Bí ẩn phía sau một gia tộc lẫy lừng
Theo các chuyên gia, nói đến ngành Tài chính - Ngân hàng thế giới, là phải nói đến Phố Wall, nước Mỹ. Và nhắc đến Phố Wall, thì không thể không nhắc đến J.P. Morgan và Morgan Stanley thuộc gia tộc Morgan, hệ thống ngân hàng nổi tiếng và bí ẩn vào bậc nhất của nước Mỹ. Đế chế Morgan đã biến nền kinh tế non trẻ của Mỹ thành một cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới, đưa trung tâm tài chính thế giới dịch chuyển từ London sang New York.
Với danh tiếng là ngân hàng cao cấp nhất, đế chế tài chính Morgan từng phục vụ cho nhiều gia tộc đình đám như nhà Astors, Guggenheims, du Ponts và Vanderbilts; cung cấp tài chính cho nhiều gã khổng lồ trong ngành công nghiệp như U.S. Steel, General Electric, General Motors, Du Pont, Công ty Điện thoại và Điện báo Mỹ. Họ đồng thời cũng tham gia vào hội đồng của những công ty này, làm dấy lên lo ngại về quyền lực gia tăng quá mức cần thiết của ngân hàng.
Tuy nhiên, điều mang lại cho gia tộc Morgan vẻ huyền bí chính là mối liên kết với chính phủ. Tương tự Rothschilds và Barings lừng danh, Morgan dường như có lợi thế trong việc tham gia cơ cấu quyền lực của nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp và ở mức độ thấp hơn như Ý, Bỉ, Nhật. Đóng vai trò như một công cụ thể hiện quyền lực của Mỹ đối với các nước khác, mỗi động thái của J. P. Morgan & Co. đều ảnh hưởng lớn đến chính sách ngoại giao. Đối tác lâu năm của Morgan thường là những đại sứ tài chính mà công việc hằng ngày có liên quan mật thiết đến quốc gia đại sự.
Trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng năm 1893, gia tộc Morgan và gia tộc Rothschild cho Bộ Tài chính Mỹ vay 3,5 triệu ounce vàng (tương đương gần 100 nghìn tấn vàng) để ổn định nền kinh tế. Nhờ vào việc nắm giữ nguồn cung cấp vàng cho chính phủ, gia tộc Morgan đã thành lập nên những tập đoàn lớn nhất nước Mỹ bao gồm General Electric, AT&T và U.S. Steel. Sức ảnh hưởng của gia tộc Morgan đối với Bộ Tài chính Mỹ khiến nhiều người tin rằng, chính gia tộc này đã giật dây nước Mỹ tham gia vào Thế chiến I nhằm bảo vệ những khoản cho vay của họ đối với Nga và Pháp.
Trong Thế chiến thứ II, gia tộc Morgan được cho là đứng đằng sau giật dây Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng bằng cách âm mưu phân chia lợi ích chiến tranh với hai trong những tập đoàn lớn nhất Đế quốc Nhật Bản lúc bấy giờ là Mitsubishi và Mitsui. Tại thời điểm đó, J.P. Morgan Jr. đã cung cấp một khoản vay chiến tranh lên tới 500 triệu USD cho Pháp và nhận 1% hoa hồng trên tiền mua nhu yếu phẩm do chính những tập đoàn cung cấp.
Cho đến năm 1989, J. P. Morgan & Co. vẫn nắm quyền điều khiển nền tài chính Mỹ từ trụ sở nằm trên “Góc phố” Broad và Wall. Nằm giữa Sở giao dịch chứng khoán New York và Hội trường Liên bang, tòa nhà số 23 Phố Wall với lối vào ở ngay góc cắt và không đề biển hiệu, tạo cảm giác xa cách của hàng ngũ quý tộc. Phần lớn câu chuyện của công chúng đều xoay quanh tòa nhà được xây bằng đá cẩm thạch này cùng với các đời tổng thống và thủ tướng, ông trùm và nhà triệu phú từng đặt chân tới đó.
Ngày nay, gia tộc Morgan đang sở hữu kho dự trữ vàng tư nhân lớn nhất thế giới. Nhiều tin tức bên lề cho rằng, kho vàng này có đường hầm nối thông tới Tòa nhà Ngân hàng Cục dự trữ Liên bang tại New York. J. P. Morgan & Co cũng có mối liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng trung ương trên thế giới hơn bất cứ ngân hàng nào khác.
Khám phá và lật mở
Câu chuyện về các ngân hàng Morgan được Ron Chernow viết trong cuốn sách này chính là lịch sử của nền tài chính Anglo-Mỹ. Trong 150 năm, các ngân hàng này vẫn giữ vị trí trung tâm trong mỗi đợt hoảng loạn, bùng nổ và sụp đổ của phố Wall hay ở thành phố London. Chúng dự báo các cuộc chiến tranh và thời kỳ suy thoái, các vụ tai tiếng và điều trần, những vụ đánh bom và nỗ lực ám sát. Không một đế chế tài chính nào trong thời hiện đại duy trì tính ưu việt ổn định như vậy. Chernow cho biết, ông nảy ra ý định viết cuốn sách vào những năm 1980, khi nhận làm việc trong một tổ chức về chính sách công với vai trò nghiên cứu các chính sách tài chính. Thời gian này khiến ông nhận ra, không phải ai cũng biết về cách thức chuyển mình của Phố Wall từ cũ cho đến mới.
Tác giả Ron Chernow bên cạnh những đầu sách làm nên tên tuổi ông. Ảnh: Chicago Tribune |
Xem xét ngành tài chính Mỹ, Chernow tự đặt ra câu hỏi: Liệu có tồn tại một doanh nghiệp gia đình hoặc công ty mà câu chuyện của họ có thể đóng vai trò như một lăng kính soi chiếu toàn cảnh nền tài chính Anglo-Mỹ? Câu trả lời là: Có khá ít dòng họ như vậy trong lịch sử tài chính, các ứng viên phù hợp do đó cũng không nhiều. Một vài cái tên như Rothschild đã qua thời kỳ hoàng kim khá lâu, trong khi những dòng họ khác ngày nay chỉ còn chút dư âm từ nền móng được thiết lập hời hợt trong quá khứ. Chỉ có một doanh nghiệp, một dòng họ, một cái tên duy trì sự thịnh vượng trong suốt một thế kỷ rưỡi là: J. P. Morgan với bốn doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết với nhau: J. P. Morgan và Morgan Stanley ở New York, Morgan Grenfell ở London và Morgan et Compagnie ở Paris.
Sau nhiều tháng đào sâu tìm hiểu, thông qua những mối quan hệ không phải ai cũng có được, Chernow đã tìm được nhiều tư liệu quý giá về Gia tộc Morgan trong thư viện của trường Kinh doanh Harvard, Amherst, Yale, Columbia, trường Đại học Virginia và tất nhiên là thư viện Morgan ở New York. Điều gây ra sự hiếu kỳ chính là không một ai ở J. P. Morgan & Co. chú ý đến việc biến mất của hàng chục, có khi là hàng trăm trong số hàng nghìn tài liệu nội bộ. Một con số lớn tác động tới danh tiếng về mặt bảo mật thông tin của nhà Morgan.
Niềm phấn khích, say mê cùng nỗ lực đến kiệt sức đã giúp Chernowthu gọn lịch sử vĩ đại của ngành tài chính Hoa Kỳ thành một cuốn sách dày 800 trang trong vòng hai năm rưỡi, điều mà sau này ông thú nhận “bây giờ tôi không thể nào làm được”.
Những nỗ lực của Ron Chernow đã được đền bù một cách xứng đáng. Cuốn sách đã được trao tặng Giải sách Quốc gia Mỹ năm 1990, và nhận được những cơn mưa lời khen trên khắp các tờ báo danh tiếng. USA Today nhận xét về cuốn sách: “Chernow đã khắc họa bức chân dung mới mẻ về gia tộc Morgan và các cộng sự cấp cao tài giỏi, những người góp phần đưa ngân hàng trở thành tập đoàn quyền lực xuyên quốc gia. Những tai tiếng, bi kịch, âm mưu được hé lộ đủ chất liệu để làm nguyên một bộ phim truyền hình”.
Trong khi đó, Pittburght Press nhận xét: “Vượt xa cả lịch sử đơn thuần của ngành ngân hàng Mỹ, cuốn sách chính là câu chuyện về sự tiến hóa của nền tài chính hiện đại. Vấn đề được đề cập một cách khéo léo và hấp dẫn, thật khó để đặt cuốn sách xuống một khi bắt đầu đọc... Mỗi trang sách đều vô cùng thú vị”.
“Chúng ta sở dĩ có thể đoán định phần nào được Tương lai, chính là bởi những quy luật của Quá khứ, thường lặp lại”. Biên niên sử nhà Morgan là tấm gương mà qua đó, độc giả có thể nghiên cứu những thay đổi trong phong cách, đạo đức và nghi thức của nền tài chính cấp cao, từ đó rút ra những bài học bổ ích cho chặng đường phát triển của nền tài chính nước nhà, vốn đi sau Mỹ cả thế kỷ. Nhưng hơn thế nữa, Gia tộc Morgan là cuốn sách không thể thiếu cho những ai quan tâm đến tài chính, kinh doanh; bởi như Charles Dow từng nói: “Hiểu được hai từ ‘giá trị’ đồng nghĩa với việc hiểu được ý nghĩa của thị trường”.
“Một tác phẩm đặc sắc và được trau chuốt kỹ lưỡng. Cuốn sách đã vén tấm màn bí ẩn vây quanh một tổ chức quyền lực của nước Mỹ... một tổ chức thậm chí còn nắm nhiều quyền hành hơn cả sự tưởng tượng hoang đường nhất của đa phần người dân Mỹ” - tạp chí Dallas Times Herald. |