khu vực Đông Á, nhiều cảng biển, tiện lợi cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Cạnh đó, lao động của Việt Nam hầu hết đã qua THPT, có khả năng tiếp cận và thích ứng nhanh với công nghệ.

Vấn đề này có thể xảy ra trong trung và dài hạn, nếu nước ta không kịp thời có những chính sách thích ứng. Thực tế, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, bằng 19% của Malaysia, bằng 37% của Thái Lan, bằng 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% của Philippines.

* Giá nhân công tăng cũng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp?

- Điều đó là chắc chắn. Nó khiến các nhà đầu tư tính toán nhiều hơn khi phải chi nhiều tiền hơn cho người lao động. Nhưng tôi nghĩ rằng, giá nhân công Việt Nam không còn rẻ chưa phải mối bận tâm chính của các nhà đầu tư đầu tư hiện nay, bởi giá nhân công của Việt Nam vẫn thấp hơn Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines.

* Như ông nói, Việt Nam cần những chính sách thích ứng với giá nhân công tăng, những chính sách đó nên thế nào?

- Lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam đang mất dần, nếu chính sách của Nhà nước, hoặc thiên về lợi ích của các ông chủ, hoặc thiên về người lao động, đều không mang lại lợi ích bền vững. Với giá nhân công cao, người lao động có động lực để làm việc tốt hơn, nền kinh tế được hưởng lợi nhiều hơn. Khi thu nhập tăng lên, người lao động cũng có thể dùng chính phần thu nhập tăng lên này để nâng cao tay nghề, như vậy vẫn có thể bù lại chi phí mà chủ doanh nghiệp phải bỏ ra. Ngược lại, giá nhân công thấp, nền kinh tế có thể có tăng trưởng, doanh nghiệp có lợi nhuận, nhưng người lao động không có động lực làm việc. Do đó, chính sách của Nhà nước phải chú ý những điểm này.

* Cảm ơn ông. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lợi thế lao động giá rẻ đang giảm dần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO