Dọc đường Famtrip

TRỌNG NGUYỄN| 26/06/2013 04:30

Đứng ở lưng chừng núi Tà Lơn của Campuchia nhìn ra biển, ta có thể thấy đảo Phú Quốc, và lên đến chùa Năm Thuyền, ta có thể bắt được sóng điện thoại Vina và Viettel của Việt Nam.

Dọc đường Famtrip

Đứng ở lưng chừng núi Tà Lơn của Campuchia nhìn ra biển, ta có thể thấy đảo Phú Quốc, và lên đến chùa Năm Thuyền, ta có thể bắt được sóng điện thoại Vina và Viettel của Việt Nam.

Đường biên đơn giản

Cửa khẩu Campuchia

Chuyến xe khởi hành sớm, khoảng 7 giờ sáng chúng tôi đã có mặt ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Cửa khẩu Mộc Bài sau cơn mưa đêm trời xanh và mát, hàng cây osaka lủng lẳng những chùm bông vàng tươi xen lẫn với màu đỏ thẫm của hoa vông kê dọc hai bên đường qua biên giới như chào đón và đưa tiễn khách đi về giữa hai quốc gia.

Trước chúng tôi đã có hàng chục xe tải, xe khách với hàng trăm người đang nhộn nhịp làm thủ tục qua đường biên. Một đoàn caravan gồm những chiếc xe sang trọng bóng loáng vẽ cờ các nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan đang từ từ lăn bánh qua đường ranh giữa 2 nước.

Đoàn Famtrip do Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông và Báo Pháp luật TP. Hồ chí Minh phối hợp tổ chức gồm 20 nhà báo và những người hoạt động du lịch được thực hiện thủ tục hải quan một cách nhanh chóng và lần lượt trở lên xe tiến qua bên kia biên giới.

Đường biên giới phân chia lãnh thổ giữa hai nước chỉ đơn giản được kéo bằng một hàng rào xếp di động nhưng hình như không đóng bao giờ kể từ khi bãi bỏ việc cấp thị thực cho công dân của các nước trong khối ASEAN.

Từ cổng biên giới nhìn sang cửa khẩu nước bạn ta thấy rõ bản sắc văn hóa Khmer đậm nét qua kiến trúc cổng chào và nhà làm việc của hải quan, tạo ấn tượng hoành tráng và có sức thu hút khách nước ngoài ngay từ địa đầu của đất nước.

Qua cửa khẩu nước bạn, khách không phải xuống xe mà một cán bộ hải quan Campuchia lên xe kiểm tra số người và đối chiếu với hộ chiếu thế là xong. Thủ tục xuất cảnh nước ta và nhập cảnh nước bạn hết sức đơn giản.

Xe đi sâu vào đất Campchia, chỉ sau lưng cửa khẩu vài trăm mét là những tòa nhà kiến trúc theo kiểu phương Tây chưa phải to lớn lắm nhưng không kém phần khang trang, tráng lệ. Đó là những sòng bài quốc tế, trên cao có hàng chữ CASSINO được trang trí bắt mắt. Nghe nói Chính phủ Campuchia không khuyến khích người dân nước họ vào đây.

Vị trí khu sòng bài này cũng không tiện đường cho khách phương Tây và các nước khác ghé lại. Và cũng nghe nói phần lớn khách chơi trò may rủi ở nơi đây là người Việt - cả đại gia lẫn chưa phải đại gia, không chỉ người lớn mà có cả một số nữ sinh viên, bởi đã qua bên kia biên giới thì luật pháp và các biện pháp hành chính của Việt Nam không còn chi phối trực tiếp được nữa.

Thế nên mới có tình trạng ngoại tệ chảy qua bên kia và bác thằng bần lững thững đi ngược về bên này…

Giao thông an toàn

Cách đây hơn 20 năm, tôi đã có dịp đi trên quốc lộ từ Mộc Bài qua Niết Lương về Phnom Penh. Con đường lúc ấy lở lói đầy những ổ gà và cứ một đoạn ngắn lại có một rãnh đào ngang qua đường để ngăn bước hành tiến của xe tăng và các loại xe quân sự, đã được công binh Việt Nam lấp tạm bằng đất ruộng ở hai bên đường.

Nay đã là một quốc lộ rộng rãi, mặt đường trải nhựa nóng bêtông phẳng phiu với các vạch phân làn và các tín hiệu giao thông…

Du khách chụp hình bên bờ biển Sihanoukville

Con đường chạy qua các làng quê yên bình, các thị trấn mua bán sầm uất cho ta cảm giác một quốc lộ hiện đại, và cái thời diệt chủng đau khổ của một dân tộc đã lùi về quá khứ xa...

Cũng là một xứ sở có nguồn gốc văn minh lúa nước nhưng có lẽ kỹ thuật canh tác nông nghiệp của Campuchia chưa phát triển bằng Việt Nam và các nước ASEAN khác. Thế cho nên, chúng ta vừa ngắm những cánh đồng lúa thì con gái xanh mát quanh công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng nhưng qua khỏi biên giới là chạm mắt vào hình ảnh những cánh đồng khô cạn với lác đác những cụm, những cây thốt nốt chạy mãi tới những làng quê xa mù…
Ở làng quê Việt Nam là những con bò vàng thì ở đây toàn bò trắng. Đi suốt xuống miền nam Campuchia, ta cũng chỉ gặp toàn những chú bò màu trắng được thả rông trên những cánh đồng cạn.

Trên đường nhiều loại phương tiện từ thô sơ cho đến hiện đại, nhưng những người lái xe chạy cẩn thận, nhường nhau khá trật tự cho ta cảm giác an toàn. Hình như văn hóa giao thông của người dân nước bạn tốt hơn ở ta. Xe ô tô rất nhiều, phần lớn là các loại xe sang.

Tìm hiểu thì được biết rằng chính sách thuế đã vô tình khuyến khích người dân nhập khẩu xe cao cấp. Một chiếc Lexus 7 chỗ còn bóng láng nhưng giá chỉ khoảng mười ngàn đô Mỹ.

Phố cảng sầm uất

Vượt 250km từ Sài Gòn, chúng tôi đến Phnom Penh đúng giờ ăn trưa, nghỉ ngơi một chút lại lên đường. Những câu chuyện tiếu lâm làm mọi người quên đường dài. Đúng 6 giờ chiều xe đến Shihanoukville, trời se lạnh và mưa bay nhè nhẹ.

Đoàn đến dâng hương và đặt hoa tại đài liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất cảng nước bạn. Sihanoukville là một thành phố cảng nằm về phía nam Campuchia bên bờ vịnh Thái Lan.

Một góc Shihanoukville
Thành phố mang tên cựu Quốc vương Norodom Sihanouk là một thành phố có cảng nước sâu duy nhất của đất nước chùa tháp. Biển ở đây lặng gió nên sóng nhẹ, bãi biển đẹp.

Trong những năm Việt Nam chống Mỹ, thời kỳ Sihanouk nắm quyền lãnh đạo đất nước Campuchia, cảng Sihanoukville đã bí mật tiếp nhận vũ khí, đạn dược, thuốc men từ miền Bắc Việt Nam để tiếp tế cho mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nnam.

Ngày nay, bên cạnh sản phẩm bia Angkor nổi tiếng của cả nước, thành phố còn có một số cơ sở sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, người dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, nghề biển và du lịch.

Hiện có hàng chục dự án du lịch đang hình thành, đáng kể nhất là khu resort Sokha của ông Sáu Cò - một Việt kiều giàu nhất Campuchia; dự án của Hàn Quốc và dự án bắc cầu vượt biển qua đảo rắn của Nga.

Do bờ biển nhìn về hướng tây nên du khách đến Sihanoukville không thể ngắm bình minh trên biển, mà sẽ được ngắm những buổi hoàng hôn trên biển tuyệt đẹp. Với cảng nước sâu, biển đẹp, quỹ đất dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú, chính sách thông thoáng của chính phủ, những năm tới, các thành phố lân cận trong khu vực có thể sẽ khó mà cạnh tranh với Sihanoukville.

Đỉnh núi linh thiêng

Đoàn Famtrip chụp hình lưu niệm

Rời Sihanoukville, chúng tôi đến núi Bokor qua cung đường 120km trên quốc lộ số 3. Điểm đến cuối cùng của chương trình Famtrip là núi Bokor hay núi Tà Lơn - một địa danh nổi tiếng đối với người dân các nước xung quanh bởi theo tâm linh thì nơi đây khí thiêng tụ hội.

Đỉnh núi Tà Lơn ngày xưa là nơi tu luyện phép thuật của nhiều pháp sư các nước. Theo một số tài liệu thì vào thế kỷ XIX, một số người Việt như Huỳnh Phú Sổ - giáo chủ Hòa Hảo, Ngô Văn Chiêu - người khai sáng đạo Cao Đài, rồi Nguyễn Thành Nam - đạo Dừa… đã từng tu luyện ở ngọn núi thiêng này.

Những truyền thuyết huyền thoại gắn liền với Tà Lơn như Tượng nữ thần dì Mâu luôn dõi mắt ra biển để phù hộ cho tàu thuyền đi lại an toàn; Chùa 5 Thuyền với truyền thuyết về nguồn gốc của dân tộc Campuchia; Điện Minh Châu, Trung Tòa, Lan Thiên là những nơi linh thiêng mà người Khmer và người Việt thường đến thăm viếng, cúng bái.

Ngày nay ông Sáu Cò - tiếng Campuchia gọi là ông Soc Kung đã nhận 140.000ha trên núi để xây dựng dự án khu dân cư mới gồm trên 3.000 ngôi biệt thự, hàng chục khách sạn, nhà hàng, khu thể thao, khu vui chơi giải trí, một sòng bài lớn nhất Campuchia với độ cao 1.080m so với mặt biển, sương mù bảng lảng quanh năm, 32km đường hiện đại nối từ quốc lộ lên đỉnh núi đẹp như quốc lộ các nước châu Âu.

Điều thú vị là dừng xe ở lưng chừng núi nhìn ra biển, ta có thể thấy đảo Phú Quốc, và lên đến chùa Năm Thuyền, ta có thể bắt được sóng điện thoại Vina và Viettel của Việt Nam.

Ông Trương Đức Hải - Giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông cho rằng: “Nếu chính phủ 2 nước cho phép nối tuyến du lịch Phú Quốc với Bokor thì loại hình du lịch inbound và outbound giữa 2 nước sẽ trở nên thuận tiện và sôi động hơn nhiều. Và những nhà hoạt động du lịch Việt Nam cần suy nghĩ ngay từ bây giờ để không bị động về thị trường khách trước mắt, nhất là khi thị trường chung ASEAN hình thành sau này”.

Thị trường du lịch giữa Việt Nam với Campuchia nói riêng và cả khối ASEAN nói chung đang ngày càng sôi động. Chúng ta hy vọng những tour như thế này không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi nước mà sẽ đem lại lợi ích chung cả một khu vực quan trọng của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dọc đường Famtrip
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO