Lịch sử không bao giờ bị lãng quên

P.NGUYỄN DŨNG| 04/05/2010 09:27

Trong suốt 35 năm kể từ khi Sài Gòn được mang tên mới là Thành phố Hồ Chí Minh, có một địa chỉ hầu như không bao giờ vắng du khách: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, số 28 đường Võ Văn Tần.

Lịch sử không bao giờ bị lãng quên

Trong suốt 35 năm kể từ khi Sài Gòn được mang tên mới là Thành phố Hồ Chí Minh, có một địa chỉ hầu như không bao giờ vắng du khách: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, số 28 đường Võ Văn Tần.

Địa chỉ thu hút 10 triệu lượt khách

Đối với đông đảo du khách quốc tế đã đến thăm TP.HCM trong 35 năm qua thì đây là một địa chỉ rất nổi tiếng. Hầu như không có cuốn cẩm nang du lịch Việt Nam nào xuất bản ở các nước trên thế giới, các bài báo viết về du lịch TP.HCM quên nhắc đến địa chỉ này.

Ba cô gái người Mỹ và Anh thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Có thể nói, chỉ cần đứng hóng mát dưới tán cây cổ thụ cao to bên đường khoảng nửa tiếng là bạn có thể phần nào biết được Bảo tàng hôm nay có thu hút nhiều du khách hay không. Những chiếc xe ca, những chiếc van hơn chục chỗ cùng những chiếc mini-van 7 - 8 chỗ và những chiếc xe con 4 - 5 chỗ liên tục dừng lại đây đổ khách. Đó là những đoàn khách Nhật, Trung Quốc, Úc, Lào... và những tốp nam, nữ sinh viên đến từ Anh, Mỹ, Pháp, Đức... và cả những đoàn khách cựu chiến binh Việt Nam.

Họ đến đây để biết thế nào là “chuồng cọp”, là bom địa chấn BLU-82, là Skyraider, là F5 Freedom Fighter, là A37 Dragon Fly... Họ đến đây để chụp ảnh cỗ máy chém Guillotine, xe tăng M41, M48... và để đếm thử có bao nhiêu loại súng trường, tiểu liên, đại liên, đại bác đã được lính Pháp, lính Mỹ sử dụng tại Việt Nam. Nhưng họ đến đây còn để xem những bức ảnh nổi tiếng về cuộc chiến Việt Nam của những phóng viên ảnh chiến trường đã được lưu danh như Burrow, Huet...

Chiến trường Đông Dương đã lấy đi sinh mạng của 134 phóng viên mang 11 quốc tịch khác nhau. Và rồi họ ngắm tiếp rất nhiều bức tranh ca ngợi hòa bình, tác phẩm của các sinh viên, học sinh Việt Nam.

Những tấm vé (15.000 đồng/vé khách nước ngoài, 2.000 đồng/vé khách Việt Nam) liên tục được bán ra tặng kèm một tờ giới thiệu có in hàng chữ to, màu đỏ: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Thông tin cho biết, Bảo tàng được thành lập ngày 4/9/1975, tức chỉ bốn tháng sau ngày Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng.

Và từ ấy đến nay, ngày nào Bảo tàng cũng mở cửa đón khách từ 7 giờ 30 đến 17 giờ, không nghỉ ngày nào, kể cả trong thời gian dài trùng tu, tái sắp xếp vị trí các hiện vật trưng bày. Việc này cũng đang diễn ra để chuẩn bị kỷ niệm 35 năm ngày Sài Gòn giải phóng. Đáng kể hơn, trong hơn 30 năm hoạt động, Bảo tàng đã là điểm đến tham quan của hơn 10 triệu lượt khách.

Bài học từ chiến tranh

Một ngày trung tuần tháng Tư vừa qua, có ba thiếu nữ phương Tây góp phần tăng thêm số lượng du khách quốc tế đến với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Mười giờ sáng nhưng không khí rất oi bức, vài cái quạt treo tường không thể xua tan cái nóng trong không gian rộng lớn ở tầng một. Ba cô xem rất kỹ những bức ảnh, bản đồ, hiện vật trưng bày ở khu vực mô tả chứng tích tội ác và hậu quả chiến tranh. “Xem xong những bức ảnh này tôi mới hiểu vì sao từ Việt Nam trở về cậu tôi đã trở thành người lạnh lùng, ít nói, càng kín miệng hơn riêng về chuyện chiến tranh Việt Nam”, một cô kể.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh

Cô sinh ra và lớn lên ở Philadelphia, thành phố được gọi là cái nôi lịch sử lập quốc Hoa Kỳ. “Nhưng may là cậu tôi còn sống trở về với gia đình. Chiến tranh kinh khủng lắm và Việt Nam đã kinh qua chiến tranh, đang vươn lên nên bây giờ là một địa chỉ du lịch rất hấp dẫn”. Chỉ vào hai bạn nữ, cô nói tiếp, “Hai bạn này là người Anh, đến từ London. Chúng tôi vô tình trở thành bạn đồng hành khi đi xe ca từ Hà Nội đến vịnh Hạ Long”.

Cùng tuổi và cùng trải qua một năm học thực tế đời thường, họ đã quyết định cùng nhau đi xe đò từ Bắc vào Nam. “Có một vài du khách đã giới thiệu với chúng tôi Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM. Chiều hôm qua, chúng tôi mới đến thành phố, sáng nay chúng tôi đã có mặt ở đây”, một cô gái người Anh kể. “Đối với người Anh chúng tôi, chiến tranh đã lùi vào quá khứ 65 năm rồi nên tham quan bảo tàng này, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về sự kinh khủng của chiến tranh. Việt Nam các bạn đã vượt qua thời kinh khủng ấy nên tôi tin chắc các bạn rất quý hòa bình và sẽ thành công trong phát triển kinh tế, xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lịch sử không bao giờ bị lãng quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO