Trung Quốc: Nguồn khách “inbound” dồi dào nhất thế giới

P.N.DŨNG| 27/02/2010 08:54

Trong những ngày Tết Canh Dần, ngành du lịch Thái Lan rất hồ hởi vì đón tiếp được khoảng 100.000 du khách TQ...

Trung Quốc: Nguồn khách “inbound” dồi dào nhất thế giới

Trong những ngày Tết Canh Dần, ngành du lịch Thái Lan rất hồ hởi vì đón tiếp được khoảng 100.000 du khách TQ. Không vui sao được vì số khách inbound này đã tăng cao kỷ lục, 67%, cụ thể là nhiều hơn dịp Tết Kỷ Sửu 2009 40.000 khách. Du khách TQ không chỉ thích thăm viếng Yaorawat, tức Phố Tàu ở Bangkok mà còn tỏa đến các địa điểm du lịch nổi tiếng khác, từ Pattaya, Chiang Mai đến Hat Yai, Phuket, Chon Buri, Nakhon Ratchasima...

Du khách Trung Quốc ở Đài Loan

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự kiến, năm 2010 sẽ đón nhận hơn 1,2 triệu lượt du khách TQ, tức nhiều hơn năm 2009 gần 250.000 lượt khách. Khoảng 60 triệu baht sẽ được chi cho việc quảng bá du lịch Thái Lan tại thị trường TQ. Từ tháng 3/2009, du khách TQ đến Thái Lan không còn phải chi khoảng 33USD cho khoản visa nhập cảnh.

Từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, TQ đã là một trong những thị trường truyền thống của ngành công nghiệp không khói Việt Nam, nhưng gần đây, lượng khách TQ đến với Việt Nam đã giảm sút mạnh. Tuy việc đi lại giữa hai nước nay thuận tiện hơn rất nhiều, cả ở đường bộ, đường hàng không (nay có đến 6 hãng TQ có đường bay đến Việt Nam) lẫn đường biển, nhưng du khách TQ không còn đến nhiều như trước đây. Từ đỉnh cao năm 2004 khi Việt Nam đón nhận hơn 778.000 du khách TQ đến năm 2009 chỉ còn tiếp đón 528.000, giảm 18% so với năm 2008.

Trước thực tế này, Tổng cục Du lịch Việt Nam lập kế hoạch quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình trung ương TQ và các kênh truyền hình ở Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Đông Kinh. Năm ngoái, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đã tiến hành những chương trình quảng bá tại Thượng Hải, Hồ Nam, Quảng Châu, Thẩm Quyến, Tứ Xuyên, Đông Kinh, Vũ Hán.

Nhưng liệu hình thức quảng bá trên truyền hình và báo in có mang lại hiệu quả cao hay không khi mà du khách TQ ngày nay rất hiện đại, quen tìm kiếm thông tin du lịch trên internet rồi tự lập chương trình lữ hành mà không cần đến các đại lý lữ hành. Chính vì thế mà TAT đã bắt tay hợp tác với easynet.com, một địa chỉ du lịch trực tuyến rất phổ biến, nhằm quảng bá du lịch Thái Lan tại TQ.

Ngoài ra, do bây giờ có nhiều cạnh tranh nên thu hút được nguồn khách này chẳng phải dễ. Theo Viện Du lịch Trung Quốc, năm 2009 có 47 triệu lượt khách TQ đi du lịch nước ngoài, tăng 3,6% so với năm 2008. Do suy thoái kinh tế nên năm qua TQ chỉ là điểm đến của 126 triệu lượt du khách quốc tế (nhiều nhất là du khách Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, sau đó mới đến du khách Đài Loan), giảm 3%. Viện Du lịch Trung Quốc dự kiến, năm 2010 có 54 triệu lượt khách TQ đi du lịch nước ngoài. Có nghĩa là ngày nay, TQ vừa là thị trường inbound lớn, vừa là thị trường outbound rất đáng nể.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO), đến năm 2020 sẽ có 100 triệu người TQ đi du lịch nước ngoài ,cho nên tất cả các nước trên thế giới đều nỗ lực thu hút nguồn khách inbound hết sức dồi dào này. Vì tính đến nay, chính quyền Bắc Kinh đã chính thức cho phép công dân TQ được đi du lịch đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả Hồng Kông, Macao và Đài Loan. Và từ tháng 6/2009 đã có thêm nước Mỹ. Cho nên năm qua đã có khoảng 750.000 du khách TQ đi du lịch Mỹ, tăng 20% so với năm 2008.

Bây giờ du khách TQ cũng nổi tiếng tiêu xài hào phóng khi chu du xứ lạ quê người, nên Tokyo đã tiến hành chính sách cởi mở hơn đối với nguồn khách này. Từ năm 2008, số du khách TQ đến thăm nước Nhật đã đạt cột mốc một triệu lượt khách.

Thời gian qua, Nhật và Đông Nam Á là hai điểm đến có hấp lực mạnh nhất đối với du khách TQ. Không chỉ có Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore xem du khách TQ là nguồn khách lớn, mà cả đến Úc bây giờ cũng rất chú trọng thu hút du khách từ TQ. Và gần đây đã nổi lên một điểm đến mới là Dubai (Bắc Kinh cho phép công dân TQ được tự do đi du lịch Các Tiểu vương quốc Ả Rập kể từ tháng 9/2009), hệ quả từ giá phòng khách sạn và giá các dịch vụ lữ hành giảm. Nhưng cả khi chưa có chuyện giảm giá tour trọn gói thì Dubai cũng đã thu hút được khoảng 150.000 du khách TQ trong năm qua, tăng 55% so với năm 2008, Văn phòng Du lịch Dubai tại Bắc Kinh cho biết.

Tuy nhiên, với vô số cơ hội mua hàng deluxe giá rẻ, Dubai còn lâu mới giành được thật nhiều du khách TQ như Hồng Kông, Macao và Đài Loan. Theo www.ctrip.com, địa chỉ dịch vụ lữ hành trực tuyến nổi tiếng nhất ở thị trường TQ, Hồng Kông thường hút từ 50 - 60% tổng lượng du khách TQ đi du lịch nước ngoài, Macao hút 30%. Trong số 31 triệu lượt du khách quốc tế mà Hồng Kông dự kiến sẽ đón tiếp trong năm 2010, tăng 5% so với năm 2009, sẽ có 19,3 triệu du khách TQ, tăng 7,5%.

Và từ tháng 8/2009, khi vận chuyển hàng không giữa TQ và Đài Loan chính thức được khai thông, hành khách không còn phải trung chuyển ở Hồng Kông hoặc Macao như trước đó nữa, số du khách TQ đến với Đài Loan tăng rất mạnh, đạt hơn 600.000 khi năm 2009 kết thúc. Bây giờ mỗi tuần có hơn 270 chuyến bay giữa 27 thành phố TQ và Đài Loan.

Số du khách đến châu Á tăng cao

Năm 1990 có tổng cộng 44 triệu du khách đi thăm châu Á, năm 2001 tăng lên 120 triệu và năm 2008 đạt con số 200 triệu.

Từ 2003 - 2008, số du khách đến Pháp - điểm đến du lịch số một thế giới - tăng 5,7% nhưng số du khách đến Macao tăng đến 129%; Hồng Kông 89%; Singapore 65%.

Tuy nhiên, châu Á chưa có nhiều quốc gia là điểm đến thu hút mỗi năm hàng vài chục triệu lượt du khách như châu Âu và Mỹ (năm 2008, Pháp đón 79 triệu lượt du khách; Mỹ, 58 triệu; Tây Ban Nha, 57 triệu...). Các điểm đến hàng đầu châu Á vẫn là TQ, 53 triệu lượt khách; Hồng Kông 29 triệu; Macao 30 triệu; Malaysia 21 triệu; Thái Lan 14 triệu.

(Nguồn: Hiệp hội Du lịch ASEAN - ASEANTA)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc: Nguồn khách “inbound” dồi dào nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO