Bác sĩ Lê Quốc Hùng -Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, việc F0 không triệu chứng được điều trị tại nhà sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều cho Nhà nước và giúp cơ sở y tế tập trung điều trị cho F0 bệnh nặng đang cần máy móc thiết bị hỗ trợ. Thực tế, nếu F0 không có triệu chứng thì tốt nhất là được ở cùng nhau, tự điều trị tại nhà, sẽ không bị xáo trộn cuộc sống, cách sinh hoạt, ăn uống, có sự chăm sóc của người thân. Thêm nữa, khi vào điều trị cách ly, F0 không được lựa chọn địa điểm nên sẽ phải cách ly cùng những người lạ, thiếu sự chăm sóc của người thân, chịu một áp lực rất lớn về tâm lý.
Tuy nhiên, BS Hùng cũng cho rằng, việc để F0 điều trị tại nhà phụ thuộc rất cao vào ý thức của chính F0. Đã có nhiều trường hợp F0 đi lung tung, hoặc cả nhà cùng là F0 nhưng điều kiện cách ly quá chật chội, không đảm bảo, nồng độ virus quá cao dẫn tới dễ lây nhiễm sang môi trường xung quanh, dẫn tới dịch bệnh càng bùng phát mạnh hơn.
BS Nguyễn Tuấn- Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức cũng cho rằng: “Khi F0 được cách ly tại nhà thì phải đủ tiêu chuẩn, phương tiện, phải có thông tin y tế và phải được giám sát chặt chẽ, vì nếu không có camera giám sát, người dân không tuân thủ cách ly tuyệt đối sẽ lọt F0 ra ngoài cộng đồng và nguy cơ lây lan không thể tránh”.
Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp- Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiều nghiên cứu ước tính nguy cơ lây nhiễm cho một cá thể trong hộ gia đình có ca F0 nhẹ từ 11-19%. Với điều kiện nhà ở của Việt Nam có diện tích nhỏ, ít phòng khép kín và gia đình thường 4-5 người thì nguy cơ này có thể tính trên dưới 20%.
Mặc dù hướng dẫn của Bộ Y tế quy định rất rõ, các F0, F1 cách ly tại nhà phải thực hiện đúng theo điều kiện, quy định Bộ Y tế, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly theo quy định. Nhưng thực tế tại một số địa phương, khu vực tại TP.HCM, việc giám sát F0 tại nhà cũng chưa chặt chẽ.
Tuân thủ 5 K của Bộ Y tế- Ảnh: Internet |
Một bệnh nhân Covid-19 ở đường Hùng Vương P 9, Q 5 cho biết, nhà bệnh nhân này có một người bị sốt ba ngày, y tế địa phương xét nghiệm nhanh và PCR cho biết, có ba người trong gai đình cũng bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, đến bốn ngày sau cũng không thấy địa phương hay nhân viên y tế liên lạc hoặc thông tin kết quả PCR, thậm chí khi hai người trong gia đình trở bệnh nặng phải vào bệnh viện, cũng không có nhân viên y tế nào đến hướng dẫn cũng như quản lý, giám sát.
Tương tự, tại chung cư Sunrisecity Q 7, sau khi báo với Ban quản lý (BQL) có người nhà F1, gia đình chị LN T chỉ nhận được thông báo của BQL: “Nhân viên y tế đang quá tải nên gia đình tự cách ly và tự mua test xét nghiệm”.
Với các bệnh nhân F0 không triệu chứng đang điều trị tại các cơ sở y tế. Nếu đến ngày thứ 8- 10, kết quả xét nghiệm âm tính hoặc dương tính với giá trị CT >= 30, bệnh nhân được phép xuất viện và cách ly theo dõi tại nhà cũng khiến nhiều người lo ngại, liệu những F0 này về nhà quá sớm có khả năng lây bệnh cho người xung quanh?
Tra lời thắc mắc này, BS Trương Hữu Khanh-Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định: “Không đáng lo lắm. Vì tất cả những người nhiễm virus trong giai đoạn này thì hầu như virus cũng đã thuần với con người và đến ngày thứ 8, thứ 10, lượng virus cũng giảm xuống rất thấp, chuẩn bị hết bệnh. Còn những người nào nặng lắm thì do bội nhiễm vi khuẩn khác thôi.
Thông thường, nếu xét nghiệm PCR có giá trị CT ≥ 30 thì bệnh nhân đó rất khó lây mà = 33 thì càng không lây. Cho nên khi người bệnh có nồng độ virus CT ≥ 30 hoặc thấp hơn thì có khuynh hướng giảm tiếp, chứ không có chuyện giảm xuống, rồi lại tăng lên lại. Vì thế, khả năng lây bệnh cho người nhà cũng rất thấp. Nếu mang khẩu trang thì lại càng khó lây".