Hàn Quốc: Ba ngày, một câu hỏi

Ý NHI| 21/12/2012 09:12

Hàn Quốc có quá cực đoan khi "cấm tu sửa nhà cổ dưới mọi hình thức"? Hãy đến Jeju để có câu trả lời.

Hàn Quốc: Ba ngày, một câu hỏi

Hàn Quốc có quá cực đoan khi "cấm tu sửa nhà cổ dưới mọi hình thức"? Hãy đến Jeju để có câu trả lời.

Đọc E-paper

1. Lợi thế của Hàn Quốc là khí hậu bốn mùa nên phong cảnh tuyệt đẹp và mỗi mùa có một sức hút riêng. Chúng tôi đến Hàn Quốc vào giữa tháng 11 - thời điểm chuyển giao từ Thu sang Đông, nhiệt độ trung bình từ âm 2 độ đến âm 8 độ nhưng nắng vàng vẫn chói chang và cả thành phố Seoul ngập trong sắc đỏ, vàng rực rỡ của cây cỏ, rải rác đây đó là những hàng cây đang dần trụi lá, tạo cho Hàn Quốc một vẻ đẹp mùa Đông nên thơ, lãng mạn.

Song, ấn tượng đầu tiên của tôi về du lịch Hàn Quốc lại là Philip - một hướng dẫn viên người địa phương nói tiếng Anh khá dễ nghe. Trong suốt hành trình, anh không chỉ thể hiện là một người đại diện cho người dân Hàn Quốc mến khách, luôn tỏ ra quan tâm, chu đáo với mọi người từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc mua sắm, mà còn nỗ lực hết mình để truyền tải cho du khách hiểu cặn kẽ đời sống, con người, văn hóa, lịch sử của Hàn Quốc.

Jeju khác với hình dung của chúng tôi, tuy là một hòn đảo và là tỉnh nhỏ nhất của Hàn Quốc với chỉ 580 ngàn dân nhưng không hoang sơ, ngược lại Chính phủ Hàn Quốc đã biến hòn đảo này thành khu du lịch Hawaii của châu Á với những con đường sạch đẹp, thông thoáng và hạ tầng hoàn chỉnh.

Dọc hai bên đường đến Jeju là những rừng quýt vàng trĩu quả. Tuy không xa lạ với người Việt Nam, nhưng khi nhìn thấy những rừng quýt vàng ươm, được trồng và bảo quản rất đẹp mắt, không ai trong chúng tôi không muốn chụp vài tấm hình.

"Mùa này, rừng quýt trở thành một trong những điểm dừng chân của các đoàn khách du lịch. Tương tự, mùa hoa cải nở vàng rực cũng thu hút du khách háo hức đến chiêm ngưỡng, và ai đến đây mà chưa được ngắm hoa cải đều hứa hẹn sẽ phải đến lần nữa", anh Bá Tuấn, hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Vietravel, cho biết.

Dẫu mỏm đá hình đầu rồng, một cảnh đẹp thiên nhiên của Jeju không đâu có được, rất hấp dẫn, song mang đến cho chúng tôi sự khám phá thú vị lại là những đĩa bào ngư, bạch tuộc tươi sống thưởng thức tại chỗ với chút rượu Sochu.

Điều đáng nói là không có quá nhiều ngư dân bán hải sản tại đây nên chúng tôi có cảm giác công việc của họ không phải để mưu sinh, mà để phục vụ du khách, làm cho không khí ở đây nhộn nhịp hơn, phần nào giới thiệu với du khách nét văn hóa, phong tục của người dân trên đảo thời xưa với những phụ nữ chuyên làm nghề lặn biển và thú ẩm thực rất riêng của người Hàn Quốc: ăn hải sản sống.

Rời bãi biển, chúng tôi đến ngọn núi Hallasan cao nhất Hàn Quốc. Du khách ai cũng háo hức được lên tận đỉnh núi để ngắm hồ nước thiên nhiên tuyệt đẹp.

Tuy núi cao tới 1.950m nhưng không có những đoạn phải leo dốc với những tảng đá lởm chởm, gập ghềnh, thay vào đó là những bậc thang thoai thoải có lan can vịn chắc chắn giúp chúng tôi không khó chinh phục đỉnh núi. Dưới chân núi có nhiều hàng quán rất sạch sẽ, trật tự, hầu hết đồ lưu niệm bán ở đây đều là đặc sản của Jeju, đó là các vật dụng làm bằng đá, đặc biệt là tượng thần Harubang - vị thần biểu tượng của đảo.

Thác nước Jeong Bang tuy không hùng vĩ như những thác nước ở Việt Nam nhưng cơ sở hạ tầng và cảnh quan ở đây được đầu tư xây dựng rất tốt, đường dẫn vào thác rất đẹp và sạch, dọc đường có nhiều hoa cỏ, cây xanh và những cây cầu gỗ thơ mộng, tuy nhân tạo nhưng cũng đủ để du khách xuýt xoa và khoan khoái hít thở bầu không khí trong lành.

Đặc biệt, cứ cách vài chục mét lại có nhà vệ sinh rất sạch sẽ và nhân viên lau dọn liên tục. "Chỉ bấy nhiêu cũng đủ thấy nước bạn đầu tư cho du lịch quá tuyệt vời", một anh bạn trong đoàn nhận xét.

Trên đường đến làng dân tộc Songup, anh Bá Tuấn kể: "Người Hàn rất giỏi đưa văn hóa vào phim ảnh, rồi từ đó quảng bá du lịch. Bởi sau khi bộ phim Nàng Dae Jang Kum được quay tại đây, lập tức nơi đây trở thành điểm đến du lịch, mỗi năm lượng khách nước ngoài đến thăm Hàn Quốc và đảo Jeju tăng lên rõ rệt, và để gìn giữ nét văn hóa cổ xưa, chính phủ đã "cấm tu sửa các ngôi nhà cổ dưới mọi hình thức".

Ngoài tham quan làng cổ, du khách còn được tìm hiểu đời sống của cư dân bản địa với những ngôi nhà làm bằng đất sét và nghe kể chuyện về nỗi vất vả của người phụ nữ trên đảo thời xưa, họ phải đảm nhiệm tất cả các công việc nặng nhọc như gánh nước, giã gạo, lặn biển...

2. Đến Nami vào những ngày đầu mùa Đông, những rừng cây bắt đầu trút lá, tạo ra những con đường lá vàng như trải thảm, đẹp đến mê hồn. Khi những đợt gió Đông thổi mạnh, tấm thảm hoa cuộn bay trong gió, nhiều người trong đoàn bị choáng ngợp trước cảnh đẹp này đã nhảy cẫng lên, đuổi bắt những chiếc lá phong đang bay lượn trong không trung.

Đây đó, những đôi bạn trẻ, những nhóm gia đình, bè bạn cùng sánh bước hoặc vui đùa trên những thảm lá vàng. Thỉnh thoảng, những chiếc xe đạp đôi, có cả những chiếc xe đạp gia đình chở đôi vợ chồng trẻ và hai con nhỏ chầm chậm chạy qua, họ vừa đạp xe vừa cười đùa trông thật hạnh phúc.

Dù phong cảnh ở đây rất nên thơ, lãng mạn, song sự háo hức của chúng tôi trước khi đến đây chính là được đặt chân đến nơi là phim trường của bộ phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng: Bản tình ca mùa Đông. Phải nói nước bạn khai thác du lịch rất tốt, một tấm panô lớn chụp hình diễn viên được đặt ngay cổng ra vào, du khách nườm nượp xếp hàng đợi chụp hình.

Tôi còn nhớ, có người đã từng chia sẻ: "Nếu hiểu khái niệm điện ảnh du lịch là quảng bá hình ảnh đất nước, con người qua điện ảnh thì có rất nhiều bộ phim của Việt Nam đã làm được điều đó. Chỉ tiếc những bộ phim ấy không có nhiều cơ hội xuất hiện cả trong lẫn ngoài nước và không phải phim nào xem xong khán giả cũng biết những cảnh đẹp ấy ở đâu để du lịch tới đó. Ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể phối hợp với ngành văn hóa tổ chức nhiều hơn những tuần phim Việt Nam tại nước ngoài, kèm theo đó là những thông tin quảng bá du lịch". Vậy mà thật tiếc là đến giờ chúng ta vẫn chưa làm được.

3. Khi nghe giới thiệu sẽ đến cao nguyên Sorak - ngọn núi cao thứ ba tại Hàn Quốc với đỉnh cao nhất đạt 1.708m, nằm gần biên giới CHDCND Triều Tiên, hầu hết chúng tôi đều không mấy thích thú vì có vẻ nơi đây không nhộn nhịp như các điểm đến khác. Vậy mà, vừa đến chân núi, cảnh đẹp như tranh vẽ ở đây đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng.

Dù trời rét căm căm nhưng nhiều đoàn khách vẫn nối đuôi nhau xếp hàng để lên cáp treo, gồng mình hứng những đợt gió lạnh thấu xương để chinh phục đỉnh núi và tận mắt ngắm những bông tuyết trắng phau.

Tuy lượng khách khá đông nhưng việc tổ chức cho khách lên, xuống cáp treo vẫn rất trật tự và con đường lên núi dù ướt đẫm tuyết tan nhưng du khách vẫn cảm thấy an toàn vì toàn bộ các bậc thang đều được làm bằng gỗ có lót cao su để tránh trơn trượt.

Rời đỉnh núi, chúng tôi tản bộ đến ngôi chùa có tượng Phật bằng đồng nặng 108 tấn. Con đường đi bộ đến chùa xa thăm thẳm, bên tai là gió đông rít nhẹ hòa với tiếng lá cây xào xạc.

Anh hướng dẫn giải thích: "Đường đến chùa xa như vậy là cốt để người viếng chùa trong lúc đi bộ, ngắm cảnh vật hữu tình sẽ gột bỏ được những nặng nề trong cuộc sống đời thường và khi đến chùa sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhõm, thanh thản hơn".

Ông Phạm Xuân Hảo, Phó giám đốc Khối Du lịch nước ngoài của Vietravel, rất hồ hởi về tình hình kinh doanh tour Hàn Quốc: "Chúng tôi nhận trung bình 2 ngày một chuyến và hầu hết du khách đều chung một cảm nhận về cách làm du lịch của Hàn Quốc rất tốt và du khách rất hài lòng. Những người làm du lịch Hàn Quốc không chỉ giúp du khách thấy mà còn cảm được những gì đẹp nhất của đất nước này".

Ngẫm lại, du lịch không chỉ khai thác và tận hưởng cảnh đẹp tự có mà còn phải có sự đầu tư của con người sao cho thật tinh tế, an toàn mới có thể để lại cho du khách những ấn tượng đẹp và khiến họ còn muốn quay lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàn Quốc: Ba ngày, một câu hỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO