Đưa hương liệu Việt ra thế giới

Hạnh-Trân| 12/04/2022 01:00

Nhìn thấy tiềm năng lớn từ quế và hồi, Nguyễn Thị Huyền - Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vina Samex) đã mở ra hướng đi mới: sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi hữu cơ, giúp người nông dân gắn bó với hai loại cây này thoát nghèo và từng bước đưa hương liệu quý của Việt Nam ra thế giới.

Nâng tầm sản phẩm quế, hồi

Huyền cho biết, cơ duyên đến với sản phẩm này của chị bắt nguồn từ lần đầu tiên đưa khách lên trên rừng hồi và quế. Nghe nông dân chia sẻ, hơn 50ha rừng hồi đang được canh tác bởi dân tộc thiểu số, 90% là người Tày và người Nùng, 95% trong số đó là phụ nữ nhưng họ không biết công dụng của sản phẩm là làm gì và sản phẩm ấy bán được ở đâu. Họ chỉ biết người ta mang sang Trung Quốc để bán và bị thương lái Trung Quốc ép giá. Khi không bán được hàng, họ sẽ không có tiền để trang trải các sinh hoạt phí cũng như không có điều kiện cho con đi học. 

Đau đáu điều này, Huyền muốn giúp người dân tộc tiêu thụ được sản phẩm họ làm ra và Vina Samex ra đời. Để tiết kiệm phí vận chuyển, Huyền mở nhà máy ở giữa vùng nguyên liệu. Quế, hồi được mang ra nhà máy ngay sau khi thu hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm và áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến để giảm chi phí sản xuất. Vina Samex cũng xin được chứng nhận quốc tế của 4 thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Nếu trước kia chỉ xuất khẩu sản phẩm thô thì nay Vina Samex đã nghiên cứu ra nhiều sản phẩm khác như bột, tinh dầu... và đang bán trên nhiều kênh thương mại điện tử nổi tiếng, có mặt ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ tại các siêu thị Nam An, Lotte. Dù kênh B2C chỉ chiếm 10% doanh thu, nhưng trong tương lai Vina Samex sẽ đưa tỷ lệ này lên 50%.

Mặc dù bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nhưng doanh thu của công ty năm 2020 là 151 tỷ đồng và năm 2021 là 275 tỷ đồng. Lộ trình tiếp theo của Vina Samex là sẽ IPO vào năm 2026. Trước mắt, Vina Samex sẽ mở rộng các nhà máy ở Lào Cai và Lạng Sơn để sản xuất các sản phẩm chuyên sâu từ quế và hồi.

IMG-7577-JPG-3098-1649588843.jpg

Kinh doanh vì cộng đồng

Cũng như nhiều startup khác trong lĩnh vực nông nghiệp, Vina Samex muốn giúp đời sống nông dân tốt hơn thông qua việc chuyển đổi cây trồng. Năm 2015, thu nhập của một hộ gia đình chỉ là 7 triệu đồng, đến năm 2021 thu nhập của một hộ gia đình đã đạt 150 triệu đồng.

Suốt 10 năm qua, Nguyễn Thị Huyền tự hào là đã giúp cho 15 nghìn hộ nông dân ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn thay đổi được nhận thức và thay đổi được cuộc sống, tác động đến 1.225 người phụ nữ hiểu về bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ, tự lập và tự tin hơn trong cuộc sống, tạo ra 300 cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, ký biên bản ghi nhớ với huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, cung cấp giống để nông dân chuyển đổi từ 20.000ha trồng keo sang trồng quế, mở rộng vùng nguyên liệu của Việt Nam.

Vina Samex hỗ trợ kỹ thuật giúp nông dân quy hoạch vùng nguyên liệu hữu cơ và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, hướng dẫn họ không đốt rừng sau khi thu hoạch để tránh gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Vina Samex đang làm việc với 15 nghìn hộ nông dân, bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường 10%. Để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng hữu cơ, doanh nghiệp chủ động đào tạo nông dân về các tiêu chuẩn hữu cơ, cách thức sản xuất, thời điểm thích hợp để thu được sản lượng và chất lượng tốt nhất... 

Nữ CEO lý giải: "Trước đây, nông dân sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, nhưng bây giờ nguyên tắc của Vina Samex là không được dùng bất kỳ phân hóa học hay thuốc trừ sâu nào và phải đảm bảo nguồn đất, nguồn nước. Ngoài ra, khi thu hoạch, cần cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng cách xới đất lên, chặt cành xuống, tạo phân bón hữu cơ cho cây". Nguyễn Thị Huyền vừa đạt Quán quân giải thưởng Doanh nhân cộng đồng (Blue Venture Award mùa 4) và đang kêu gọi đầu tư để xây dựng hai nhà máy và có thêm nguồn vốn phát triển các tầng kinh doanh, đặt mục tiêu IPO doanh nghiệp vào năm 2026, trị giá 620 triệu USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đưa hương liệu Việt ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO