Francis Văn Hội: Nơi dạy nghề của tôi là một gia đình ấm áp

XUÂN LỘC/DNSGCT| 07/07/2017 06:42

Ông Francis Văn Hội – Giám đốc Trung tâm đào tạo nghề Nhà hàng – Khách sạn Anrê Mai Sen mong giúp đỡ người trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại quê hương.

Francis Văn Hội: Nơi dạy nghề của tôi là một gia đình ấm áp

Ông Francis Văn Hội – Giám đốc Trung tâm đào tạo nghề Nhà hàng – Khách sạn Anrê Mai Sen, từ những ngày đang sống và làm việc ở Đức, đã mong ước một ngày được trở về Việt Nam, giúp đỡ người trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại quê hương.

Đọc E-paper

Ở tuổi gần 70, sau hơn 30 năm ấp ủ, nay ông đã thực hiện được mong ước này khi xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm đào tạo nghề Nhà hàng – Khách sạn Anrê Mai Sen trên đường Nguyễn Văn Lạc, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Mỗi năm, trung tâm đào tạo miễn phí nghề đầu bếp và quản lý nhà hàng cho trên dưới 30 bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ông Francis Văn Hội từng là một đầu bếp tiếng tăm tại nhiều nhà hàng ở Đức, hiện vừa quản lý trung tâm vừa trực tiếp đào tạo nghề cho học viên.

Gần 8 giờ tối, Mai Sen Bistro phía trước trung tâm đang rất đông khách. Vài người nước ngoài có vẻ là “khách ruột” của quán, vào gọi món không cần xem thực đơn. Ông Francis Văn Hội vừa vui vẻ trò chuyện với các khách quen, vừa nhắc nhở học viên trong cách phục vụ. Ông cho biết:

“Quán nhỏ Mai Sen Bistro này là nơi học viên được thực hành, cũng là một nguồn thu nhập khá ổn định của trung tâm. Phía sau là khu nhà tập thể để các em ở nội trú. Đến nay, Anrê Mai Sen đã có 30 học viên ra trường. Dù chưa chính thức tốt nghiệp nhưng các em đã được nhiều nơi tuyển dụng. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi “đàn con” của mình đã có tương lai tương đối sáng sủa.

* Vừa quản lý trung tâm vừa tham gia giảng dạy, hẳn là ông rất bận rộn và vất vả?

- Thật ra, vất vả về chân tay tôi không ngại, vất vả về đầu óc mới đáng kể. Người Việt ở nước ngoài lâu năm như tôi về nước mở trường thường bị hoài nghi về tính vụ lợi. Người cho thuê nhà còn nâng giá lên gấp ba vì nghĩ rằng tôi là người giàu có. Có thể nói, ánh mắt hoài nghi dành cho tôi đến từ nhiều phía, từ phụ huynh, chính quyền đến xã hội…

* Nhưng ông vẫn lặng lẽ làm công việc thiện nguyện của mình, bất chấp sự hoài nghi của cộng đồng?

- Thánh kinh nói rằng hạt lúa trước khi nảy mầm phải bị ném xuống bùn. Hầu như mọi thành công đều phải trả giá bằng khó khăn, thử thách. Thực sự, mỗi em đến với trung tâm là một tấm gương về sự cần cù, vượt khó, nỗ lực của các em là động lực để tôi nhẫn nại với công việc đang làm. Sự trưởng thành và thành công của các em chính là động lực lớn nhất để trung tâm tiếp tục cam kết và nỗ lực thực hiện các chương trình đào tạo trong thời gian tới, giúp đỡ nhiều hơn nữa thanh niên có hoàn cảnh khó khăn có một nghề nghiệp và việc làm ổn định. Ngoài học về ẩm thực, dịch vụ, các em còn được học về quản lý chi tiêu, cách điều hành hệ thống, để khi ra trường có thể mở nhà hàng hay tiệm ăn nhỏ. Bởi ai cũng có quyền làm chủ cuộc đời của mình.

* Vì sao ông lại quyết định mở trường du lịch chứ không phải một cơ sở từ thiện nào khác?

- Vì tôi có kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này. Tôi đã từng học và làm về du lịch nhà hàng, khách sạn tại Đức gần 40 năm. Hơn nữa, tôi nhận thấy du lịch trên đất Việt ngày một phát triển, mở ra nhiều cơ hội ngành nghề ở lĩnh vực này. Năm 1990, lần đầu tiên về nước, tôi cảm thấy buồn khi thấy nước mình còn nghèo khó và chất lượng dịch vụ nhà hàng còn quá thấp. Lúc đó, tôi đã quyết tâm sau này sẽ trở về để đào tạo, huấn luyện ngành này cho lớp trẻ tại Việt Nam.

Tiềm năng của ngành du lịch nhà hàng khách sạn tại Việt Nam là vô cùng lớn. Ngành du lịch của chúng ta cũng đã chuyển mình, các tập đoàn quốc tế bắt đầu chuyển hướng từ Thái Lan qua Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp là rất lớn. Tôi mới nhận được lời đề nghị “đặt hàng” từ một số doanh nghiệp du lịch ở Phú Quốc, họ cần khoảng 20.000 nhân viên cho mục tiêu đến năm 2030. Các doanh nghiệp ở Đức cũng ngỏ lời muốn tuyển dụng nhiều nhân sự của trung tâm tôi trong thời gian tới.

* Nhu cầu lớn như vậy sao ông không đón nhận những nguồn đầu tư bên ngoài, mở rộng quy mô trung tâm Anrê Mai Sen?

- Nhận vốn đầu tư bên ngoài là một ý tưởng hay nhưng không phải nguồn vốn nào cũng phù hợp, không phải nhà đầu tư nào cũng cùng ý tưởng với mình. Tôi e ngại các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến lợi nhuận hơn là các vấn đề về trách nhiệm doanh nghiệp với xã hội. Hiện tôi cũng được nhận được vài lời đề nghị hợp tác từ các trường đào tạo ngành du lịch để nhân rộng mô hình này, giúp tăng lực lượng nhân sự ngành du lịch. Nhưng tôi thương các em nghèo, không có tôi các em sẽ bơ vơ…

Trung tâm của tôi luôn là một ngôi nhà ấm áp dành cho các em không phân biệt tôn giáo đến từ khắp các tỉnh thành, miễn là gia đình thuộc hộ nghèo có giấy xác nhận của địa phương, nhà trường hoặc giáo xứ. Tuy nhiên, các em phải tốt nghiệp lớp 12 để có đủ trình độ học nghề. Vào Anrê Mai Sen, học viên được học theo chương trình kép, học và làm song song (hệ thống Dual) của Đức. Trong một tuần lễ, sẽ có hai ngày học lý thuyết – thực hành, bốn ngày thực tập hưởng lương học nghề. Ngoài những kiến thức cho công việc quản lý, hai năm đầu tiên học viên được học 500 món Âu và tất cả kỹ thuật nấu nướng. Năm thứ ba, mới chuyển sang bếp Á.

Tôi quyết định xây dựng Mai Sen Bistro ngay từ đầu vì muốn các em được thực hành sát với thực tế, bổ túc những lý thuyết và tăng sự hiểu biết về nghề nghiệp. Điều này cũng đảm bảo rằng việc đào tạo được tiến hành với cùng điều kiện học viên sẽ gặp phải trong thực tế. Chỉ trong thực tập thực tế, học viên mới có đủ khả năng để ứng phó với nhu cầu không ngừng thay đổi của nghề nghiệp và đánh giá cao sự đa dạng của các mối quan hệ xã hội phát sinh trong môi trường làm việc. Ngoài ra, vừa học vừa làm tạo cho học viên một tinh thần tự tin và nguồn động lực ham học đặc biệt. Đây cũng là điều kiện để các em nâng cao tinh thần độc lập và ý thức trách nhiệm, đó là những phẩm chất không thể thiếu trong một đất nước công nghiệp phát triển. Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận bằng có giá trị quốc tế. Cùng vốn tiếng Anh và kinh nghiệm nấu nướng, quản lý nhà hàng được đào tạo bài bản, các em có thể chọn tiếp tục ở lại nhà hàng, về quê hoặc ra nước ngoài làm việc.

* Còn về bài toán chi phí cho các em ăn học hằng tháng thì sao, có vẻ cũng không đơn giản?

- Chi phí mỗi tháng cho mỗi em là khoảng 5 triệu đồng. Chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định từ nhà hàng mà các em phục vụ mỗi ngày. Ngoài ra, tôi cũng phải nhờ sự hỗ trợ từ các nơi, đặc biệt là các tổ chức ở Đức và các nước. Tôi bây giờ đã trở thành người đi xin từ thiện “chuyên nghiệp”, chắt chiu từng chút để các em có cuộc sống đầy đủ, theo kiểu “Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ”. Người này cho bao gạo, chỗ kia cho chai nước mắm, tôi đều vui vẻ nhận lấy và tỏ lòng biết ơn. Tôi nối gót Linh mục Anrê Mai Sen, một người thầy của tôi mà tôi rất kính phục ngày trước, lấy tiền của người no ấm chia sẻ cho những người khó khăn hơn.

Anrê Mai Sen vị linh mục dòng Don Bosco người Slovenia, đến Việt Nam từ những ngày đất nước còn nhiều khó khăn, luôn yêu thương và đồng hành cùng những người nghèo khó. Tôi vốn là con trưởng trong một gia đình đông anh em, từ nhỏ đã phải sống một cuộc sống tự lập và thiếu thốn. May mắn có sự yêu thương và sự đùm bọc của thầy, tôi mới qua giai đoạn đói khổ để có ngày hôm nay. Vì vậy, khi cuộc sống đã đủ đầy, con cái trưởng thành, tôi quyết định phải xây dựng một cơ sở từ thiện để tạ ơn đời và cảm ơn người thầy đặc biệt.

* Bắt tay vào xây dựng trung tâm đào tạo này hẳn là có rất nhiều khó khăn. Có bao giờ ông cảm thấy nản lòng trong ba năm qua?

- Đã có lúc tôi thấy mệt mỏi khi ngôi trường của mình “vấp” phải nhiều khó khăn từ những định kiến. Nhưng nay, khi giấc mơ từ mấy chục năm về trước trở thành hiện thực, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Nhìn cả trăm “đứa con” của mình đang được nuôi dưỡng tốt và có một tương lai tươi sáng hơn, đôi khi tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt. Và cũng nhờ được các bạn trẻ vây quanh mỗi ngày, tôi cảm thấy tâm hồn mình đang trẻ trung trở lại.

Hầu hết các em đều đến từ những vùng quê nghèo nên vốn tiếng Anh còn ít lắm. Một số em chưa từng thấy chiếc thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, khó nhất là phải dạy cho các em làm người trước khi dạy nghề. Do có hoàn cảnh khó khăn nên các em thường cảm thấy tự ti, mặc cảm, nhưng tôi bắt gặp ở các em hình ảnh của mình ngày trước, khi mới “chân ướt chân ráo” sang Đức học nghề nhà hàng khách sạn vào năm 1976. Sống trong sự kỳ thị người nước ngoài khá gay gắt ở Đức, tôi cũng từng có thời điểm khá bi quan và tự ti. Nhưng sau 30 năm sống và làm việc ở đất nước tôn trọng kỷ luật này, tôi có cuộc sống sung túc nhờ làm việc cần mẫn và không ngại khó, ngại khổ. Đôi khi sự kỳ thị là động lực để mình cố gắng vươn lên. Người ta càng coi thường thì mình càng phải tự khẳng định. Sự đãi ngộ hậu hĩnh của người chủ cho tôi niềm tin về sự công bằng trong cuộc đời. Còn các học viên của tôi có vẻ cần nhiều động lực hơn để phấn đầu thành người hữu ích và có trách nhiệm với xã hội. Học chữ thì dễ chứ học để thành người khó muôn phần…

* Vậy cách dạy làm người của ông thế nào?

- Tôi ví mình như người cha dạy cho con, vừa nhẹ nhàng vừa nghiêm khắc. Em nào được nhận vào học cũng phải trải qua hai tuần thử việc, từ rửa chén, quét nhà đến dọn nhà vệ sinh… Nếu vượt qua được thời gian này, các em sẽ được ở lại trường học nghề. Có em bỏ cuộc với lý do: “Nhà tôi nghèo nhưng mẹ tôi không bắt tôi làm những việc này. Giờ phải làm những thứ này, tôi không chịu nổi”. Thực ra, quy định này tôi đặt ra để các em có cơ hội làm từ những công việc thấp kém nhất nhằm hoàn thiện bản thân trước khi bước lên những bậc cao hơn. Để làm thầy trước tiên phải làm thợ! Chỉ khi buộc phải phản ứng để mưu sinh, các em mới khám phá ra rằng mình có thể làm được nhiều thứ hơn mình nghĩ. Tôi tự nhận mình là một người thầy rất khó tính. Có khi nhiều năm sau khi ra trường, các em cũng khó quên được sự nghiêm khắc của tôi.

* Hiện nay Việt Nam cũng có nhiều trường đào tạo ngành nhà hàng khách sạn, ông đánh giá như thế nào về chất lượng đào tạo ngành này hiện nay?

- Tôi không dám đánh giá một cách chủ quan. Nhưng có chuyện như thế này: học viên của tôi khi thực tập ở doanh nghiệp thường được trả 15.000 đồng mỗi giờ, còn các em ở trường khác thì không được nhận lương. Phải chăng vì các sinh viên ngành này vẫn chưa được đào tạo đủ để làm tốt công việc của mình?

Doanh nghiệp thường “chê” các học viên mới ra trường còn kém về kỹ năng, kiến thức lại mơ hồ, phần lớn là lý thuyết. Một cuộc khảo sát khoảng 20 đơn vị trong ngành dịch vụ du lịch tại TP. Hồ Chí Minh có sử dụng nhân viên tốt nghiệp từ các trường đào tạo du lịch cho thấy, gần như 100% phải đào tạo lại…

Nếu nói một cách công tâm thì tình trạng này không phải lỗi của nơi đào tạo, mà lỗi chủ yếu là của doanh nghiệp. Không riêng gì trong ngành du lịch nhà hàng, khách sạn mà ở rất nhiều ngành nghề khác, phần lớn doanh nghiệp đều nghĩ rằng họ không có trách nhiệm gì trong vấn đề đào tạo nhân sự. Thực tế, vai trò và nhiệm vụ của họ là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp sử dụng nhân sự nên họ phải đóng góp với các trường đại học, các trung tâm đào tạo bằng cách tạo cơ hội thực tập, trả lương cho sinh viên đồng thời phải đóng góp ý kiến một cách tích cực vào các chương trình, giáo trình đào tạo của nhà trường. Điều này đã được đưa vào luật ở nước Đức, buộc doanh nghiệp phải đón nhận học viên hoặc đóng góp chi phí cho việc đào tạo nhân lực mà doanh nghiệp đang cần.

Nếu có sự hỗ trợ tích cực từ doanh nghiệp thì nhiều sinh viên giỏi đi học đại học không cần đóng học phí vì có sự bảo trợ của doanh nghiệp. Theo đó, cơ hội được đào tạo nghề của sinh viên giàu và nghèo là như nhau. Điều này không phải là bất khả thi. Không quá khó để thay đổi tư duy trong giáo dục – đào tạo, điều quan trọng là chúng ta phải nhìn thấy rằng tương lai đất nước sẽ “lâm nguy” nếu không chú trọng đào tạo người giỏi. Câu chuyện về giáo dục Việt Nam luôn là chuyện nhiều tập, nên có lẽ tôi chỉ tập trung vào công việc của mình. Được làm điều mình yêu thích nơi mình thuộc về đã là một hạnh phúc lớn lao.

* Ông chia sẻ nhiều hơn về cảm xúc của một người xa quê mấy chục năm nay được trở về nơi chôn nhau cắt rốn thế nào, thưa ông?

- Với tôi, một người Việt Nam phải sống xa quê nhiều năm, đến cuối đời mà không được trở về thì thật đáng buồn. Tôi đã có những đêm nằm nhớ quê hương đến rơi nước mắt, nhớ từng bờ dậu, mái tranh, nhớ từng hàng cây, đồng lúa. Chính nỗi nhớ nhung da diết ấy đã thôi thúc những người con xa quê như tôi trở về với đất mẹ. Nếu có cơ hội về thăm quê là niềm hạnh phúc, còn có thể xây dựng quê hương là một niềm vinh hạnh. Niềm vinh hạnh này không có sẵn mà mình phải tự tìm kiếm, tự phấn đấu. Còn nhớ, khi tôi quyết định trở về, vợ tôi đã rất ủng hộ và nói: “Ba mươi năm ở xứ người đã quá đủ cho ông rồi, nay là lúc thích hợp để làm điều gì đó có ích cho quê hương!”.

* Và ông sẽ ở lại Việt Nam luôn chứ?

- Tôi sẽ ở lại đây đến ngày nhắm mắt, vì tôi thuộc về nơi này từ thịt xương đến tâm hồn. Tôi vẫn còn một ước mơ chưa thực hiện được, đó là xây dựng một ngôi trường lớn hơn ở Việt Nam, nuôi dưỡng và đào tạo nghề cho từ 200-300 em nhỏ thiệt thòi ở các vùng quê nghèo. Vì chỉ có giáo dục mới có thể thay đổi cuộc đời của những người kém may mắn trong xã hội, giúp họ có một tương lai tươi sáng hơn. Tôi vẫn đang cố gắng thực hiện ước mơ này trong những năm cuối của cuộc đời.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ trên. Chúc ông mau chóng thực hiện được ước mơ tốt đẹp của mình. 

>>Doanh nhân Lê Nguyên Phú: "Đi chậm để tích lũy nội lực"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Francis Văn Hội: Nơi dạy nghề của tôi là một gia đình ấm áp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO