Thụy Sĩ, quốc gia đẹp như tranh trên dãy núi Alpen hùng vĩ

Nguyễn Chí Hoài Nhơn (CHLB Đức)| 26/03/2022 06:00

Vượt qua dãy núi Alpen hùng vĩ, từ miền Bắc xuống tận phương Nam nước Thụy Sĩ. Lưu lại không được lâu bên Biển Hồ - Bodensee xinh đẹp với thành phố Konstanz, ngay biên giới Đức - Thụy Sĩ, đoàn 5 người chúng tôi phải tạm biệt chốn thơ mộng này để tiếp tục cuộc hành trình.

Thụy Sĩ, quốc gia đẹp như tranh trên dãy núi Alpen hùng vĩ

Thời tiết Hè - Thu bên châu Âu thật lý tưởng để đi du lịch. Bầu trời trong xanh, nhiệt độ vừa phải, ban ngày nắng ấm, chiều tối mát mẻ dễ chịu.

Từ trước đến nay, tôi đã vài lần vượt dãy núi Alpen cao ngất nhưng vượt bằng... máy bay hoặc xe lửa. Lần này là lần đầu tiên tự tay lái xe lên cao và vòng vèo qua vài trăm khúc cua tay áo, đi xuyên qua đất nước Thụy Sĩ theo chiều từ Bắc xuống Nam, nên trong lòng thoáng chút âu lo.

Bắt đầu hành trình là tạm biệt nước Đức để vào đất Thụy Sĩ ngay cây số đầu tiên bên cạnh thành phố Konstanz của Đức, sau đó chạy vài chục cây số ven theo bờ Tây của Biển Hồ, tiếng Đức gọi là Bodensee - biển trên đất liền, trên địa phận Thụy Sĩ. Đến cuối hồ, chúng ta sẽ đặt chân vào nước Áo, đi thêm vài chục cây số nữa, rồi tiến vào vương quốc Liechtenstein của dòng họ Hầu tước Hans Adams Đệ nhị von und zu Liechtenstein.

7-8717-1648106073.jpg

Hội hóa trang Karneval ở Konstanz vào dịp cuối mùa Đông mỗi năm

Cũng như ở Việt Nam thời phong kiến, bên châu Âu cũng có những tước vị được vua ban như Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Hiện nay Luxembourg có Đại Công tước Henri, Monaco có Hầu tước Albert Đệ nhị, Vương quốc Liechtenstein có Hầu tước Hans Adams Đệ nhị. Nhưng khác với Việt Nam xưa, bên châu Âu những tước vị này được cha truyền con nối.

Xin quay trở lại với hành trình của chúng ta. Đích đến của ngày hôm nay là thành phố Lugano bên hồ Lugano, biên giới giữa Thụy Sĩ và Ý, dưới chân phía Nam của dãy núi Alpen.

Những thị trấn của Thụy Sĩ nằm bên Biển Hồ - Bodensee như Kreuzlingen, Romanshorn, Arborn, Rorschach đều đẹp như  tranh vẽ. Dinh thự, nhà cửa đều được xây dựng theo quy hoạch chung, tuyệt đối không thấy nhà kiểu chung cư cao 30-40 tầng phá nát cảnh quan mặt nước quý báu. 

Chẳng mấy chốc đã để lại thành phố Konstanz, nước Đức và cả Biển Hồ - Bodensee sau lưng, bắt đầu vào địa phận nước Áo ở cửa khẩu Rheineck - Lustenau. Mặc dù chỉ cần dùng khoảng vài chục cây số xa lộ trên nước Áo, nhưng muốn chắc là không bị phạt nên tài xế phải mua con tem vignette, dán lên mặt kính xe bên trái để được phép sử dụng toàn bộ mạng lưới xa lộ rất tốt của nước Áo với giá tương đối dễ chịu: 10 ngày 10 euro (260.000 đồng), nếu 2 tháng sẽ trả 27 euro (700.000 đồng) và nếu dùng 1 năm thì tốn 90 euro  (2,34 triệu đồng). Tính ra rẻ hơn phí cầu đường ở Việt Nam rất nhiều.

Lượn lờ trên đất Áo chưa đến 40km, chúng tôi đi vào một quốc gia láng giềng khác: vương quốc tí hon Liechtenstein của ông Hầu tước Hans Adams Đệ nhị von und zu Liechtenstein.

Đây là vương quốc nhỏ, chỉ rộng 160km2, nằm gọn giữa hai nước Áo và Thụy Sĩ. Thượng nguồn con sông Rhein chảy 27km xuyên qua đất nước này, cũng là biên giới thiên nhiên của Liechtenstein và Thụy Sĩ. Dân số vương quốc này chỉ 38.500 người. Một phần ba cư dân là người ngoại quốc, chủ yếu là người Thụy Sĩ, Áo và Đức. Cũng dễ hiểu vì ở Liechtenstein dân chúng nói tiếng Đức như ở Áo và như phần lớn ở Thụy Sĩ.

2-5526-1648106073.jpg

Cửa khẩu ở Chiasso, biên giới Thụy Sĩ và Ý

Vaduz là thủ đô chính trị - văn hóa - tài chính. Ngoài công nghệ cao, xứ sở này giàu có nhờ biết làm rất tốt và rất "kín đáo" những dịch vụ liên quan đến tài chính ngân hàng. Thu nhập bình quân đầu người cao ngất ngưỡng, thuộc tốp đầu thế giới.

Ra khỏi vương quốc Liechtenstein, tách khỏi quốc lộ, tìm đường vào xa lộ để lái xe được thoải mái, an toàn. Phong cảnh hai bên đường thật kỳ thú: trời trong xanh không một gợn mây, núi non trùng trùng điệp điệp và toàn là những ngọn cao trên dưới 3.000m. 

Km133 - Chur, một trong những thành phố cổ xưa nhất của Thụy Sĩ, nằm gọn trong một thung lũng ở độ cao 600m, được bao quanh bằng những ngọn núi xấp xỉ 2.500m, thuộc tiểu bang Graubuenden phía Đông Thụy Sĩ, với 38.000 cư dân.

Thành phố có khu phố cổ - cũng là khu phố đi bộ gồm những con đường được lát đá và gạch, đan xen nhau không theo một hình dạng hoặc trật tự nào. Khách cứ thế lang thang từ ngõ này qua ngách khác, khám phá biết bao nhiêu chuyện hay. Chúng tôi tìm được một nhà hàng ngay đầu phố đi bộ, nghỉ chân giải khát và dùng bữa trưa trước khi tiếp tục leo đèo.

Alpen là dãy núi hùng vĩ, biên giới thiên nhiên chia cắt miền Trung với miền Nam châu Âu, hiệu quả hơn cả Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc vì cao đến 3.000m và hơn nữa, mùa Đông khí hậu khắc nghiệt, tuyết phủ dày tới vài thước, xe cộ không lưu thông được. Để khắc phục, các nước láng giềng chung quanh dãy Alpen là Pháp, Thụy Sĩ, Áo và Ý từ xưa đã cùng nhau xây dựng nhiều đường hầm xuyên núi để giao thông an toàn, thông suốt, kể cả trong mùa Đông băng tuyết.

10km phía Nam thành phố Chur có hầm xuyên núi Isla Bella chỉ dài 2.400m nhưng như báo hiệu cho biết chặng đường trước mặt sẽ gay go hiểm hóc hơn nhiều và đúng vậy. Để giảm góc cua, giảm nguy hiểm cho xe cộ lúc lưu thông ở chốn núi cao vực thẳm này, rất nhiều hầm ngắn xuyên núi được xây dựng, đếm không xuể.

Km200 - đường hầm xuyên núi San Bernadino dài 6.596m, nằm ở cao độ 2.066m. Chặng đường đèo leo qua núi San Bernadino, giữa những ngọn núi còn cao hơn nữa như đỉnh Einshorn 2.944m, đỉnh P. de la Lumbreida 2.983m, đỉnh Zapporthorn 3.152m, vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Mùa Đông băng tuyết trơn trượt nên phải cấm xe cộ lưu thông. Vì thế đường hầm San Bernadino được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1967, giải quyết được việc giao thông Nam - Bắc dãy Alpen trong mùa băng tuyết.

Km250 - Bellinzona. Đến đây chúng ta đã lăn bánh vào tiểu bang Ticino miền Nam Thụy Sĩ. Dân ở đây sử dụng tiếng Ý. 

Nhiều người thường cho rằng Thụy Sĩ dùng tiếng Pháp. Thật ra, quốc gia này sử dụng chính thức đến 4 thứ tiếng: 70% dân cư những vùng phía Bắc gần nước Đức và phía Đông gần nước Áo nói tiếng Đức. Hơn 20% dùng tiếng Pháp, chủ yếu ở phía Tây giáp biên giới với nước Pháp. Gần 10% dân số, sinh sống ở vùng cực Nam, dưới chân dãy Alpen, bên cạnh nước Ý, sử dụng tiếng Ý.

Chưa đến 1% dân số dùng nhưng vẫn được công nhận là ngôn ngữ chính thức, đó là Raetoromanisch - thứ ngôn ngữ chỉ còn được dùng trong những thung lũng thuộc vùng sâu vùng xa, nằm cách biệt nhau ở phía Đông Thụy Sĩ.

12-6342-1648106073.jpg

Bảo tàng ngoài trời ở thành phố Konstanz với những nhà cao cẳng giống như ở những vùng ngập mặn bên Việt Nam ta

Thành phố Bellinzona nằm gọn trong thung lũng bên cạnh sông Ticino, ở độ cao 238m, chỉ có 18.000 cư dân, khí hậu mát mẻ. Từ năm 2000 đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới với cụm 3 lâu đài: Castelgrande, Montebello và SassoCorbar.

Từ Bellinzona, chúng ta chuyển từ xa lộ A13 qua quốc lộ 13, đi thêm 30km nữa về hướng Nam để đến đích của hành trình hôm nay: thành phố Lugano, lớn nhất tiểu bang Ticino, nói tiếng Ý.

Km280 - Lugano. Các con đường trong phố toàn là đường dốc và quanh co, khúc khuỷu, xe ô tô của đoàn lại hơi lớn, cồng kềnh nên lái xe khá vất vả. Khách sạn nằm ngay trung tâm, gần bờ hồ, địa điểm quá tốt nhưng tìm cho được một chỗ đậu xe qua đêm rất khó khăn.

Lugano với 65.000 cư dân, ở độ cao 273m nằm dưới chân phía Nam của rặng Alpen, ảnh hưởng khí hậu ấm áp dễ chịu của Địa Trung Hải nên rất được du khách ưa chuộng.  

Vậy là sau một ngày đường, đoàn đã đi qua 4 quốc gia: Đức, Áo, Vương quốc Liechtenstein, Thụy Sĩ và đến Lugano, thành phố cực Nam của đất nước Thụy Sĩ, chỉ còn vài bước chân nữa là đến nước Ý! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thụy Sĩ, quốc gia đẹp như tranh trên dãy núi Alpen hùng vĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO