Giới nghiêm, phong toả kéo dài, Campuchia cung ứng thực phẩm như thế nào?

Khởi Vũ| 02/08/2021 06:00

Cách Campuchia đưa ra giải pháp cung ứng thực phẩm và 5 bài học khuyến nghị trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng buộc quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa kéo dài.

Giới nghiêm, phong toả kéo dài để dập dịch

Đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ Campuchia đã ban hành lệnh giới nghiêm thủ đô Phnom Penh từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau trong 2 tuần, và áp phong toả một số khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao như: Khan Sen Sok, Khan Po Sen Chey và Khan Mean Chey.

Sau 2 tuần, tình hình dịch vẫn không được kiểm soát, Chính phủ đã quyết định phong tỏa thủ đô Phnom Penh, TP Takhmao, thủ phủ tỉnh Kadal giáp biên giới Việt Nam. Nhiều tỉnh khác cũng bị phong tỏa cục bộ và áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt. Người sống trong khu phong tỏa bị cấm rời khỏi nhà, trừ trường hợp khẩn cấp. Việc ra ngoài mua thực phẩm cho phép tối đa 3 lần/tuần và một gia đình có 2 người thay phiên nhau mua thực phẩm.

Người dân Phnom Penh nhóm chợ sát hàng rào cách ly một khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao ngày 25/4/2021. Ảnh: AFP

Người dân Phnom Penh nhóm chợ sát hàng rào cách ly một khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao ngày 25/4/2021. Ảnh: AFP

Dù vậy, khi số ca bệnh vẫn tăng không ngừng, Chính phủ Campuchia đã kéo dài phong tỏa thêm 7 ngày cũng như bổ sung quy định mới, phân chia các khu vực thành "vùng đỏ", "vùng vàng đậm" và "vùng vàng", lần lượt theo rủi ro lây nhiễm từ cao đến thấp.

Bên cạnh đó, từ ngày 23/4, tất cả các chợ do nhà nước quản lý và chợ tự phát ở Phnom Penh đều đã đóng cửa. Riêng tại các "vùng đỏ", tất cả loại hình mua bán, kinh doanh nhỏ lẻ, gồm cả nơi cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm khác đều ngừng hoạt động.

Theo dữ liệu từ WorldoMeter, số ca nhiễm Covid-19 ở Campuchia sau đợt phong toả này đạt đỉnh vào ngày 4/5/2021 (938 ca) và giảm dần, trước khi có tăng trở lại gần cuối tháng 5. Do đó, biện pháp phân chia các khu vực theo màu "đỏ", "vàng đậm" và "vàng" hiện vẫn đang được tiếp tục. 

Điều này khiến tiến trình vận chuyển và cung ứng hàng hóa từ các địa điểm khác vào thành phố trong thời gian giới nghiêm và phong tỏa, đặc biệt đến các "vùng đỏ", đối mặt với hàng loạt khó khăn và đẩy giá thực phẩm tăng cao. Dữ liệu thị trường tổng hợp từ trước ngày 7/4 và sau 23/4 cho thấy, giá bán lẻ một số thực phẩm như cá, thịt heo, trứng và các loại rau sống ở các chợ Phnom Penh và Ta Khmau tăng đáng kể.

Bảng 1: Giá một số thực phẩm tại Phnom Penh tăng

Bảng 1: Giá một số thực phẩm tại Phnom Penh và Ta Khmau tăng mạnh; như rau muống (morning glory) và bí đao (wax gourd) tăng lần lượt 48,3% và 78,1%. Bảng 2: Giá cố định 6 mặt hàng thực phẩm từ Bộ Công Thương Campuchia

“Các cửa hàng ở đây gần như không có sữa dự trữ. Chúng tôi cũng gặp vấn đề khi đặt sữa bằng dịch vụ giao hàng. Nếu là trước đây, tôi và chồng sẽ tranh thủ thời gian đến văn phòng để mua sữa, nhưng bây giờ chúng tôi đang mắc kẹt”, một phụ nữ sống tại Tuol Sangke I nói, sau khi khu vực này trở thành “vùng đỏ”. Hơn nữa, do hầu hết cơ sở kinh doanh đều đóng cửa và việc đi lại bị hạn chế, vợ chồng cô cũng cạn kiệt tiền mặt.

Một báo cáo của cơ quan đại diện Liên Hiệp Quốc tại Campuchia ghi nhận trong cuộc khảo sát từ ngày 26/4 đến 1/5 cho thấy, sau khi có lệnh phong toả, mối quan tâm lớn nhất của các gia đình dễ bị tổn thương thuộc vùng đỏ và vàng đậm là thiếu lương thực.

Link bài viết

Cụ thể, 77% người được hỏi cho biết không có đủ thức ăn trong 7 ngày qua, riêng các gia đình ở vùng đỏ tỷ lệ này lên đến 83%. Ngoài ra, chỉ 43% người được hỏi cho biết đã nhận được sự hỗ trợ lương thực kể từ khi bắt đầu phong toả. Và, phần lớn các gia đình cho rằng hỗ trợ lương thực (94%) và hỗ trợ tiền mặt (70%) là quan trọng nhất. 

Chính phủ dùng nhiều biện pháp cung ứng thực phẩm

Trước thực tế trên, chính quyền Phnom Penh đã hỗ trợ mỗi gia đình trong "vùng đỏ" 1 túi quà gồm 25kg gạo, 1 thùng mì tôm, 10 lon cá hộp, 6 chai nước tương và 6 chai nước mắm. Một nhóm chat do Chính phủ điều hành cũng được thành lập để tiếp nhận mọi yêu cầu hỗ trợ thực phẩm từ người dân.

Đối phó với việc tăng giá thực phẩm, Bộ Công Thương Campuchia (MOC) đã công bố bảng giá cố định 6 mặt hàng thiết yếu - bao gồm gạo, mì gói, cá hộp, nước mắm, nước tương, nước uống đóng chai  - nhằm bảo đảm giá cả ổn định trong suốt thời gian phong tỏa. 

MOC cũng triển khai chợ trực tuyến và các chợ tạm để bán các mặt hàng thực phẩm cơ bản cho người dân vùng đỏ ở Phnom Penh. Sau khi ra mắt chợ trực tuyến tại địa chỉ shop.moc.gov.kh, MOC đã phối hợp với công ty Green Trade triển khai 8 xe tải thực phẩm, thiết lập 25 quầy hàng tại 11 địa điểm ở vùng đỏ để bán các mặt hàng thiết yếu.

MOC cũng cấp phép cho Virak Buntham - một hãng xe tư nhân, nhằm huy động 64 xe tải làm "chợ di động" để bán thực phẩm trong toàn bộ khu vực phong toả, kể cả các vùng đỏ ở Phnom Penh. Song song đó, nhiều "chợ tạm" được lập tại các khu vực phong toả khác, trong khi chính quyền các tỉnh Preah Sihanouk và Banteay Meanchey dựng gian hàng di động để cung cấp thực phẩm cơ bản cho các vùng đỏ. 

Chú thích: Màu đỏ kẻ sọc - "vùng đỏ"

Chú thích: Màu đỏ kẻ sọc - "vùng đỏ", tam giác tím - chợ tạm, tam giác xanh - địa điểm cung ứng thực phẩm của MOC Campuchia, tam giác vàng - nơi cung ứng thực phẩm thông qua Virak Buntham, hình vuông xanh lá - siêu thị mở cửa, hình vuông gạch chéo - chợ đóng cửa

Riêng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia cấp giấy chứng nhận hoặc giấy thông hành để tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân vận chuyển thực phẩm vào khu vực phong toả.

Trong khi đó, Chính phủ Campuchia chịu trách nhiệm điều phối, đã thành lập 1 Ủy ban quốc gia, với nhiều quan chức cấp cao từ các bộ ngành, do Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính (MEF) làm trưởng ban. Theo đó, 3 tiểu ban đã được thành lập, gồm nhóm công tác xác định người thụ hưởng do Bộ Xã hội, Cựu chiến binh và Phục hồi Thanh niên chủ trì; nhóm công tác giám sát và đánh giá do MEF chủ trì; và nhóm công tác về gói lợi ích do Hội đồng Bảo trợ Xã hội Quốc gia chủ trì.

Bài học và khuyến nghị

Theo báo cáo Cambodia Covid-19 Lockdown: Food Security and Nutrition Brief từ cơ quan đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Campuchia, có 5 thông điệp quan trọng và khuyến nghị mà các quốc gia khác có thể tham khảo trong quá trình cung ứng, vận chuyển thực phẩm thiết yếu khi phòng chống dịch, dựa trên kinh nghiệm tại nước này, như sau:

Link bài viết

1. Không gây hại: Bảo đảm triển khai các biện pháp phòng dịch mà "không gây hại", và bảo vệ quyền được tiếp cận của người dân đối với các nhu cầu cơ bản, gồm cả thực phẩm.

2. Cho phép các đối tác nhân đạo tiếp cận các vùng đỏ và các khu vực phong toả khác để đánh giá nhu cầu và phân phối các mặt hàng thực phẩm khẩn cấp cũng như các nhu yếu phẩm cơ bản khác, gồm cả dịch vụ y tế thiết yếu.

3. Giữ hệ thống cung ứng thực phẩm hoạt động: Duy trì và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hệ thống cung ứng thực phẩm tại địa phương, thông qua các kênh phân phối hiện có, đi đôi với giám sát giá cả. Nếu giá một số mặt hàng thực phẩm tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng, phải điều tiết giá thực phẩm một cách minh bạch, nhất là tại các vùng đỏ.

4. Xem tất cả lao động trong chuỗi cung ứng thực phẩm là người làm việc thiết yếu, từ nông dân, người vận chuyển thực phẩm và người bán hàng, giúp họ phối hợp chặt chẽ được với chính quyền địa phương. Thực hiện tiêm chủng cho người cung cấp thực phẩm, người buôn bán nông sản, người cung nguyên liệu thô đầu vào và nhân viên giao nhận thực phẩm.

5. Tạo điều kiện cho thị trường hoạt động: Cho phép người bán hàng tại địa phương và doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, trong khi bảo đảm phòng dịch như cho họ hoạt động ngoài trời, giãn cách, đeo khẩu trang, để bảo đảm cung cấp thực phẩm ngay cả trong các vùng đỏ, ít nhất ở mức tối thiểu. Tiến hành xét nghiệm Covid-19 thường xuyên cho người bán và trang bị thiết bị bảo hộ cho người bán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giới nghiêm, phong toả kéo dài, Campuchia cung ứng thực phẩm như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO