Thăm nơi an nghỉ của Hoàng hậu Nam Phương

Nguyễn Tuấn Quỳnh *| 19/07/2022 06:00

Qua Paris, tôi tìm cách viếng thăm mộ cựu hoàng hậu Nam Phương ở làng Chabrignac thuộc tỉnh Corrèze, miền Tây Nam nước Pháp.

Hoàng hậu Nam Phương tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914 tại Gò Công, con ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính. Bà là cháu ngoại ông Huyện Sỹ - một trong 4 người giàu nhất Nam Kỳ những năm đầu thế kỷ XX.

Năm 1926, Nguyễn Hữu Thị Lan, khi đó 12 tuổi, được gia đình cho sang Pháp học tại một trường nữ danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành. Tháng 9/1932, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, bà về nước.

-3429-1657596372.jpg

Tác giả bên mộ Hoàng hậu Nam Phương

Về Việt Nam được gần một năm, khi vua Bảo Đại lên nghỉ mát tại Đà Lạt, trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace, Nguyễn Hữu Thị Lan và Bảo Đại gặp nhau. Rồi người họ yêu nhau.

Khi vua Bảo Đại ngỏ ý cưới Nguyễn Hữu Thị Lan làm vợ, gia đình bà đã đưa ra 4 điều kiện: Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong hoàng hậu chánh cung sau ngày cưới, được giữ đạo Công giáo và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo và giữ đạo, phải được Tòa thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.

Đám cưới của vua Bảo Đại với Nguyễn Hữu Thị Lan diễn ra tại Huế ngày 20/3/1934. Ngay ngày hôm đó, Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong làm hoàng hậu với danh hiệu Nam Phương.

Ông Phạm Khắc Hòe - đồng lý ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại nhận xét Hoàng hậu Nam Phương là người kín đáo, trầm tĩnh, sâu sắc, thích đọc sách, nghiên cứu hơn là ăn chơi.

Khi lấy vua Bảo Đại, bà đã mang về nhà chồng 1 triệu franc - số tiền tương đương 100 triệu USD hiện tại. Nam Phương Hoàng hậu còn mua cho vua Bảo Đại một tòa lâu đài ở Maroc, 200ha đất ở Châu Phi để thỏa ý thích săn bắn.

Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại có với nhau 5 người con, 2 hoàng tử và 3 công chúa. 

Nam Phương Hoàng hậu còn là vị đệ nhất phu nhân Việt Nam đầu tiên được giao phụ trách các công việc xã hội, khuyến học, giúp đỡ người nghèo, đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Bà đã cho xây cô nhi viện, quan tâm các em bé mồ côi bị bỏ rơi. Ngày sinh nhật của bà là ngày tù nhân được xét tha trước thời hạn. Bà cùng với vua Bảo Đại khánh thành hai ngôi trường mô phỏng theo mô hình trường tư thục mà bà từng theo học tại Paris.

Trong khí thế Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Huế, Hoàng hậu Nam Phương đã thể hiện tinh thần yêu nước. Ngày 17/9/1945, Hoàng hậu là người đầu tiên đến nơi Mặt trận Việt Minh tổ chức “Tuần lễ vàng” tại Huế, tự nguyện tháo hết trang sức bằng vàng mang trên người hiến tặng cho cách mạng. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, hoàng hậu Nam Phương đã viết một thông điệp gửi cho bạn bè Á Châu đề nghị họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lược của Pháp. 

Đầu năm 1947, Nam Phương hoàng hậu cùng các con rời Việt Nam sang Pháp. Tại Pháp, Hoàng hậu được thừa kế một khối tài sản lớn do cha để lại. Thời gian đầu, mẹ con cựu hoàng hậu sống ở lâu đài Thorenc tại Cannes. 

Một người bạn tên André Mourand đọc trên báo thấy tin bán bất động sản ở vùng quê Chabrignac, cách Paris gần 460km, đã báo cho Nam Phương. Bà đến xem, quyết định mua ngay với giá 48 triệu franc. Đây là một trang trại lớn với 160 mẫu đất, có lâu đài Domain de la Perche và một đàn bò gần trăm con. Làng Chabrignac phong cảnh khá đẹp nhưng thời đó là nơi hẻo lánh, hầu như không mấy người biết đến. Vua Bảo Đại rất hiếm khi đến đây, một năm chỉ ghé qua một hai lần rồi lại đi ngay.

Căn bệnh tim của Nam Phương ngày càng nặng. Ngày 15/9/1963, bà lâm chung, các con ở xa, bên cạnh bà chỉ có hai người giúp việc. 

Đám tang bà Nam Phương được tổ chức theo nghi thức đạo Công giáo, chỉ có các hoàng tử, công chúa và một ít bạn bè thân thiết, trong đó có công chúa Như Lý, con gái vua Hàm Nghi sống ở Pháp.

Buổi chiều lộng gió giữa tháng 6/2022, tôi tìm đến nghĩa trang làng Chabrignac để viếng mộ Hoàng hậu Nam Phương. Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi. Mộ bà đơn giản, có tấm bia ghi “Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi mộ” bằng chữ Hán. Nắp đậy huyệt chỉ là một tấm bê tông phẳng phiu, có chạm nổi hình thánh giá và một tấm bia chìm đề hàng chữ “Sa Majesté Nam Phuong Impératrice d'Annam 1913-1963”. Trên nắp huyệt dựng một tấm bia khác đề rõ hơn “Ici repose l'Impératrice Nam Phuong, née Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao, 14.11.1913 - 15.09.1963”. (Nếu viết đúng, tên của bà là Nguyễn Hữu Thị Lan). Trên mộ còn có ảnh chân dung, hai phù điêu có hình bà lúc trẻ, rất đẹp.

Chúng tôi đến thăm lâu đài Domain de la Perche, nơi bà Nam Phương sống 5 năm cuối đời. Lâu đài chỉ cách nghĩa trang khoảng một kilômét. Cổng khóa, không thấy ai bên trong nên chỉ có thể quan sát từ ngoài. Bên trong là hai khối nhà, có lẽ được giữ nguyên như thời hoàng hậu Nam Phương còn sống. Con đường phía sau lâu đài được đặt tên là Rue de l'Impératrice - Bà Hoàng, như một sự ghi nhận dành cho Nam Phương Hoàng hậu.

Sinh thời, Nam Phương Hoàng hậu đã từng ngỏ ý được trở về Việt Nam để khi qua đời được an táng bên cạnh mộ thân sinh và thân mẫu ở Đà Lạt. Tuy nhiên, ý nguyện của bà không thành vì cựu hoàng Bảo Đại và các con của bà phản đối.

Trong khi đi lang thang, chúng tôi gặp một nhóm người Pháp. Họ ở đối diện với lâu đài Domaine de la Perche. Trong đó, có ông Marcel Boudy, 73 tuổi, cựu xã trưởng của Chabrignac. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, đến đây viếng mộ và thăm nhà Nam Phương hoàng hậu, ông Boudy vui vẻ kể lúc bà mất, ông mới 14 tuổi. Khi đó, cả khu vực này bị phong tỏa. Và khi đám tang diễn ra, không có mặt vua Bảo Đại. Ông còn cho biết thêm, Nam Phương Hoàng hậu là người vui vẻ, chân tình, bình dị, nên được mọi người cảm mến và kính trọng. Dân làng lấy làm vinh hạnh vì một làng nhỏ, hẻo lánh như Chabrignac có một công dân là một bà hoàng An Nam. 

Theo ông Boudy, quan tài của cựu hoàng hậu làm bằng kẽm để đưa về Việt Nam nhưng khi xin phép, chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm từ chối nên phải chôn cất tại nghĩa trang Chabrignac.

Đám tang Hoàng hậu Nam Phương diễn ra vào ngày 15/9/1963 không có mặt cựu hoàng Bảo Đại. Điều này cũng phù hợp với chia sẻ của bà thứ phi Mộng Điệp với hoàng tử Bảo Ân khi kể về vua Bảo Đại: "Nhà dì giống như cái trạm, hết tiền hay đau bệnh thì ngài mới về. Vì vậy khi Hoàng hậu Nam Phương qua đời, không ai biết ngài ở đâu để thông báo. Điều này làm ngài rất buồn và cứ băn khoăn trách móc dì mãi!".

Trong chuyến đi Pháp lần này, tôi đã ghé thăm mộ vua Bảo Đại, mộ vua Hàm Nghi táng chung cùng các công chúa, hoàng tử. Họ là một phần của lịch sử Việt Nam nhưng đang yên nghỉ ở nước Pháp xa xôi.

Mong một ngày không xa, những nhân vật lịch sử này được an táng ở quê nhà Việt Nam để con cháu thuận tiện thắp hương tưởng nhớ!

    (*) Tác giả là CEO Saigon Books

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thăm nơi an nghỉ của Hoàng hậu Nam Phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO