Cách để sống chung với sếp "sớm nắng chiều mưa"

VÂN THẢO (theo Harvard Business Insider)| 04/03/2017 06:46

Dù bị sếp la mắng hay trút giận vô cớ thì bạn vẫn không nên đáp lại theo kiểu "ăn miếng trả miếng".

Cách để sống chung với sếp

Một trong những vấn đề mà không ít nhân viên, đặc biệt là giới văn phòng, gặp phải đó là làm thế nào để sống chung với một người sếp có tính khí thay đổi thất thường. 

Theo giáo sư Nancy Rothbard của Trường kinh doanh Wharton (thuộc Đại học Pennsylvania), nhân viên không dễ gì biết được nguyên nhân làm thay đổi tâm trạng của sếp. Bạn chỉ biết, trong những thời điểm như thế, hoặc là bạn được yên ổn tiếp tục làm việc, hoặc là trở thành đối tượng bị sếp trút giận. Và nếu phải làm việc cùng một nhà lãnh đạo không kiểm soát cảm xúc bản thân thì công việc của bạn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đôi lúc bạn thấy sếp của mình thật hòa đồng, dễ mến nhưng vài phút sau, ông ấy lại nổi khùng vô cớ hoặc miệt thị bạn trước mặt đồng nghiệp. Làm thế nào để sống chung với một người "sớm nắng chiều mưa" như thế? Bạn có nên cãi tay đôi tới cùng với ông ấy không, làm vậy có khiến bạn bị bắt nạt hơn không? 

Nathanael Fast - trợ lý giáo sư của Trường kinh doanh Marshall (thuộc Đại học Nam California) nhận định, khi là mục tiêu để sếp trút giận, không thể nói bạn hoàn toàn không có lỗi, ít nhất ở một mức độ nào đó. Và dù bạn chẳng gây ra lỗi lầm nào thì trong những lúc như vậy, tốt nhất là bạn đừng nên làm gì. Hãy thận trọng chọn cho mình lối thoát an toàn.

Dưới đây là 4 cách giúp bạn sống chung với một người sếp có tính cách như vậy:

1. Đừng nghĩ do hiềm khích cá nhân

Nếu sếp nổi tiếng là người hay la mắng, trút giận lên nhân viên thì đừng xem nguyên nhân của những hành động đó xuất phát từ hiềm khích cá nhân, Rothbard nói.

"Tâm trạng bất ổn đó thường bắt nguồn từ một vấn đề lớn hơn. Tất nhiên không phải do bạn trực tiếp chọc giận sếp, mà rất có thể những lời bạn nói hoặc những thứ bạn làm có liên quan đến rắc rối mà họ đang gặp phải", Fast chia sẻ. Điều cực kỳ quan trọng và cũng đầy khó khăn là tìm ra nguồn cơn khiến sếp bực bội. 

Bên cạnh đó, việc chỉ trích sếp của mình là tên ngốc hay kẻ lừa đảo rốt cuộc cũng chẳng giải quyết được gì. Hãy nhìn vấn đề rộng hơn ngoài những tiếng la hét kia. Bình tĩnh kiểm soát tình hình. Nếu đó là một vấn đề có thể xử lý được, hoặc nếu lỗi mà bạn gây ra chỉ là "mắt xích" của vấn đề, thì làm thế nào để chấm dứt nó?

"Cố gắng nghe những lời sếp nói thay vì chú ý cách họ nói", Fast khuyên. 

>>Ebook mới: Sống sao trong môi trường công sở

Marilyn Paige là nhân viên của một công ty quảng cáo. Nhiều lần cô tự hỏi vị sếp tính khí thất thường của mình có vấn đề gì về rượu hay mắc chứng rối loạn cảm xúc hay không mà ông thường giở giọng muốn gây gổ với nhân viên, cư xử với cấp dưới như thể họ mới 12 tuổi. Đôi lúc cô phải bỏ ra ngoài vì những trận cãi vã vô cớ với sếp.

Một ngày nọ, Marilyn bắt đầu để tâm hơn đến những lời sếp nói thay vì chú ý cách nói của ông. "Tôi nhận ra những yêu cầu hoặc nhận xét của ông chẳng có gì sai cả, thậm chí chúng còn khá thông minh. Tuy nhiên, cách diễn đạt của ông lại không dễ nghe mấy", cô cho biết. Và việc gây áp lực lên nhân viên chỉ vì ông cần một kết quả chắc chắn hơn. Chung quy lại cũng để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng.  

Có lần Marilyn bí mật ghi âm lại một trong những trận cãi vã giữa 2 người để chứng minh cho người bạn thân thấy rằng những lời cô kể về ông là thật. Nhưng sau khi nghe lại đoạn ghi âm, "Tôi phát hoảng về bản thân mình. Tôi không thể chịu đựng được những điều đã nói và cả cách cư xử của mình. Tôi đã cố gắng phòng thủ và lẩn tránh sai lầm của mình", cô nhớ lại. Điều đó khiến cô ý thức hơn về những câu trả lời trước sếp và tìm cách nói hay hơn để có thể xoa dịu tâm trạng, cơn nóng nảy của ông. 

Sau một thời gian, Marilyn đã học được cách đối phó với tâm trạng bất ổn của sếp nhờ đã đồng cảm hơn với ông và không tiếp nhận những lời xúc phạm bằng quan điểm cá nhân. "Bây giờ, chúng tôi rất hòa thuận với nhau. Ông ấy vẫn thường xuyên nổi giận nhưng thường chỉ sau khi ông bị khách hàng làm cho bực mình. Bây giờ tôi luôn đánh giá tình hình và tự hỏi ông ấy muốn gì qua những cơn nổi nóng ấy", cô chia sẻ. 

2. Tìm nguyên nhân và hướng giải quyết 

"Càng hiểu nguồn cơn khiến sếp giận dữ, sẽ càng có lợi cho bạn", Fast nói. Nhiều khi do sếp bị tụt đường huyết, đói bụng hoặc hay do vừa tranh luận với cấp trên nên tâm trạng bị ảnh hưởng theo.  

Cũng có thể tính khí bất ổn ấy là cách bộc lộ của một cá tính mạnh mẽ, mà theo Fast gọi là "sự phòng vệ cái tôi". Một người luôn muốn bảo vệ cái tôi có thể cực kỳ nhạy cảm với những mối đe dọa - dù ở thực tế hay chỉ trong tưởng tượng. "Khi một người cảm thấy bị đe dọa, tâm trạng của họ có thể thay đổi ngay lập tức", Rothbard nói. 

Việc phát hiện những chi tiết như thế có thể tiết lộ nguyên nhân khiến sếp "đổi tính", từ đó giúp bạn có cách ứng biến phù hợp với những cơn nổi nóng bất chợt", ông nói. 

>>Đối phó với sếp “nóng tính”

3. Xoa dịu căng thẳng

Trừ phi có việc cần hoàn thành sớm, nếu không đừng tạo thêm áp lực công việc khiến sếp của bạn căng thẳng. Nếu có thể, hãy hỏi có thể giúp gì được cho sếp. Cho dù không có việc gì thì chí ít hành động đó cũng có thể làm sếp bớt căng thẳng. 

Việc nhân viên thể hiện sự quan tâm giúp nhà lãnh đạo cảm thấy bớt đơn độc và cảm thấy tốt hơn, theo Fast.

4. Giữ bình tĩnh

Dù bị sếp la hét hay lăng mạ vì những lý do "từ trên trời rơi xuống" thì bạn vẫn không nên đáp trả lại theo cách y hệt, Rothbard chia sẻ. Việc "ăn miếng trả miếng" chỉ khiến mọi chuyện trầm trọng hơn và nhiều khả năng đổ thêm dầu vào lửa. Chưa kể, thái độ bình tĩnh trong thời điểm nhạy cảm đó sẽ ngăn bạn nói những lời có khả năng làm bạn hối hận sau này.

Dù vậy, nếu sếp là người hay phản ứng thái quá thì bạn nên công khai chia sẻ quan điểm của mình trước mặt mọi người để sếp bình tĩnh lắng nghe lời bạn nói hơn, Rothbard nhận định. Dĩ nhiên là việc trao đổi này chỉ nên diễn ra sau khi cơn nóng giận nguôi ngoai và hai bên đã bình tĩnh trở lại. 

Marissa Peretz từng là tư vấn viên cho một công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon. Sếp của cô khi đó, theo ấn tượng của cô, là người dường như không thể kiểm soát cảm xúc bản thân. Có lúc ông tỏ ra thân thiện nhưng vài giây sau lại quay ngoắt 180 độ, bắt đầu nhiếc móc nhân viên. "Mỗi sáng bước vào phòng, chúng tôi không biết sẽ đối mặt với thái độ vui hay buồn của ông ấy", Marissa nhớ lại. 

Cách xử lý của Marissa khi đó là cố gắng không để cảm xúc bản thân chen vào trong lúc xảy ra xung đột. "Tôi thường tìm đến một nơi yên tĩnh để tịnh tâm. Thi thoảng, tôi ra ngoài đi bộ một lúc để khuây khỏa đầu óc hoặc vào toilet để... thiền", cô nói.

Ngoài ra, Marissa - người hiện là đồng sáng lập của công ty tư vấn và tuyển dụng Silicon Beach Talent, cũng học được giá trị của lời xin lỗi đúng lúc. Theo cô, nếu một phần thất vọng của sếp bắt nguồn từ hiệu suất làm việc của bạn, thì cho dù phương pháp tiếp cận vấn đề của ông sai lầm thì bạn vẫn nên nói lời xin lỗi. Nhân viên biết xin lỗi và biết chịu trách nhiệm trong công việc sẽ giúp nhà lãnh đạo bình tĩnh hơn khi đang nóng giận. 

>>Suy nghĩ lại trước khi nóng giận

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách để sống chung với sếp "sớm nắng chiều mưa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO