Chiều nay, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 1.490đ/lít, xăng RON 95 tăng 1.550đ/lít. Đây là lần tăng thứ 9 của mặt hàng này, đưa giá xăng lên cao kỷ lục.
Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.959đ/lít và xăng RON 95 là 29.988đ/lít. Đáng chú ý, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel 26.650đ/lít, dầu hỏa là 25.168đ/kg, dầu mazut là 21.560đ/kg.
Về việc có giảm thêm giá xăng dầu trong thời gian tới, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết liên bộ Tài chính - Công Thương đang tiến hành xem xét, rà soát. "Hiện, liên bộ đang tiếp tục nghiên cứu và rà soát xem giảm thêm được thuế nào sao cho phù hợp với vấn đề chung, tránh thẩm lậu xăng dầu, tạo điều kiện nhất cho người dân", ông Hải nói.
Về hệ quả, giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh. Một mặt bằng giá mới có thể được thiết lập khiến lạm phát khó giữ được mức an toàn như kỳ vọng. Theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), chi phí đẩy và lạm phát đầu vào sản xuất sẽ cụ thể hóa vào chỉ số tiêu dùng (CPI) trong các quý tới, áp lực sẽ tăng dần, thế nên khả năng duy trì lạm phát 4% chưa chắc sẽ đạt được cuối năm nay".
Dù các tác động trực tiếp từ xung đột Ukraine - Nga đến Việt Nam không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa 2 nước này với Việt Nam khá nhỏ, song các tác động gián tiếp là tương đối lớn. Giá nhiên liệu thế giới biến động liên tục, tăng giảm khó lường, đặc biệt đến đầu tháng 5 này giá xăng dầu trong nước lại tiếp tục tăng theo giá thế giới đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
"Nhìn chung, áp lực lạm phát thời gian tới chủ yếu đến từ phía cung, lạm phát chi phí đẩy từ 2 yếu tố. Đó là thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tăng mạnh cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí đầu vào tăng cao.
Thế nên, cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam. Đây là một trong những thách thức rất lớn với Việt Nam khi cước vận tải biển tăng đột biến từ năm 2021, giá container tăng cao, thậm chí không có hãng tàu biển để thuê, khiến doanh nghiệp khốn khổ", TS. Việt nói.