![]() |
Đến Việt Nam vào giữa tháng 3, trò chuyện với những người hâm mộ, người đàn ông Israel từng lập kỷ lục Guinness về trí nhớ 11 năm trước Eran Katz tiết lộ khá nhiều “bí quyết” bổ ích giúp tăng cường kỹ năng nhớ.
![]() |
Ông E. Katz và dịch giả Đoàn Tử Huyến |
Phát biểu với công chúng Việt Nam, Eran Katz nhấn mạnh: “Tôi không phải là người đặc biệt”. Ông cho rằng những gì ông có được hôm nay là do ông bền bỉ luyện tập các kỹ năng theo thời gian để biến một trí nhớ bình thường thành một trí nhớ đáng tin cậy.
Tại quê nhà, Eran Katz làm chủ một công ty khá phát đạt chuyên phát triển phần mềm liên quan đến việc hỗ trợ trí nhớ mang tên “Smart Memory”. Ông còn là một diễn giả được ưa thích về chủ đề phát triển trí nhớ tại hàng nghìn diễn đàn trên thế giới, một tác giả nổi tiếng với những cuốn sách viết về phương pháp rèn luyện kỹ năng nhớ (trong đó có 5 cuốn được dịch ra 8 thứ tiếng trên thế giới, in tới 250.000 bản). Dù vậy, “Mục tiêu của tôi không phải là kinh doanh, mà là quảng bá văn hóa”- Eran Katz nói.
* Ông đã nhận ra mình có trí nhớ khác thường từ lúc nào?
- Năm tôi 7 tuổi, bố tôi cho tôi cùng đến nơi làm việc của ông là một cơ quan an ninh. Đến nơi, bố tôi phải bấm đúng mã số có 7 chữ số mới qua được cổng. Hai tháng sau, tôi đã tự mình qua được cánh cổng này vì trong đầu vẫn còn nhớ chính xác mã số đó.
* Có lúc nào ông bị chính trí nhớ của mình “làm khổ” không? Ví dụ có những điều muốn quên thì lại cứ nhớ!
- Tất nhiên. Đó là một kỷ niệm buồn. Tôi có một người bạn thân chẳng may qua đời rất sớm và tôi không sao quên được người bạn ấy. Tuy nhiên, tôi quan niệm, nếu quá khứ là một gánh nặng thì hãy nghĩ nhiều đến những gì thuộc về tương lai. Tôi cũng xuất bản một cuốn sách viết về... “kỹ năng quên”, kỹ năng tẩy xóa trí nhớ, dù việc này cũng không dễ dàng gì.
* Điều gì ông cho là dễ nhớ nhất?
- Sự thú vị sẽ ở lâu trong ta. Với tôi, những gì được lưu giữ nhiều nhất, lâu nhất trong trí nhớ thường lại là những điều lặt vặt thú vị. Đặc biệt tôi hay nhớ những con số và những bài viết ngắn.
* Với trí nhớ tuyệt vời, ông có thể học tiếng Anh thành công trong 1-2 tháng? Và ông có thể nói tiếng Việt với người Việt sau lần có mặt tại Hà Nội này?
- Một tuần ở Việt Nam, tôi thấy tiếng Việt thuộc loại... khó nhất thế giới, mặc dù hiện nay tôi đã biết 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha! Học ngoại ngữ khó, đây là điều sinh viên thường kêu ca với tôi. Tôi nghĩ ai cũng cần có động lực. Nếu một người học chỉ để học, sẽ khó. Nhưng nếu cũng người đó, học để có 1 triệu đô-la, chắc chắn chỉ cần một tháng họ sẽ học được...
Tôi thấy, người ta chỉ cần học 600 từ mỗi ngoại ngữ là đã có thể giao tiếp thông thường. Một trong những “bí quyết” nhớ là phải có kỹ năng liên tưởng. Phải nhớ một cách có ý thức chứ tuyệt nhiên không nhớ một cách máy móc.
* Một vài kinh nghiệm của ông dành cho bạn trẻ?
- Tôi thường nói với sinh viên: Yêu thì không nhớ gì xung quanh nữa. Đừng dại mà yêu đương trước... kỳ thi! Chúng ta thường nghe mà không chú ý, nhìn mà không quan sát. Có những việc xảy ra cách đây 20 năm hoặc 40 năm thì được nhớ, trong khi những việc mới xảy ra hôm qua lại có thể quên ngay chính vì thế.
Giảm trí nhớ không hoàn toàn do tuổi tác hay vấn đề sinh học mà đáng buồn là do chúng ta đã không còn quan tâm đến sự việc như cách khi còn trẻ chúng ta từng quan tâm, thích thú về chúng. Một “vấn đề toàn cầu” khác nữa là đàn ông thường không nhớ phụ nữ mặc gì (thế nên phụ nữ có điểm trang đến mấy cũng thừa) nhưng phụ nữ lại nhớ rất kỹ những phụ nữ khác mặc gì! Điều quan trọng là sự tập trung, sự thích thú và các hệ thống, sắp xếp của mỗi người sẽ “nâng cấp” trí nhớ của họ ra sao.
Lời khuyên của tôi là: Để nhớ mọi thứ thật lâu, mỗi người hãy nhận thức cuộc sống một cách thật tích cực để thấy cuộc sống mà ta đang có thật đáng quý. Khi đó, nhiệt tình sống sẽ khiến trí nhớ của chúng ta trở nên đặc biệt hơn!
* Cảm ơn ông, người đã “kinh doanh trí nhớ” theo cách riêng của mình!