Sự khác nhau
Về sự khác nhau của công ty TNHH MTV do cá nhân làm chủ sở hữu và doanh nghiệp tư nhân (DNTN), luật sư Hệ thống Luật Thịnh Trí trả lời như sau:
Căn cứ vào Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (sau đây gọi là Luật DN); Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung bởi: Thông tư số 119/2014/TT-BTC; Thông tư số 119/2014/TT-BTC; Thông tư số 96/2015/TT-BTC; Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC; Thông tư số 130/2016/TT-BTC (sau đây gọi là Thông tư 78/2014/TT-BTC) thì:
Công ty TNHH MTV là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty (Điều 73 Luật Doanh nghiệp). Còn DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp (Điều 183 Luật Doanh nghiệp).
Về tư cách pháp nhân, công ty TNHH MTV thì có tư cách pháp nhân, nhưng ngược lại DNTN thì không.
Về vốn hoạt động, đối với công ty TNHH MTV, vốn điều lệ của công ty tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 74 Luật Doanh nghiệp); chủ sở hữu công ty phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty (khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp). Trong khi đó, vốn đầu tư của chủ DNTN là do chủ doanh nghiệp tự đăng ký (Điều 184 Luật Doanh nghiệp); tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ DNTN không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp (khoản 2 Điều 36 Luật Doanh nghiệp).
Theo quy định về vốn hoạt động như trên nên việc thay đổi vốn trong quá trình hoạt động giữa hai loại hình doanh nghiệp trên cũng khác nhau. Trong quá trình hoạt động, chủ DNTN có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Còn công ty TNHH MTV trong trường hợp muốn tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác thì phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (Điều 87 Luật Doanh nghiệp); và giảm vốn điều lệ trong trường hợp: Hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, công ty TNHH MTV không được quyền phát hành cổ phần trong quá trình huy động vốn, nhưng được quyền phát hành trái phiếu. Còn DNTN thì không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Đồng thời, công ty TNHH MTV không hạn chế về quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp. Còn DNTN thì không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Ưu và nhược điểm hai loại hình
Về ưu điểm của hai loại hình doanh nghiệp, với công ty TNHH MTV, chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần góp vốn của mình nên ít gây rủi ro cho chủ sở hữu; chủ sở hữu được toàn quyền quyết định mọi vấn đề của công ty; thủ tục thành lập doanh nghiệp đơn giản hơn công ty cổ phần và công ty TNHH Hai thành viên trở lên.
Với DNTN, chủ DNTN cũng được toàn quyền quyết định mọi vấn đề của công ty; chủ DNTN được quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác; việc thành lập DNTN ít bị ràng buộc vì chủ doanh nghiệp chỉ phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; vì tính trách nhiệm vô hạn nên DNTN dễ dàng tạo được sự tin tưởng của đối tác.
Về nhược điểm của hai loại hình doanh nghiệp, công ty TNHH MTV không thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu; nếu tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác thì phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chủ sở hữu công ty không được rút vốn trực tiếp mà chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác (khoản 5 Điều 76 Luật Doanh nghiệp); tiền lương của chủ sở hữu không được tính vào các khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (điểm d khoản 2.6 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC).
Với DNTN, đây là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân; tính rủi ro cao vì chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn; không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào; không được góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần của công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần; chỉ được quyền thành lập một DNTN; tiền lương của chủ DNTN không được tính vào các khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (điểm d khoản 2.6 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC).
Trên đây là các phân tích theo quy định pháp luật về sự khác nhau và ưu nhược điểm của hai loại hình công ty TNHH MTV và DNTN. Bạn đọc có thể xem xét, cân nhắc các yếu tố phù hợp với điều kiện của mình để xúc tiến thành lập doanh nghiệp phù hợp.
• Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365 • Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM |