Đưa nghệ thuật truyền thống vào phát triển du lịch

Đinh Hương| 25/09/2022 09:00

Việc “bắt tay” giữa du lịch với các loại hình nghệ thuật truyền thống không còn xa lạ. Tuy nhiên, đưa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ phát triển du lịch có không ít khó khăn dù chứa đựng nhiều giá trị và cơ hội để phát triển.

Nỗ lực kết nối nghệ thuật truyền thống và du lịch 

Từ lâu, kết hợp du lịch với nghệ thuật truyền thống đã được các địa phương như Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Bến Tre, Quảng Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bình Thuận, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, hát bội, hát bài chòi, hát chèo, múa rối, múa Chăm áp dụng hiệu quả. Nhiều năm qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội), Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế (Thừa Thiên - Huế), Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà Biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An (Quảng Nam), Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ) đều có show diễn riêng phục vụ du khách. Tại TP.HCM có các chương trình sân khấu hay điểm diễn tạo được sức hấp dẫn đối với du khách như À ố show, Teh Dar, Mekong show, Múa rối truyền thống Việt Nam, Bảo tàng Áo dài, Làng Du lịch Bình Quới. Từ tháng 2/2022, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch TP.HCM cùng gia đình NSƯT Ngô Tuyết Mai đã thử nghiệm chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc Xuân về trên TP.HCM định kỳ mỗi tuần và theo yêu cầu của các doanh nghiệp lữ hành; từ tháng 7, quận 5 phối hợp với Liên đoàn Lân - Sư - Rồng Thành phố tổ chức chương trình Về Chợ Lớn xem múa lân nhằm tiến đến xây dựng loại hình này thành sản phẩm du lịch văn hóa; từ tháng 8 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ diễn ra chương trình thể nghiệm Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quảng bá 14 di sản được UNESCO công nhận như hát xoan, ca trù, dân ca quan họ, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ, nhã nhạc cung đình Huế, dân ca ví giặm, đờn ca tài tử Nam Bộ biểu diễn định kỳ vào các buổi chiều cuối tuần phục vụ công chúng, du khách trong và ngoài nước. 

-2203-1663968464.jpg

Đờn ca tài tử Nam Bộ (Ảnh có tính minh họa)

Đặc biệt, từ ngày 30/8/2022, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam kết hợp với TikTok thực hiện chương trình Ngân nga Việt Nam nhằm kêu gọi công chúng cùng tìm về vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống, tôn vinh văn hóa và chia sẻ niềm tự hào dân tộc, từ đó góp phần quảng bá du lịch quốc gia. MV Ngân nga Việt Nam là bản phối giữa ba làn điệu quan họ, cải lương, ca Huế. Sau hơn nửa tháng triển khai, hashtag #NganNgaVietNam có hơn 110 triệu lượt xem. Trên tài khoản TikTok chính thức của Tổng cục Du lịch Việt Nam, teaser MV Ngân Nga Việt Nam thu về hơn 37 triệu lượt xem, hơn 93.000 lượt yêu thích và hàng trăm bình luận.

Lợi ích kép để cùng phát triển 

Kho tàng nghệ thuật truyền thống Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Đó là cơ sở để khai thác thành nhiều sản phẩm du lịch đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên nét khác biệt vùng miền, khác biệt quốc gia. Nhưng khai thác nghệ thuật truyền thống thế nào và cho hiệu quả để tạo ra những sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc là một câu hỏi khó. 

-4140-1663968464.jpg

Múa rối nước (Ảnh có tính minh họa)

Trong tọa đàm trực tuyến “Sân khấu truyền thống kết nối với du lịch” tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, NSND Nguyễn Tiến Dũng - Nhà hát Múa rối Việt Nam khẳng định, chương trình phục vụ khách du lịch của Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuồng, Chèo, Cải lương... đều được dàn dựng rất kỹ lưỡng, tuy nhiên khâu quảng bá, truyền thông cho các sản phẩm nghệ thuật phục vụ du lịch còn thiếu và yếu. Để có điều kiện biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hiện cũng gặp khó khi hệ thống rạp hát đang xuống cấp, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng lỗi thời chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.

NSND Triệu Trung Kiên - Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng cần có một cụm công trình văn hóa - nghệ thuật - giải trí khép kín với các khu vực biểu diễn riêng của tuồng, chèo, cải lương, múa rối và một số hạng mục bổ trợ như bảo tàng sân khấu, khu vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống. Đại diện các đơn vị lữ hành đều cho rằng, khi xây dựng tour thì bên cạnh xem biểu diễn nghệ thuật, du khách còn yêu cầu thêm về không gian, quang cảnh, dịch vụ khác như mua sắm, ẩm thực vượt quá khả năng đáp ứng của các nhà hát công lập. Ở TP.HCM có Nhà hát Nón lá, Bảo tàng Áo dài của tư nhân đang đáp ứng được yêu cầu tổ chức tour xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống kết hợp mua sắm, thưởng thức ẩm thực. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp văn hóa tư nhân có điều kiện như vậy là rất ít. 

-7381-1663968464.jpg

Hát quan họ (Ảnh có tính minh họa)

Được biết, Sở Văn hóa và Thể thao  đã có kế hoạch phối hợp Sở Du lịch TP.HCM xây dựng dữ liệu về địa điểm du lịch văn hóa, nghệ thuật tại thành phố, trong đó sẽ nêu rõ quy mô, loại hình nghệ thuật của các địa điểm biểu diễn gắn với hoạt động du lịch. Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật trực thuộc và khuyến khích các cơ sở, đơn vị nghệ thuật ngoài công lập đầu tư, dàn dựng các chương trình, loại hình nghệ thuật phù hợp cho từng đối tượng, từng chủ đề. Tại tọa đàm trực tuyến “Sân khấu truyền thống kết nối với du lịch”, NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng sân khấu du lịch tại TP.HCM cần có sự trợ vốn từ Nhà nước. Sân khấu tư nhân nếu được vay tiền ưu đãi sẽ tạo điều kiện để xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch tốt hơn. 

Để đưa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du lịch đạt hiệu quả cao, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của cả hai ngành biểu diễn nghệ thuật truyền thống và du lịch trong việc tìm hiểu nhu cầu của du khách, xây dựng chương trình biểu diễn chất lượng tốt, đào tạo hướng dẫn viên am hiểu về nghệ thuật truyền thống...  Các công ty lữ hành cũng cần nâng cao nhận thức rằng, chỉ có những sản phẩm văn hóa giàu bản sắc dân tộc, độc đáo thì mới đủ sức níu chân du khách. Và khi du lịch và nghệ thuật truyền thống được kết hợp khéo léo, hiệu quả thì không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp cho cả hai ngành cùng phát triển bền vững. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đưa nghệ thuật truyền thống vào phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO