Cung điện nước ở Istanbul

P. NGUYỄN DŨNG| 29/09/2013 08:42

Khởi hành từ TP.HCM với hãng Turkish Airlines, sau chuyến bay đêm, bạn sẽ đặt chân xuống sân bay quốc tế Ataturk của Istanbul.

Cung điện nước ở Istanbul

Khởi hành từ TP.HCM với hãng Turkish Airlines, sau chuyến bay đêm, bạn sẽ đặt chân xuống sân bay quốc tế Ataturk của Istanbul. Tại thành phố là điểm giao tiếp châu Âu và châu Á mà hồi cuối tháng 5 vừa qua đã mừng 560 năm được mang tên Istanbul (trước đó là thành phố Constantinople), chắc chắn bạn sẽ có cơ hội tham quan Cung điện nước. Đây sẽ là một cuộc khám phá xứng đáng trong thời điểm Tổ chức Du lịch Thế giới kêu gọi mọi du khách góp phần bảo vệ nguồn nước.

Đọc E-paper

Cung điện nước và rừng cột cao 9m

>>Cổ tích sa mạc Oman
>>Đến Nam Kinh, tìm được Ô Y hạng trong thơ Quách Tấn
>>
Lucca, thành cổ nước Ý
>>Những chuyến tàu không ngủ
>>
Tìm lại vàng son trên con đường tơ lụa

Chắc không có du khách nào đến Istanbul mà lại bỏ qua Cung điện nước. Vì nó tọa lạc rất gần với những địa chỉ du lịch nổi tiếng nhất của Istanbul, tập trung trong khu vực nay có tên là quận Sutanahmet, gồm: Hippodrome, một quảng trường đua ngựa thời La Mã xa xưa; Hagia Sophia, một đại giáo đường Kytô giáo chuyển thành giáo đường Hồi giáo và nay là một bảo tàng quốc gia; lăng mộ vua Ahmet; cung điện Topkapi...

Người Thổ gọi Cung điện nước là Yerebatan Sarayi, tức Cung điện ngầm dưới lòng đất. Cũng có người gọi nó là Đền thờ xì-tẹc nước và cũng có người gọi nó Cung điện chìm trong làn nước (Yerebatan Saray Sarnici).

Nhưng có lẽ tên gọi Cung điện nước là hợp lý, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Vì đây chính là một kiến trúc rất hoành tráng với công dụng duy nhất là trữ nước sạch để phục vụ cho sinh hoạt của người dân quanh đó và cho việc dọn dẹp vệ sinh tại các giáo đường, đền đài.

Thực ra ở khắp Istanbul còn có hằng trăm hầm ngầm trữ nước khác, xây dựng từ thời Đế chế La Mã Byzantin, nhưng đây chính là xì-tẹc nước lớn nhất, còn nguyên vẹn.

Trong các tháng Hè, Cung điện nước mở cửa đón khách tham quan từ 9g sáng đến 6g30 chiều. Vào mùa Đông, cánh cửa sắt khép lại sớm hơn, lúc 5g30 chiều.

Đến đây vào giữa mùa nóng bức, bạn có từ 45 phút đến 60 phút mát rượi dưới lòng đất đầy nước sạch. Cảm giác khoan khoái ngay sau khi bạn bước xuống các bậc thang bằng đá.

Và rồi bạn cảm thấy ngỡ ngàng khi hiện ra trước mắt một công trình kiến trúc thật độc đáo. Ắt hẳn bạn sẽ thắc mắc làm sao người xưa đã tạo nên một kỳ tác như vậy?

Du khách chuẩn bị khám phá Istanbul - ảnh: Ng.Dũng

Cung điện ngầm trữ nước này được xây dựng vào năm 532 sau Công nguyên, dưới thời Hoàng đế Justinian I. Nó dài 143m, ngang 70m, là bể chứa khoảng 80.000m3 nước.

Toàn phần trần của xì-tẹc nước khổng lồ này được chống đỡ bởi 336 cột đá lớn, tạo nên những mái vòm đẹp mắt, tưởng chỉ có thể trông thấy trong những ngôi giáo đường, nhà tu ở châu Âu. Trên đầu du khách là quảng trường Stoa.

Nước sạch được dẫn vào đây qua hai cây cầu dẫn thủy cộng chung dài 20km nối liền vào một hồ trữ nước lộ thiên ở gần bờ Hắc Hải. Ở bức tường phía đông, một loạt những ống dẫn nhỏ khác, sắp xếp ở những độ cao khác nhau để dẫn nước đến các đền đài, dinh thự.

Những bức tường bao bọc không gian này cũng đáng được gọi là những kiệt tác vì dày 3,5m, làm bằng gạch đất nung đỏ có phủ lớp vữa đặc biệt có khả năng chống thấm bền bỉ với thời gian.

Ngày xưa, người dân sinh sống trong những căn nhà quanh đó chỉ cần dùng dây và thùng thả xuống cái miệng giếng tròn khoét nơi sàn nhà là đã có thể lấy nước sạch để nấu nướng, giải khát. Thỉnh thoảng họ còn bắt được cá.

Từ năm 1985-1988, xì-tẹc ngầm dưới lòng đất này trải qua một cuộc tẩy uế, sửa chữa. Nước dơ tồn ứ hàng trăm năm được hút lên, hơn 50.000 tấn bùn nhão được vét sạch.

Một hệ thống bục gỗ được ráp trên một phần diện tích nước làm đường bộ cho khách tham quan. Ngày nay, khách có thể nhúng tay vào làn nước mát lạnh và sạch trong, qua những dàn đèn chiếu xuống, ai tinh mắt có thể trông thấy đàn cá bơi tung tăng qua lại. Thời hiện đại, không gian ngầm này còn là nơi diễn ra các buổi hòa nhạc cổ điển.

Tượng đầu Medusa lộn ngược

336 cột đá cao 9m được chia thành 12 dãy, mỗi dãy 28 cột và cột này cách cột kia gần 5m. Theo các nhà khảo cổ, những cột đá này không cùng nguồn gốc xuất sứ, chắc phải là "hàng second-hand" đã được thu gom tái sử dụng từ những cột đá, tường đá ở những kiến trúc cổ xưa trước đây đã rất lâu.

Hãy nhớ rẽ sang cánh trái của Cung điện nước ngầm, đi tuốt về phía cuối thì bạn sẽ nhìn thấy hai cây cột rất đặc biệt với tượng đầu Medusa. Theo thần thoại Hy Lạp, Medusa là một tạo vật đầu người tóc rắn, ai nhìn đến sẽ chết đứng như tượng đá.

Ở một cột, đầu Medusa khắc lộn ngược vào phần chân cột và ở cột kia, đầu hơi nghiêng sang một bên. Người ta tin rằng khắc chạm hình ảnh đầu Medusa là cách hay nhất xua đuổi ma quỷ.

Qua thời hiện đại, từ những năm 1960 đến nay, Cung điện nước ở Istanbul đã nhiều lần xuất hiện trong các phim truyện, video game và mới đây còn được tác giả Dan Brown mô tả khá kỹ ở phần cuối cuốn tiểu thuyết trinh thám bán chạy Inferno (Hỏa ngục) mới xuất bản hồi trung tuần tháng 5/2013.

Từ Byzance qua Constantinople đến Istanbul

* Năm 330 sau Công nguyên, Hoàng đế Constantin Cả cho xây dựng kinh thành Constantinople trên nền tảng ngôi làng Byzantium đã hiện hữu từ thời Hy Lạp

* Giống như Rome, kinh thành Constantinople cũng tọa lạc ở nơi có 7 ngọn đồi bao quanh, chia thành 14 quận, được bảo vệ bởi những lớp tường thành rất kiên cố dài hơn 12 dặm

* Giữa thế kỷ XIV, dịch hạch bùng phát sát hại 50% cư dân thành Constantinnople

* Ngày 29/5/1453, sau 7 tuần vây hãm, khoảng 250.000 quân Ottoman Thổ dưới sự chỉ huy của Vua Mehmed II chiếm được Constantinople, Hoàng đế Constantin XI tử trận, Đế chế La Mã Byzantin không còn nữa. Constantinople trở thành Istanbul

* Năm 2012, Istanbul đón hơn 11,6 triệu du khách, xếp hạng 5 trong 10 thành phố thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cung điện nước ở Istanbul
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO