Làm ăn với các đối tác thuộc EU: Doanh nghiệp phải vượt qua chính mình

Lữ Ý Nhi| 03/08/2019 05:00

Thương mại Việt Nam - EU đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là khi hiệp định EVFTA và EVIPA được thực thi. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này, các DN phải vượt qua nhiều thách thức với chính mình.

Làm ăn với các đối tác thuộc EU: Doanh nghiệp phải vượt qua chính mình

Cơ hội lớn

Tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU “EVFTA: Chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện” do Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức ngày 30/7/2019 tại TP.HCM, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, 18 năm qua, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 13 lần, từ khoảng hơn 4 tỷ USD vào năm 2000 lên gần 56 tỷ USD vào năm 2018, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 42 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 14 tỷ USD. Về đầu tư trực tiếp, đến hết 6 tháng năm 2019, EU có 27 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.205 dự án, tổng vốn đầu tư đạt hơn 53 tỷ USD. Kết quả đó đã đưa EU trở thành một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam cho rằng, về trung hạn và dài hạn thì nguồn đầu tư trực tiếp từ EU vào Việt Nam sẽ tăng lên. Cụ thể với Đức, theo khảo sát của Phòng thương mại Đức tại Việt Nam thì có tới 55% DN Đức đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh thêm.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, dù Hiệp định EVFTA và EVIPA được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là mở ra chân trời mới hợp tác toàn diện và phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và EU với nhiều ưu đãi cho các mặt hàng xuất khẩu của hai bên. Tuy nhiên, việc tận dụng các ưu đãi này đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác nhiều phía như Chính phủ, nhất là các DN, hiệp hội và tư vấn của các chuyên gia.

Bà Miriam Garcia Ferrer - Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Thành viên đoàn đàm phán EU cho biết: “Thời gian qua, thặng dư thương mại hai bên rất lớn nhưng để hưởng các lợi thế về thuế quan cũng như gia tăng xuất khẩu vào EU, các DN Việt Nam phải nâng cao chất lượng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của EU. Theo đó, DN phải nâng cấp cho một số sản phẩm mà Việt Nam hiện chưa đạt chuẩn. Ví dụ, phải kiểm dịch động thực vật cho các sản phẩm nông sản, chứng minh được sản phẩm tốt hơn vì đã có những thông tin không hay liên quan vấn đề an toàn tại EU”.

Ông Lê Kỳ Anh - Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu cũng nhận định: “EVFTA  là cơ hội không chỉ lớn mà cực kỳ lớn vì không chỉ mang lại giá trị xuất khẩu mà còn có sức tác động lan tỏa rất lớn cho DN châu Âu và Việt Nam cùng khai thác cơ hội, lợi thế của nhau, người nông dân và DN Việt có cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng, công nghệ mới trên tinh thần cả DN và nhà cung cấp cùng win-win, DN Việt và DN châu Âu cùng chiến thắng”.

Thách thức lớn

Trước đây, nhiều DN thường xem các tiêu chuẩn vào EU là một rào cản, đó là quan niệm sai lầm. Cần phải xem đó là điều kiện phải đáp ứng nếu muốn bán hàng cho thị trường này. Muốn vậy, phải đổi mới tư duy kinh doanh.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết: Giá trị xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn đạt khoảng 300 triệu USD/năm. Với Hiệp định EVFTA, mức thuế còn 0% trong ba năm sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhất là sản phẩm tẩm bột. Để xuất khẩu hàng hóa vào EU, Vĩnh Hoàn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, năng động, đổi mới tư duy, đáp ứng các tiêu chuẩn đưa ra và hiện đã có vùng nguyên liệu ổn định, quy trình đáp ứng tiêu chuẩn.

Bà Tâm cũng cho hay, hiện xuất khẩu cá tra vào các nước châu Âu đang tăng trưởng tốt. Đơn cử, thị trường Đức, Bỉ tăng 6%, Hà Lan tăng 12%... Tuy nhiên, châu Âu có 28 nước với văn hóa, nhu cầu khác nhau nên muốn thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm vào châu Âu, các DN phải đầu tư nghiên cứu thị trường, cải tiến công nghệ. Đặc biệt, nhu cầu thị trường luôn thay đổi nên DN phải luôn năng động đổi mới, đầu tư, đặc biệt phải thực hiện và tuân thủ điều kiện xã hội, an sinh vật nuôi. Hiện cụm từ này còn xa lạ với DN Việt Nam, nhưng sắp tới là yêu cầu sẽ được đưa ra, ngoài vấn đề an toàn thực phẩm.

Là công ty cầu nối đưa hàng nông sản, thủy hải sản từ các nước cung cấp cho các kênh bán lẻ châu Âu, ông Vincent  Gothnecht - Giám đốc Công ty I. Schroeder KG Việt Nam cho biết: “Việt Nam có nhiều sản phẩm tốt. Song, các DN Việt Nam muốn cạnh tranh với DN nước ngoài thì không chỉ chất lượng mà phải đạt tuân thủ điều kiện môi trường, trách nhiệm xã hội, truy xuất nguồn gốc...”.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng thông tin, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt  Nam vào EU còn rất khiêm tốn, do trước đây thuế nhập khẩu bị áp từ 10-17%. Bên cạnh đó là tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trên sản phẩm nên DN rau quả phải có quy hoạch riêng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ cao thì mới giải quyết được bài toán này. Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu DN chế biến, mới chỉ có 150 cơ sở chế biến nhưng vẫn thiếu công nghệ bảo quản, chế biến sâu. Ví dụ, bưởi xuất khẩu sang EU rất ít người mua vì người dùng ngại gọt vỏ, bóc múi. Mà nếu làm sẵn, ăn ngay thì chúng ta không đủ quy trình chế biến, bảo quản.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Công ty Song Nam, chuyên về xuất khẩu nông sản cho rằng, khó nhất để nông sản Việt xuất vào EU là ngưỡng thuốc bảo vệ thực vật. Về phía người nông dân chưa được hỗ trợ sản xuất sạch đúng với chuẩn xuất khẩu. Do vậy, để tận dụng được lợi thế EVFTA cần có chương trình tổng thể hỗ trợ nông dân sản xuất sạch. Mặt khác, cần minh bạch thông tin cũng như khuyến cáo các loại sản phẩm bảo vệ thực vật để hỗ trợ người dân tiếp cận, tránh mù mờ trong sử dụng.

Ông Jean Jaques Bouflet - Phó chủ tịch EuroCham Việt Nam cũng cảnh báo, DN cần nắm vững các thông tin thị trường, quy tắc xuất xứ cũng như các quy định của EU để có chiến lược dài hơi tiếp cận thị trường. Quy tắc xuất xứ hàng hóa sẽ chỉ áp dụng với các sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam nên DN sẽ phải xem từng trường hợp cụ thể để được giảm thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm ăn với các đối tác thuộc EU: Doanh nghiệp phải vượt qua chính mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO