Luân chuyển lao động
Trong xưởng sản xuất tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), công nhân Công ty CP Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico) chăm chú đo vẽ từng chi tiết tủ cấp đông để cung cấp cho đối tác. Ông Huỳnh Khôi Bình - Giám đốc Công ty Arico cho biết: "Đơn hàng hiện nay chỉ được duy trì đến cuối tháng 9. Khi dịch Covid-19 xảy ra và lan nhanh, công ty duy trì sản xuất theo phương châm "ba tại chỗ”, kinh doanh vẫn khá tốt. Thế nhưng, từ đầu năm 2022 đến nay, việc sản xuất chậm hẳn. Đây là điều rất bất ngờ mà mình không lường trước dù đại dịch đã được kiểm soát tốt".
Công ty Arico có khoảng 150 lao động, đa số đều là lao động lành nghề. Theo ông Bình, DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí nên việc tuyển dụng lao động khá khó khăn, đặc biệt lao động trình độ cao. "Do vậy, công ty luôn cố gắng tìm cách giữ lao động dù trong hoàn cảnh nào. Do đặc thù của Công ty Arico là vừa sản xuất, vừa thi công lắp đặt nên chúng tôi linh động luân chuyển lao động. Đơn cử như khi trong xưởng hết việc hoặc giảm việc thì sẽ chuyển công nhân ở bộ phận sản xuất sang bộ phận thi công, lắp đặt. Nhờ đó, công ty vẫn tạo được việc làm ổn định cho anh chị em công nhân", ông Bình chia sẻ.
Do đơn hàng giảm hơn 20%, bà Châu Thị Mỹ Trinh - giám đốc một công ty chuyên về may mặc (quận Bình Tân) cho hay đã sắp xếp, bố trí lại thời gian làm việc cho công nhân. Theo đó, công ty gộp ba ca còn hai ca, mỗi ca làm việc 12 giờ đồng hồ; cho công nhân nghỉ phép luân phiên 3 ngày trong tháng. Trong đó một ngày sử dụng phép năm, hai ngày công nhân không đến xưởng làm việc nhưng vẫn được công ty trả đủ lương tối thiểu vùng. "Khi đơn hàng nhiều, chúng tôi chạy khắp nơi tuyển lao động để kịp tiến độ sản xuất. Bây giờ việc làm giảm nhưng nhờ cách sắp xếp lại thời gian làm việc phù hợp, gần 200 công nhân tại công ty vẫn có việc làm, DN không phải cắt giảm nhân sự", bà Mỹ Trinh chia sẻ.
Ông Hoàng Trung Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, giá nguyên liệu giấy tái chế tăng từ 150 USD/tấn lên trên 300 USD/tấn khiến DN gặp áp lực cả đầu vào lẫn đầu ra. DN giấy chấp nhận lỗ kỹ thuật, không tính khấu hao để duy trì sản xuất. "Ngay từ đầu năm 2022, các DN ngành giấy đã đối mặt với việc tăng giá, nhưng do cầu quá thấp nên không thể tăng giá. Bây giờ DN trong tình trạng ngược là phải giảm giá để lấy đơn hàng, đó mới là khó khăn lớn", ông Sơn nói và cho biết thêm, DN chấp nhận bỏ hết khấu hao, bỏ hết chi phí chưa thật cần thiết, chỉ cần nuôi được công nhân, duy trì hoạt động đã là rất cố gắng.
Đảm bảo đời sống người lao động
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), hiện nay ngành gỗ phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, khiến một số nhà máy phải giảm công suất, giảm số ngày làm việc nên HAWA kiến nghị phải hỗ trợ tín dụng cho DN duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động.
Khi nhà máy thiếu việc, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình đã tăng lương và thêm các khoản phụ cấp cho người lao động. Cụ thể từ đầu tháng 7/2022, công ty tăng 6% lương căn bản cho tất cả công nhân, tiền xăng được nâng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/ngày, giá suất ăn điều chỉnh cao hơn 12%. Công ty tổ chức hội nghị người lao động nói rõ khó khăn để người lao động chia sẻ, đồng thời cam kết thời gian phục hồi. Lãnh đạo DN này đang tìm kiếm đối tác mới, dự kiến từ tháng 12, đơn hàng sẽ ổn định trở lại.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Trưởng Văn phòng đại diện VITAS tại TP.HCM cho biết, từ quý II/2022, nhiều DN ngành dệt may cho công nhân nghỉ luân phiên vì thiếu đơn hàng. Cụ thể, đầu năm, các DN nhận rất nhiều đơn hàng nhưng thiếu lao động, không có người sản xuất, nhiều nhà máy phải tìm chỗ gia công bớt. Bước sang quý II, chiến sự Ukraine, giá dầu tăng, dịch bệnh tác động đến thói quen tiêu dùng người dân nhiều nước nên sức mua áo quần, đồ thời trang giảm mạnh, hàng tồn không bán được, các nhãn hàng không ký kết hợp đồng mới, DN rất khó khăn. Một số nhà máy không có đơn hàng buộc phải tính toán phương án cho công nhân nghỉ ngày thứ bảy, cho công nhân nghỉ phép. VITAS đang thống kê để có hướng hỗ trợ về sản xuất, đầu ra cho ngành, trong đó tập trung vào DN có đơn hàng giảm nhiều, tác động lớn tới người lao động.
LS. Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, tình trạng DN thiếu, giảm đơn hàng đã tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động. Lúc này, DN cần thương lượng, tổ chức các buổi đối thoại để hài hòa lợi ích đôi bên, nhất là bảo vệ quyền lợi người lao động cũng như ổn định quan hệ lao động; đồng thời thông báo về tình hình sản xuất để công nhân viên biết, chia sẻ khó khăn với DN trong thời gian này.