Chính sách hỗ trợ chậm đi vào thực tế
Đã gần 3 tháng trôi qua kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại nước ta, tính cho đến lúc này, những giải pháp ứng phó ngăn chặn của Chính phủ Việt Nam được đánh giá là khá tốt so với nhiều quốc gia trên thế giới, dù chúng ta nằm sát ngay bên quốc gia khởi phát dịch bệnh. Song song với các chính sách chống dịch triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, Chính phủ cũng thể hiện sự nhất quán, chủ động trong việc thực thi các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh các chính sách tài khóa, sử dụng ngân sách, đồng thời kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ những thành phần yếu thế, dễ bị tổn thương bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra, nhà điều hành cũng tích cực thực chi chính sách tiền tệ linh hoạt, mà Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 và tiếp đó là thông tư hướng dẫn số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng được đánh giá rất cao.
Đáp ứng lời kêu gọi, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng xây dựng các giải pháp và triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều chương trình cho vay ưu đãi được tung ta, những lời hứa, cam kết giảm lãi suất cho vay cho cả khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng mới được truyền thông ồ ạt, với giá trị lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Dù vậy, hiệu quả thực tế của những giải pháp này cho đến nay vẫn chưa thật sự rõ ràng. Phần lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh chia sẻ vẫn chưa thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của các nhà băng, trong khi nguồn lực tài chính ngày càng cạn kiệt dần, với việc phải chứng kiến doanh thu sụt giảm hoặc thậm chí không còn trong thời gian cách ly xã hội trên diện rộng thời gian qua, nhưng chi phí vẫn phát sinh, từ thuê mặt bằng, khấu hao máy móc, chi phí quản lý, cho đến chi phí nhân viên do vẫn phải đảm bảo các chính sách phúc lợi cho người lao động.
Đứng về phía các nhà băng, các chính sách hỗ trợ tuy đã được triển khai nhưng vẫn phải cần thời gian để chọn lọc đối tượng phù hợp và xác định đúng thiệt hại của khách hàng, chứ không đơn thuần hỗ trợ cào bằng. Ngoại trừ những ngân hàng quốc doanh phải đảm bảo thực thi nhiệm vụ chính trị, các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng chỉ là những doanh nghiệp hoạt động dựa trên mục tiêu lợi nhuận, đáp ứng giá trị kỳ vọng cho cổ đông.
Thực tế ngay chính NHNN gần đây cũng xác định rõ quan điểm ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ tối đa cho khách hàng song tuyệt đối không hạ chuẩn cấp tín dụng, không nới lỏng điều kiện vay vốn, để đảm bảo an toàn hệ thống, tránh gây hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế. Có lẽ bài học từ chương trình hỗ trợ lãi suất cách đây 11 năm vẫn chưa ai quên. Quyết định hỗ trợ như cam kết và trách nhiệm đi kèm sau đó luôn là bài toán không đơn giản cho những người thừa hành.
Đừng để ai bị bỏ lại
Một điều nữa cần phải thừa nhận là không phải ai cũng có thể nhận được các chính sách hỗ trợ, dù dịch bệnh lần này rõ ràng đã khiến mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất, giao thương, thương mại, dịch vụ,…bị thiệt hại nghiêm trọng theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Với nguồn lực hạn chế hoặc do xuất phát từ những quan điểm, định kiến sẵn có, không ít ngành nghề đã bị bỏ lọt ra khỏi danh sách cần được hỗ trợ.
Đơn cử như ngành bất động sản, mà gần đây Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã khẩn thiết kiến nghị 14 giải pháp hỗ trợ cho ngành này, khi các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà là đối tượng không được các ngân hàng xem xét áp dụng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nên không thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ. Tuy nhiên, như đã nói, cuộc khủng hoảng dịch bệnh lần này đang tác động đến mọi thành phần kinh tế, chạm đến mọi ngóc ngách xã hội.
Thực tế gần đây cũng đã có những lời kêu gọi xem xét khách hàng cá nhân, từ các đối tượng vay kinh doanh, đầu tư, mua nhà ở cho đến vay tiêu dùng, cũng là đối tượng chịu thiệt hại bởi dịch bệnh, khi nguồn thu nhập bị suy giảm, thậm chí không còn khi bị mất việc làm, nên ngân hàng cũng cần có các chính sách hỗ trợ.
Với dư nợ tín dụng bất động sản vào cuối năm 2019 hơn 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 17% tổng dư nợ trong nền kinh tế, đáng lưu ý là nhiều khoản vay mua nhà của cá nhân đang nằm trong các khoản vay có mục đích tiêu dùng. Rõ ràng nếu thiếu các giải pháp hỗ trợ từ nhà băng, dư nợ thuộc lĩnh vực này sẽ có nguy cơ chuyển thành nợ xấu và gây áp lực rất lớn lên nền kinh tế.
Đứng ở góc độ người vay mua nhà trả góp, khi thu nhập không còn đủ để đảm bảo thanh toán lãi vay hàng tháng, khoản vay có thể bị chuyển thành quá hạn và áp dụng lãi suất phạt lên đến 150% lãi suất trên hợp đồng. Rơi vào tình cảnh này, khó khăn chồng chất khó khăn, gánh nặng nợ sẽ ngày càng gia tăng nhanh chóng, người vay có thể phải ngậm ngùi buông xuôi và cho ngân hàng siết nhà để thu hồi nợ, một viễn cảnh đáng buồn và có thể mang lại những tác động không mong muốn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như thế. Việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay của các nhà băng hiện nay không hề dễ dàng, khi nền kinh tế đang lâm vào trạng thái bất ổn, dòng tiền trú ẩn ở các kênh an toàn, các kênh đầu tư như bất động sản đối mặt rủi ro lao dốc, thì việc đồng loạt nhiều ngân hàng bán tài sản để xử lý nợ chỉ làm tình hình thêm tồi tệ hơn. Thực tế là gần đây các ngân hàng đã ồ ạt rao bán nhà đất thế chấp nhưng việc đẩy hàng là không dễ tí nào. Điều tương tự cũng xảy ra ở các khoản cho vay doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản, khi những giá trị tài sản lớn như thế rõ ràng không được ưa chuộng trong bối cảnh nguồn lực tài chính trong nền kinh tế đang trở nên eo hẹp như hiện nay.
Thực tế là nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt khi nhiều dự án trước đây bị đình trệ do không được phép triển khai, sức cầu suy yếu, bị hạn chế tiếp cận tín dụng ngân hàng, giờ thêm dịch bệnh như cú đấm bồi có thể khiến không ít doanh nghiệp bi hạ đo ván. Việc dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bất động sản chứng kiến âm liên tiếp trong nhiều quý qua là minh chứng cụ thể, mà nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ, các doanh nghiệp này sẽ đứng trước rủi ro mất thanh khoản, ảnh hưởng lan tỏa lên các khách hàng cá nhân mua nhà.
Chính vì vậy, không khó hiểu khi xuất hiện những đề xuất, kiến nghị các tổ chức tín dụng cũng nên hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, người vay mua nhà được cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, hay giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để cùng nhau vượt qua khó khăn trong thời dịch bệnh.
Thử hình dung một gia đình 4 người, vợ chồng và 2 con nhỏ, đã nỗ lực làm việc và trả lãi cho khoản vay mua nhà được một thời gian, nhưng giờ đây không thể kham nổi vì thu nhập bị ảnh hưởng, đứng trước nguy cơ bị ngân hàng siết nợ và đẩy ra đường, mới thấy chua xót như thế nào. Dịch bệnh đã làm thay đổi mọi thứ, và đều tác động đến mỗi người chúng ta theo một cách nào đó, điều quan trọng là đừng để ai trong xã hội bị bỏ lại phía sau.