11 bí quyết để kiểm soát cảm xúc của bản thân

29/09/2016 04:36

Thay vì nhượng bộ những cảm xúc bốc đồng, hãy nhớ những chiến thuật này và vận dụng chúng trước khi giương cờ trắng đầu hàng.

11 bí quyết để kiểm soát cảm xúc của bản thân

Người thành công là người ý thức và kiểm soát được những xúc cảm của bản thân mình.

Qua nhiều năm hoạt động, công ty khảo sát nhân lực Talent Smart đã thu thập kết quả của hơn 1 triệu người. Từ đó, họ thấy rằng 90% những người có điểm cao nhất đều có năng lực trí tuệ cảm xúc (EQ) rất mạnh. Dấu hiệu đặc trưng của dạng trí tuệ chính là khả năng tự chủ, kiểm soát được cảm xúc bản thân. Kỹ năng này khiến chúng ta luôn tập trung và đi đúng hướng, nhờ vậy năng suất làm việc cao hơn hẳn.

Tuy nhiên, tự chủ lại là khả năng mà chưa nhiều người thực sự nhận thức được. Điển hình là khi nhóm nghiên cứu của Martin Seligman và cộng sự tại trường Đại học Pennsylvania khảo sát 2 triệu người, yêu cầu họ tự đánh giá sức mạnh của mình thông qua 24 kỹ năng khác nhau thì tự chủ bị xếp ở vị trí áp chót.

Tự chủ là sự nỗ lực có mục đích để giúp ta đạt được một mục tiêu nào đó. Vấn đề là chúng ta dễ bị ám ảnh với thất bại hơn là thành công. Dù bạn có ngừng ăn bánh ngọt vào ngày thứ Hai và thứ Ba thì nó cũng chỉ là thất bại khi bạn ăn đến 4 phần vào ngày thứ Tư vì không chịu nổi sự cám dỗ. Sự thất bại này đã lấn át sự thành công trước đó. Bạn tiến được hai bước, nhưng lại lùi đến bốn bước.

Travis Bradberry, Chủ tịch của TalentSmart, cho rằng tự chủ là kỹ năng có ích cho mọi người. Do đó ông đã tìm hiểu những dữ liệu khảo sát và khám phá ra một số quy tắc mà những người có EQ cao thường áp dụng để rèn luyện khả năng này.

1. Tập trung vào giải pháp

Việc bạn tập trung vào đâu sẽ có ảnh hưởng tới trạng thái cảm xúc của bạn. Việc quá chú tâm vào vấn đề mình đang đối mặt chỉ tạo ra một cảm xúc tiêu cực kéo dài, gây cản trở sự tự chủ. Thay vào đó, hãy tập trung vào những hành động bạn sẽ thực hiện để cải thiện bản thân và mọi việc xung quanh, từ đó nó sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực. Những người có trí tuệ cảm xúc sẽ không chăm chú nhiều vào vấn đề, bởi vì họ biết rằng mình sẽ đạt trạng thái hiệu quả nhất khi tập trung vào giải pháp.

2. Ăn uống khoa học

Khi cố gắng tự chủ cũng là lúc não bộ của bạn đốt cháy glucose rất dữ dội. Nếu lượng đường trong máu thấp, bạn gần như không thể chống lại những cơn bốc đồng. Những thực phẩm có nhiều đường sẽ nạp đường huyết một cách nhanh chóng, tuy nhiên sau đó chúng lại làm cho bạu uể oải hơn và dễ vướng phải những cơn bốc đồng khác. Hãy chọn những loại thực phẩm cung cấp năng lượng một cách chậm rãi hơn như cơm hay thịt, điều này sẽ giúp bạn có một sự tự chủ dài hơi hơn. Vì vậy, nếu bạn có vấn đề trong việc giữ bản thân tránh khỏi mấy viên kẹo ngọt ở công ty khi đói, hãy luôn chắc  chắn rằng bạn sẽ ăn món gì khác để còn sức mà còn chiến đấu.

3. Biết cách tha thứ cho bản thân

Cảm giác ghét bỏ bản thân mãnh liệt, hay thấy ghê tởm với chính mình, là những vấn đề hay mắc phải trong nỗ lực xây dựng sự tự chủ cho bản thân. Chúng luôn tạo thành một vòng luẩn quẩn, bằng cách lôi kéo bạn theo những hành vi lầm lỗi.

Khi bạn mắc lỗi, hãy tha thứ bản thân và tiếp tục bước về phía trước, nhưng đừng phớt lờ rằng sai lầm ấy khiến bạn cảm thấy như thế nào. Và cũng đừng có đắm mình vào trong cảm xúc ấy, mà thay vào đó hãy hướng sự chú ý vào việc bạn dự định làm gì để cải thiện bản thân trong tương lai.

Sự thất bại có thể ăn mòn sự tự tin của bản thân và khiến bạn hoài nghi về việc có thể gặt hái được những thành tựu tốt hơn trong tương lai hay không. Phần lớn trường hợp, thất bại là kết quả của sự mạo hiểm và cố gắng làm những việc không dễ dàng. Những người có trí tuệ cảm xúc biết rằng thành công nằm trong khả năng của họ, rằng họ phải đứng lên và đối mặt với thất bại chứ không thể làm điều này khi đang đắm mình trong quá khứ.

Mọi thành tựu đáng giá đều đòi hỏi bạn phải mạo hiểm. Bạn không nên cho phép sự thất bại ngăn cản niềm tin của bản thân. Một khi bạn đắm mình trong quá khứ, quá khứ sẽ trở thành hiện tại và ngăn cản bạn tiến về phía trước.

4. Không nói “Có” trừ khi thật sự muốn

Một cuộc nghiên cứu được tiến hành tại Đại học California ở San Francisco cho thấy nếu bạn càng gặp khó khăn trong việc nói “Không” thì bạn càng có xu hướng đang gánh chịu stress, khó chịu thậm chí là buồn bực. Tất cả những cảm xúc kể trên sẽ ăn mòn sự tự chủ của bạn.

Nói “Không” quả thực là một thách thức tự chủ đối với nhiều người. “Không” là một từ mạnh mẽ mà bạn không nên e ngại trong việc sử dụng. Tại thời điểm cần nói “Không”, những người có trí tuệ cảm xúc sẽ tránh dùng những câu đại loại như “Tôi không nghĩ là tôi có thể” hay là “Tôi không chắc”. Nói “Không” nghĩa là bạn tôn trọng những cam kết hiện có của bạn và bạn đang tận dụng cơ hội để thực hiện chúng một cách trọn vẹn. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng nói “Không” là một hành động tự chủ ở hiện tại, giúp cải thiện sự tự chủ trong tương lai bằng cách ngăn chặn những hiệu ứng tiêu cực từ những lời hứa hẹn không trở thành hiện thực.

5. Không theo đuổi sự hoàn hảo

Những người có trí tuệ cảm xúc sẽ không bao giờ xem sự hoàn hảo là mục tiêu của họ bởi vì họ biết điều đó không bao giờ tồn tại. Sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Khi sự hoàn hảo là mục tiêu của bạn, bạn sẽ luôn bị đè nặng bởi cảm giác thất bại. Điều này sẽ khiến bạn dễ bỏ cuộc và làm giảm nỗ lực của bản thân. Thay vì tốn thời gian than vãn về những thất bại hay suy nghĩ về việc lẽ ra đã nên làm thế này thế kia, bạn hãy tiến về phía trước. Hãy cảm thấy hào hứng về những gì bạn đã đạt được và những điều bạn sẽ thực hiện trong tương lai.

6. Suy nghĩ tích cực

Những ý nghĩ tích cực cùng với nỗ lực bản thân sẽ là những nhân tố giúp bạn tập trung sự chú ý vào những mục tiêu của mình. Hãy chọn bất cứ điều gì đó tích cực để nghĩ tới, bởi vì nó sẽ tái tập trung sự chú ý của bạn. Khi mọi thứ trở nên tốt hơn và tâm trạng thoải mái hơn, sự tự chủ sẽ dễ đạt được hơn. Ngược lại, nếu mọi thứ tù túng và tâm trí ngập tràn những suy nghĩ tiêu cực, có được sự tự chủ khi ấy lại là một thách thức lớn. Vào những thời điểm như thế, hãy suy nghĩ về một điều tích cực nào đó đã diễn ra hoặc sẽ diễn ra, đừng quan trọng nó to hay bé. Nếu bạn không thể suy nghĩ được điều gì từ hiện tại, hãy phản chiếu lại quá khứ và tìm kiếm nó trong tương lai. Điểm mấu chốt ở đây là bạn phải có điều gì đó đủ tích cực khiến bạn chuyển hướng sự tập trung và thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực, từ đó không bị mất đi sự tự chủ.

7. Tránh hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu…?”

Những câu hỏi như vậy sẽ khiến bạn càng thêm stress và lo lắng, hai thứ này sẽ gây nguy hại cho sự tự chủ. Mọi chuyện có thể có hàng tá kết quả khác nhau và bạn càng bỏ nhiều thời gian ra ngồi lo lắng về các khả năng thì bạn càng có ít thời gian để hành động và gia tăng năng suất. Những người làm việc có năng suất luôn biết rằng việc hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu...” thường chỉ đưa họ đến nơi mà họ không muốn. Dĩ nhiên, việc lên kế hoạch là hết sức cần thiết và đó chính là một chiến lược hiệu quả. Điểm mấu chốt ở đây chính là cần phân biệt sự khác nhau giữa lo lắng vô cớ và suy nghĩ chiến lược.

8. Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ rất quan trọng trong việc gia tăng trí tuệ, cảm xúc và duy trì tập trung vào sự tự chủ. Khi ngủ, não bộ của bạn được sạc pin theo đúng nghĩa đen, cũng rà soát toàn bộ ký ức trong ngày để chọn lọc, lưu trữ hoặc xóa bỏ. Điều đó giúp bạn thức dậy tỉnh táo và nhẹ đầu hơn. Sự tự chủ, sự chú ý và trí nhớ của bạn sẽ bị giảm sút nếu bạn không ngủ đủ giấc. Mất ngủ làm gia tăng hormone gây stress, làm triệt tiêu năng suất. Công việc bận rộn sẽ khiến nhiều người đánh đổi giấc ngủ để làm việc nhưng thực sự thì mất ngủ sẽ làm giảm năng suất trong ngày của bạn rất nhiều so với việc dành ra tí thời gian để đi ngủ.

Khi bạn cảm thấy mệt mỏi, việc hấp thụ glucose của não bộ bị giảm mạnh. Điều này khiến cho bản thân gặp khó khăn trong việc kiểm soát những cơn bốc đồng gây ảnh hưởng đến sự tập trung của bản thân. Hơn thế nữa, ngủ không đủ giấc sẽ khiến bạn ăn những bữa ăn vội vàng để đền bù cho sự thiếu hụt glucose. Do đó, hãy ngủ ngon giấc mỗi đêm, đó là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm. 

9. Tập thể dục

Hãy để cơ thể của bạn vận động ít nhất 10 phút mỗi ngày để tiết ra GABA, một chất truyền dẫn thần kinh khiến não bộ cảm thấy thư thái và giúp bạn kiểm soát những cơn bốc đồng của mình. Nếu bạn cảm thấy đang muốn đi sang tòa nhà văn phòng bên cạnh để đôi co với ai đấy, hãy chịu khó đi bộ. Bạn sẽ lấy lại được sự bình tĩnh ngay sau khi hoàn thành bài tập nho nhỏ ấy.

10. Thiền định

Thiền định thực chất là một bài huấn luyện giúp não bộ chúng ta trở thành một cỗ máy tự chủ. Một kỹ thuật đơn giản như tịnh tâm (mindfulness) cũng đã đòi hỏi chúng ta phải giành ra thời gian 5 phút mỗi ngày để tập trung vào hơi thở hoặc cảm giác của bản thân. Nó giúp cải thiện sự tự giác và năng lực của bộ não trong việc chống lại sự bốc đồng. Những nhà sư luôn bình tĩnh và tự chủ là có lý do hết cả. Hãy cố gắng tập luyện thiền nhé.

11. Kiểm soát ham muốn

Những ham muốn và mối phân tâm thường có khuynh hướng dâng lên và rút xuống như cơn sóng. Khi chúng tràn tới, bạn cần tới sức mạnh tự chủ để thoát khỏi những xúc cảm nhất thời. Khi cảm thấy đã đến lúc bản thân cần nhượng bộ, hãy đợi tối thiểu 10 phút trước khi đầu hàng sự cám dỗ.

Kết nối tất cả lại với nhau

Điều quan trọng nhất bạn cần phải nhớ là luôn phải tạo cơ hội để những bí quyết trên được phát huy tác dụng. Điều này có nghĩa là bạn cần nhận thức được khi nào bạn cần vật lộn với sự tự chủ. Thay vì nhượng bộ những cảm xúc bốc đồng, hãy nhớ những chiến thuật này và vận dụng chúng trước khi giương cờ trắng đầu hàng.

>Quản trị nhân sự = IQ + EQ

>5 thói quen của người có EQ cao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
11 bí quyết để kiểm soát cảm xúc của bản thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO