Những cánh chim sắt A340 sẽ hiếm dần

P. NGUYỄN DŨNG| 30/11/2018 03:00

Trong năm mới 2019, lĩnh vực vận chuyển hàng không dân dụng quốc tế sẽ tiếp tục chia tay với A340, những cánh chim sắt gắn 4 động cơ phản lực.

Những cánh chim sắt A340 sẽ hiếm dần

A340-300 của Edelweiss Air trên bầu trời TP.HCM - Ảh: Lưu Ngọc Tuấn

Đối với những ai yêu thích du hành bằng đường hàng không, hình ảnh loại máy bay từng một thời chở mình bay xa thật xa này đang trở thành quý hiếm.

Thời hoàng kim của A340...

Vài ba năm gần đây, những chiếc máy bay dòng A340 của các hãng Air France, Cathay Pacific, China Airlines đã không còn hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo tôi nhớ thì lần cuối máy bay A340 của Air France chở tôi bay từ Paris về TP.HCM là năm 2008 và A340 của Cathay Pacific chở tôi bay từ Hồng Kông đi Paris là năm 2013.

Vì thế tôi đã rất vui được "tái" trải nghiệm bầu không khí của chuyến bay liên lục địa trong cabin phía đầu mũi trên chiếc A340-300 của Edelweiss Air, hãng bay nhỏ trực thuộc Swiss Air (Thụy Sĩ), khai trương đường bay thẳng nối Zurich với TP.HCM vào ngày 16/11 vừa qua.

Dòng A340 gắn 4 động cơ phản lực thuộc loại máy bay thân rộng, tầm xa từng có một thời huy hoàng ở vai trò vừa là đối thủ cạnh tranh, vừa là chim sắt trợ lực cho "đàn chị” B747-400 ở những đường bay liên lục địa có lưu lượng hành khách dồi dào.

Từ tháng 3/1993, khi bắt đầu bay thương mại, dòng A340 có thể chở từ 375 hành khách đến 440 hàng khách (kiểu thân dài A340-600) và tùy theo từng kiểu máy bay, tầm hoạt động của A340 có thể từ 10.400km hoặc 12.400km và bay xa đến 17.000km.

Có phần thân ngắn hơn kiểu A340-600 nhưng chiếc A340-500 từng có thời gian là nhà vô địch ở cự ly bay xa liên lục địa, chỉ bị truất ngôi khi xuất hiện kiểu B777-200LR (viết tắt của longer range - tầm xa hơn). Với thiết kế 313 ghế, tầm hoạt động tối đa của nó là 17.000km.

Với kiểu này trong thời gian từ năm 2004 - 2013, Singapore Airlines đã phục vụ hành khách doanh nhân chuyến bay non-stop Singapore - New York (khoảng cách 15.344km). Trung tuần tháng 10 qua, hãng bay này đã bắt đầu tái khai thác đường bay thẳng ấy với loại máy bay mới Airbus A350-900 ULR (viết tắt của ultra long range - tầm cực xa).

Air France từng sử dụng A340-300 ở đường bay Paris - TP.HCM ảnh: P. Nguyễn Dũng

Air France từng sử dụng A340-300 ở đường bay Paris - TP.HCM ảnh: P. Nguyễn Dũng

A340 đang dần biến mất?

Nhìn chung, trong khoảng hơn hai thập niên, dòng A340 đã là gia đình máy bay khá thành công của nhà sản xuất Airbus, chủ yếu nhờ khai thác tốt, sinh lợi ở những đường bay xuyên đại dương, từ châu lục này đến châu lục khác. Nhưng theo quy luật tự nhiên, mọi thứ rồi cũng đến lúc phải kết thúc. Vào ngày 10/11/2011, Airbus chính thức thông báo ngừng sản xuất dòng A340.

Những yếu tố như giá nhiên liệu, công nghệ mới, vật liệu mới... gộp lại đã thành "tiếng chuông gọi hồn" cho dòng máy bay này, dần bị thay thế bởi các dòng máy bay 2 động cơ hiện đại và ít hao tốn nhiên liệu hơn như A350 XWB, B787 Dreamliner, B777LR và sắp tới là những kiểu 777X.

Ngày nhận thông báo ấy, tôi cảm thấy buồn, vì đã chứng kiến thời khắc chiếc A340-600 đầu tiên di chuyển nhẹ nhàng ra sân đỗ trong phức hợp nhà máy của Airbus gần sân bay quốc tế Toulouse, để trình diện giới nhà báo quốc tế chuyên viết về hàng không. Đó là vào trung tuần tháng 6/2001, tức chỉ 2 tháng sau khi nó bay thử nghiệm lần đầu. Kiểu A340-600 có thể chở 379 hành khách bay tầm 13.900km, ngang bằng với khả năng vận chuyển và tầm hoạt động của chiếc B747-400.

Trong quãng thời gian ngắn, với màu sắc và logo hãng Lufthansa (Đức), A340-600 từng là cánh chim sắt thân dài nhất với 75,36m (dài hơn 12m so với A340-400 và dài hơn 4m so với B747-400) hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cathay Pacific đã có nhiều năm khai thác dòng A340

Cathay Pacific đã có nhiều năm khai thác dòng A340

Trở về thời điểm tháng 10 qua, số liệu của Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) cho biết, hiện chỉ còn 60 chiếc A340-600 đang hoạt động thương mại với 6 hãng Iberia, Lufthansa, Mahan Air, South African Airways, Qatar Airways, Virgin Atlantic... Kiểu A340-600 đã bị loại khỏi bầu trời, bởi các chiếc A350-1000 (hai hãng đang khai thác kiểu này là Qatar Airways và Cathay Pacific).

Hai hãng từng khai thác nhiều chiếc A340 nhất là Lufthansa và Air France nay cũng đã có cách khai thác mới cho những cánh chim sắt này. Một số chiếc A340 của Air France được chuyển cho hãng vé rẻ trực thuộc Joon. Rất nhiều hãng bay châu Á đã không còn sử dụng A340, từ Emirates Airline đến Cathay Pacific, Thai Airways, Singapore Airlines. Riêng Lufthansa vẫn phải khai thác tối đa kiểu máy bay đã qua thời huy hoàng này (hiện còn sử dụng15 chiếc A340-300 và 17 chiếc A340-600).

Từ cuối tháng 10 qua, Lufthansa sử dụng máy bay khổng lồ, hai tầng A380-800 (509 ghế) thay cho các chiếc A340-600 (297 ghế) ở đường bay Munich - San Francisco. Ngược lại, đường bay Frankfurt - San Francisco sử dụng A340-600 thay cho A380-800 và đến tháng 3/2019 cũng sẽ chuyển từ A340-600 lên

Giường cho bé trên A340 của hãng vé rẻ Joon

Giường cho bé trên A340 của hãng vé rẻ Joon

A380-800 ở đường bay Munich - Los Angeles, và từ A380-800 xuống A340-600 ở đường bay Frankfurt - Los Angeles Nhưng dù sao Lufthansa vẫn phải quyết định mua máy bay mới để giảm thiểu chi phí khai thác cao do sử dụng nhiều máy bay cũ A340. Hãng đang chọn lựa giữa hai dòng B787 Dreamliner và A350 XWB.

Những hành khách Việt nhiều năm trước từng bay với A340 của Lufthansa từ TP.HCM quá cảnh Bangkok rồi bay đến Frankfurt (có thời gian ngắn bay đến Munich) không rõ rằng, hãng này nay thuộc Tập đoàn Lufthansa Group làm chủ không chỉ Austrian Airlines mà còn là hãng Swiss, tức hãng chủ chính của Edelweiss Air mới bắt đầu bay nối liền hai nước Thụy Sĩ  - Việt Nam. Và chính Swiss đã giao bốn chiếc A340-300 cho Edelweiss nâng cấp và khai thác ở các đường bay liên lục địa, trong đó có đường bay mới nối liền Thụy Sĩ - Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cánh chim sắt A340 sẽ hiếm dần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO