Đây là vấn đề nhiều người quan tâm khi có ý định thành lập doanh nghiệp, hoặc có kế hoạch khởi nghiệp. Trên thực tế, do doanh nghiệp chưa được thành lập nhưng vì yêu cầu của các bên, nên các giao kết hợp đồng này vẫn thường được ký kết để phục vụ cho doanh nghiệp chứ không phải cho một cá nhân hay nhóm cá nhân nào đó. Xung quanh tính pháp lý của các giao kết hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp, luật sư Hệ thống Luật Thịnh Trí trả lời như sau:
Căn cứ theo Điều 19 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:
“Điều 19. Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp
1. Người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
2. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.
3. Trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó”.
Do đó, người thành lập doanh nghiệp có quyền được ký kết các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
Khi giao kết các loại hợp đồng nêu trên, phải lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, về chủ thể ký kết hợp đồng.
Trường hợp 1: Thành lập doanh nghiệp do một chủ thể là chủ sở hữu thì chủ thể đó chịu trách nhiệm đối với hợp đồng.
Trường hợp 2: Thành lập doanh nghiệp do nhiều chủ thể là chủ sở hữu thì giữa các chủ thể phải có thỏa thuận bằng văn bản về việc cử một người đại diện để ký kết các hợp đồng.
Tại sao cần phải làm rõ chủ thể ký kết hợp đồng? Đây là trường hợp cần xác định rõ nhằm xác định trách nhiệm quyền và nghĩa vụ của chủ thể ký kết hợp đồng nếu doanh nghiệp không được đăng ký thành lập.
Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết trước đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.
Thứ hai, về nội dung của hợp đồng.
Hợp đồng phục vụ cho việc thành lập doanh nghiệp, hoạt động doanh nghiệp trước và trong quá trình thành lập doanh nghiệp, bao gồm các loại hợp đồng sau: Hợp đồng góp vốn giữa các thành viên; hợp đồng thuê trụ sở; hợp đồng thuê dịch vụ pháp lý làm thủ tục thành lập công ty; hợp đồng mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp... Nội dung hợp đồng phải diễn giải rõ việc mục đích ký kết hợp đồng nhằm phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình thành lập doanh nghiệp, để số tiền thanh toán cho hợp đồng đó được tính là chi phí hợp lý và kê khai khấu trừ đối với thuế khi doanh nghiệp được thành lập.
Từ những phân tích trên, Hệ thống Luật Thịnh Trí xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
- Trường hợp nếu doanh nghiệp của bạn được thành lập thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng để phục vụ cho việc thành lập doanh nghiệp mà bạn đã ký kết, trừ trường hợp bạn và bên đối tác hợp đồng có thỏa thuận khác.
- Trường hợp nếu doanh nghiệp của bạn không được thành lập thì bạn hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng mà bạn đã ký để phục vụ cho việc thành lập doanh nghiệp.
• Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365 • Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM |