Đi chợ xứ Quảng ở Sài Gòn

16/05/2013 04:39

Chợ đã hình thành một nét khác biệt, độc đáo giữa lòng Sài Gòn.

Đi chợ xứ Quảng ở Sài Gòn

Chợ đã hình thành một nét khác biệt, độc đáo giữa lòng Sài Gòn.

Chợ Bà Hoa được đặt theo tên của một phụ nữ 45 năm trước đã mua đất và lập chợ cho lưu dân xứ Quảng mưu sinh. Theo thời gian, chợ đã hình thành một nét khác biệt, độc đáo giữa lòng Sài Gòn.

Quê nhà thu nhỏ của người Quảng

Mới 8 giờ sáng Chủ nhật, khách đã đến hỏi mua ốc gạo, bà Nhẫn nhanh tay đong cho khách một lon với giá 8.000 đồng. “Nhiều người thích lễ (dùng chiếc gai nhỏ hoặc kim để khêu ruột ốc) loại ốc ni và lễ rất nhanh, một giờ lễ được cả 2 lon đó cô”, một chị ngồi bán bánh rò, bánh in ở bên cạnh cười, góp lời.

Nhìn mâm ốc gạo của bà Nhẫn và cả nhóm các bà các chị tiểu thương ngồi tụm 5 tụm 3 để lễ những con ốc biển nhỏ xíu được gửi từ các vùng biển Sơn Trà, Mỹ Khê, Chu Lai… và nói chuyện rổn rảng bằng giọng Quảng đặt sệt, tôi hình dung ra được phần nào nỗi nhớ quê hương của họ.

Bà Nhẫn năm nay đã 75 tuổi, quê huyện Quế Sơn (Quảng Nam), vào Sài Gòn lập nghiệp từ những năm 1970, khi mới lấy chồng. Bà nói, một phần đời quan trọng của bà đã gắn bó với ngôi chợ này. Nó như một quê hương thu nhỏ. Đi rồi mới thấy, ẩm thực vùng miền có ảnh hưởng sâu đậm thế nào đến những người con xa xứ.

Nhớ quê, họ không nói nhớ mà nói nhớ trái ớt xanh giòn, cay xé lưỡi lại đượm vị ngọt kia ăn cùng món mì quảng là tuyệt cú mèo. Họ ra chợ gặp đồng hương, nói chuyện quê và ăn món ốc quê. Đối với họ, những hôm đi chợ nhâm nhi món quê, mua đồ quê là giống như được về quê vậy.

Ở góc phía Nam chợ, hai chị em bé Linh và Hà đang quạt than nướng bánh tráng. Từng đôi bánh tráng đều đặn được 2 em lật qua lật lại cho đến khi phồng lên giòn rộm trên mấy chiếc bếp than hồng.

Hỏi em mỗi ngày nướng bao nhiêu chiếc bánh. Linh vừa quệt mồ hôi vừa nói: “Tính bao nhiêu chồng chớ không tính cái. Chắc cũng khoảng ba bốn chục chồng”. Mỗi chồng bánh khoảng 20 cái, trung bình mỗi ngày, mỗi em phải nướng đến 600-700 bánh.

Cửa hàng bán bánh tráng Tân Hội An của cô Nguyễn Thị Bông, người Duy Xuyên, vẫn còn giữ nguyên giọng quê Vĩnh Điện hơi khó nghe, cô hồ hởi: “Mần ăn quanh năm suốt tháng, không bao giờ ế khách. Món bánh tráng ni tui cung cấp sỉ và lẻ khắp ngõ Sài Gòn”.

Một gian hàng khác của chị Huệ, bày bán đủ thứ bánh xứ Quảng như bánh in, bánh nổ, khoai lang khô, xôi đường, bánh giò, bánh ú, khiến nhiều khách đến chợ không khỏi rưng rưng nhớ lại ngày thơ bé của mình.

Chị Huệ cho biết đã vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán bánh quê từ 30 năm trước. Dành dụm rồi sang được sạp bán tại chợ Bà Hoa từ 20 năm nay.

Ngôi chợ nhân duyên 3 miền

Điều đặc biệt là tất cả các món ăn, nguyên liệu từ cọng rau húng, rau thơm, quả ớt xanh, hạt nén… được bày bán tại ngôi chợ này đều có xuất xứ từ xứ Quảng (Quảng Nam và Quảng Ngãi). Một số loại cá tươi cũng được mang vào từ vùng biển Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết vào.

Tôi gọi chợ Bà Hoa là mối nhân duyên của cả 3 miền, không riêng gì miền Trung. Theo một số thông tin, bà Hoa vốn gốc Bắc, di cư vào Nam từ năm 1954, dừng chân ở khu vực Bảy Hiền, nơi tập trung nhiều cư dân gốc Quảng, chuyên kinh doanh buôn bán sợi dệt từ vùng quê Duy Xuyên đưa vào.

Người Duy Xuyên ở Quảng Nam có nghề truyền thống nuôi tằm dệt vải. Người dân ở đây thường ngâm nga: “Sớm Duy Xuyên tơ vàng giăng nghẽn lối” chỉ sự trù phú giàu có cùng vùng đất chuyên nuôi tằm dệt lụa nổi tiếng một thời này.

Người ta không còn nhớ bà Hoa từng kinh doanh mặt hàng gì. Nhưng họ nhớ rõ năm 1967, bà đã mua một miếng đất trũng thuộc giáo xứ Đắc Lộ, cất chợ rồi phân lô cho thuê để các tiểu thương có nơi “che mưa che nắng” yên tâm buôn bán.

Ban đầu, chợ có hình chữ nhật, 4 hướng quay mặt ra 4 con đường lớn. Người ở đây lâu năm kể lại, hồi đó, bà có tư duy buôn bán phải tiến ra mặt tiền mới lên được.

Do chợ được xây dựng ngay trên vùng đất tập trung đông lưu dân đến từ xứ Quảng, nên lâu dần, hình thành nên chợ có “cá tính” của người Quảng. Và người ta cũng lấy tên bà Hoa đặt tên chợ từ đó.

Ông Tư, người tự xưng là sống một đời ở chợ, cho biết bà Hoa ban đầu có tên là Linh Hoa, Linh là tên của người chồng, nhưng sau khi ông Linh mất, người ta gọi thành chợ Bà Hoa.

Có mặt sớm nhất ở ngôi chợ này với thâm niên trên 40 năm có lẽ là bà Nguyễn Thị Sơn bán hàng mắm, đường ở góc phía Bắc của chợ. Bà Sơn kể đã bán ở đây từ năm 1972, lúc chợ mới được hình thành.

“Bà Hoa mới lập chợ là tui đã ngồi bán đây rồi. Bà Hoa người phúc hậu lắm, sau 1975 bà đi Mỹ nhưng lâu lâu lại về ghé thăm chợ, thăm bà con. Bà già lắm rồi, có khi cũng đã gần 90 tuổi nhưng lần về gần đây nhất còn tập trung mấy người hồi xưa chụp hình quay phim nữa. Biết ai khó khăn, bà cũng giúp cho đôi chút”.

Bà Sơn quê ở huyện Duy Xuyên, năm nay 70 tuổi, có 9 người con gồm 6 trai 3 gái. Bà kể lúc vô đây mới 30 tuổi: “Thời đó chiến tranh tao loạn nên có một chỗ ngồi bán ở góc chợ yên ổn qua ngày để nuôi con cái là tốt quá rồi”.

Gia đình bà, kể cả con dâu, con gái và cháu ngoại, đã có 3 đời gắn bó làm ăn tại ngôi chợ này. Tay bà thoăn thoắt đong mắm cho khách mà miệng vẫn kể vanh vách chuyện đời xưa đời nay mình từng chứng kiến tại ngôi chợ này. Bà Sơn cho biết nhiều du khách cứ tìm đến quầy của bà để chụp hình.

Dạo hết chợ đã mỏi chân, tôi ghé vào một quán ở góc chợ đang chộn rộn nhiều thực khách ngồi trước những tô mì Quảng. Và tôi hoàn toàn yên tâm với món ăn dân dã này, được làm ra từ những nguyên liệu rặt xứ Quảng.

Nhìn lên thấy bảng tên “Chợ Phường 11” tự nhiên thấy chán quá. Mang cái tên chợ này đi hỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, chẳng ai biết. Chợt nghĩ, một ngôi chợ truyền thống mang đậm nét miền Trung này nên được giữ cái tên cũ, như lịch sử và rất nhiều người đã biết: Chợ Bà Hoa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đi chợ xứ Quảng ở Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO