Campuchia: Mười năm trở lại

NGUYỄN ANH| 12/02/2016 06:30

Cuộc vật lộn, bấp bênh và kéo co giữa chiếc Lexus và cây ô liu ở Campuchia, đại diện cho phát triển và trì trệ, dường như có phần thắng đang nghiêng về những chiếc xe Lexus...

Campuchia: Mười năm trở lại

Cuộc vật lộn, bấp bênh và kéo co giữa chiếc Lexus và cây ô liu ở Campuchia, đại diện cho phát triển và trì trệ, dường như có phần thắng đang nghiêng về những chiếc xe Lexus... 

Đọc E-paper

Mười năm trước, chúng tôi là nhóm học viên trẻ của khóa học do Quỹ Tưởng niệm Đông Dương (IMMF) tổ chức tại Thái Lan. Được đào tạo cùng chúng tôi là nhóm ba học viên người Campuchia từ các tờ báo như Cambodia Daily, The Phnom Penh Post. Ấn tượng về những học viên Campuchia là sự rụt rè và khép kín so với các học viên Thái, Lào, Việt Nam hay Myanmar.

Về sự khép kín của họ, chúng tôi tự giải thích về một Campuchia chậm phát triển, đang rụt rè với thế giới bên ngoài. Điều này được chúng tôi trải nghiệm qua chuyến đi xuyên Campuchia từ PhnomPenh lên tới Siem Reap bằng chuyến xe du lịch đầu tiên được đi thẳng từ Việt Nam qua Campuchia của Công ty Du lịch Hòa Bình.

Chúng tôi đã gặp rất nhiều những thanh niên như những người bạn Campuchia của chúng tôi tại IMMF: nghèo, rụt rè và khép kín. Và nhớ nhất là hình ảnh trong cái nắng gay gắt, những người nghèo chạy thảng thốt theo chiếc xe du lịch để hy vọng nhận được một cái gì đó...

Tuy nhiên, Phụ trách IMMF là bà Sarah McLean lúc đó nói rằng: "Họ sẽ có những bước tiến nhanh hơn các bạn khi họ tiếp cận thế giới bằng sự cởi mở trong trẻo, không có những giằng co về việc nên làm điều này hay điều kia".

Mười năm sau, chúng tôi có được trải nghiệm để nhận định như một dự báo của bà Sarah khi trở lại Campuchia. Phnom Penh những ngày cuối của năm 2015 đón chúng tôi bằng những thay đổi ngỡ ngàng. Từ một thành phố hoang vu vào cuối thập kỷ 1970 dưới thời Khmer đỏ, PhnomPenh đang chuyển mình nhờ nền kinh tế phát triển. Trước hết là những khuôn mặt đầy tự tin của những thanh niên trên đường phố.

Chị em Phaly, nhân viên truyền thông của Tập đoàn River Orchid, đón chúng tôi đi dạo một vòng PhnomPhenh bằng một chiếc Lexus, rồi đưa chúng tôi lên quán bar EClipse để ngắm thành phố từ trên cao, nhìn ra toàn phố để thấy những gì đang thay đổi tại đây. Đường phố đèn sáng lấp lóa, xe ô tô đi nườm nượp nhà hàng, tiệm thức ăn nhanh và các trung tâm thương mại, dự án nhà ở mọc lên ở khắp nơi...

Bên trong Aeon Mall, trung tâm thương mại lớn tại Campuchia, hàng đoàn người tấp nập ra vào, dù nhiều khi chỉ để ngắm nghía những chiếc túi hàng chục ngàn USD của Louis Vuitton hay đôi giày mới ra của Prada. Nếu đây là chuyện bình thường ở đa số các nước châu Á, thì lại là điều khó tưởng ở Campuchia, nơi khoảng 20% dân số vẫn sống dưới ngưỡng 1 USD/ngày.

Sau khi mở trung tâm thương mại rộng 35.000m2 đầu tiên tại TP.HCM vào đầu năm 2014, chỉ vài tháng sau, Aeon khai trương trung tâm thương mại Aeon Mall rộng hơn 68.000m2 tại thủ đô Phnom Penh. Một cái tên nổi tiếng tại Việt Nam là Parkson cũng đang gấp rút xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên vào năm 2016 tại Campuchia với diện tích hơn 57.000m2.

Dự án thứ hai là Lion City sẽ cung cấp thêm 61.000m2 diện tích bán lẻ cho quốc gia này trong năm 2017... Sự xuất hiện của Aeon và Parkson có thể xem là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của thị trường bán lẻ Campuchia.

Bởi vì, Campuchia là một trong những quốc gia phát triển kinh tế nhanh và ổn định nhất khu vực, với nhịp độ tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm và lạm phát dưới 5% mỗi năm. Kinh tế tăng trưởng kéo theo những người giàu lên nhanh chóng như Phaly, có chồng là một thương gia nhập khẩu hàng từ Mỹ.

Họ có đủ tiền để đưa hai đứa con đi học bên Mỹ từ bậc phổ thông. "Chúng tôi muốn cho con đi học bên Mỹ để tiếp cận nền giáo dục hiện đại nhất", Phaly nói. Nhưng ở ngay Phnom Penh, các trường quốc tế Anh, Mỹ mọc lên như nấm, cứ chốc chốc trên đường lại thấy một vài xe chở học sinh của các trường quốc tế này chạy qua.

Câu chuyện tăng trưởng của đất nước chùa tháp này còn có thể kiểm chứng qua anh bạn Sam Rith của khóa học IMMF ngày nào. Sam Rith cũng đón chúng tôi cũng bằng một chiếc Luxus mới cáu, khiến chúng tôi liên tưởng tới Chiếc Lexus và cây ô liu của nhà báo Thomas L. Friedman khi dùng hình ảnh của những chiếc xe sang để nói về biểu tượng của sự phát triển.

Nhưng với chúng tôi, chiếc xe của Sam Rith nói lên một điều đơn giản rằng anh phóng viên nghèo của Campuchia ngày nào giờ đã giàu hơn những đồng nghiệp từ Việt Nam. Cuộc vật lộn, bấp bênh và kéo co giữa chiếc Lexus và cây ô liu, đại diện cho phát triển và trì trệ theo ẩn ý của Friedman, dường như có phần thắng đang nghiêng về những chiếc xe Lexus.

Trên đường đi một vòng Phnom Phenh, chúng tôi cũng thấy rất nhiều dòng xe sang đắt tiền, đậu quanh các khách sạn. Thậm chí, đại lý phân phối chính thức đầu tiên của Rolls-Royce cũng có mặt ở đây để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường hơn 15 triệu dân này.

Quản lý khách sạn Le Safran La Suite là anh Rene Faye người Pháp, mới chuyển việc từ Việt Nam qua. Năm năm trước, anh đã trải qua nhiều nhà hàng khách sạn từ Hà Nội cho đến Đà Nẵng và TP.HCM. "Tuy nhiên, Campuchia cho tôi thấy nhiều cơ hội phát triển hơn Việt Nam. Vì ở đây, lượng khách du lịch đông hơn và cũng dễ tính hơn. Chúng tôi không bao giờ vắng khách", anh nói.

Trên con đường Boeung Keng Kang tập trung rất nhiều cửa hàng fastfood của KFC, siêu thị và tràn ngập nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Coca-Cola, Unilever, P&G... như chứng minh sức mua tại đây đang tăng lên nhanh chóng, phục vụ tầng lớp trung lưu như Samrit hay Phaly.

Là một chuyên gia quảng cáo tiếp thị, Pick Pimolsaengsuriya, Tổng giám đốc Công ty River Orchid, đã chọn Campuchia là tổng hành dinh của tập đoàn tại thị trường Đông Dương để đón đầu sức tăng trưởng nóng của thị trường này. Mới đây, River Orchid đã sáp nhập cùng tập đoàn quảng cáo hàng đầu của Pháp là Havas. Ngay cả thương vụ lớn này cũng được diễn ra tại Phnom Penh, như một chỉ dấu cho thấy sự quan trọng của thị trường này đối với cả Havas và RiverOrchid.

Yannick Bollore, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Havas phát biểu trong sự kiện sáp nhập Havas và River Orchid: "Sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu tạo nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa khổng lồ. Và các thương hiệu cần những chiến lược quảng cáo, tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả và mạnh mẽ hơn. Vì vậy, mở rộng sự hiện diện của Havas thông qua tại khu vực này thực sự là chiến lược quan trọng của chúng tôi".

Trong câu chuyện của mình, người lái xe Tuktuk kể với chúng tôi bằng thứ tiếng Việt rất sõi, rằng anh biết nhiều người Việt Nam sang đây làm giàu nhờ nghề bán cà phê. Anh chỉ cho chúng tôi một khách sạn rất lớn và giới thiệu rằng chủ nhân của khách sạn này là một người Việt. "Người Việt Nam làm ăn rất giỏi, họ trở thành triệu phú, tỷ phú ở đây".

Khác với nhiều quốc gia trong khu vực, chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài của Campuchia khá mở, phần nào lý giải sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện người nước ngoài đã có thể sở hữu 100% căn hộ tại đây, luật kinh doanh là bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, dòng vốn ra vào quốc gia không bị kiểm soát cùng cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát (managed floating) phần nào mang đến tâm lý yên tâm cho giới đầu tư ngoại khi quyết định đầu tư hay sở hữu tài sản tại Campuchia.

Nhiều khu dân cư sang trọng đang nhanh chóng mọc lên như "Diamond Island", trải trên mảnh đất rộng 100ha gồm những căn hộ "theo phong cách kiến trúc Paris" với một bản sao Khải hoàn môn (Arc de Triomphe) của Paris. Toà nhà chọc trời 39 tầng đầu tiên ở Phnom Penh Vattanac Capital Tower, với hình dáng một con rồng, mới được khánh thành vào năm 2014, nhưng sắp bị vượt qua bởi toà nhà The Peak 55 tầng gồm một khách sạn hạng sang và hơn 1.000 căn hộ sang trọng.

Tuy nhiên, trong khi nhiều người Việt làm giàu ở Campuchia, giới chuyên gia phân tích kinh tế cũng như doanh nghiệp Việt Nam nảy sinh lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời Việt Nam để sang đầu tư tại Campuchia.

Theo các chỉ số thống kê xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam và các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với nguy cơ bị Lào và Campuchia vượt qua về cả năng lực cạnh tranh, khả năng vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, và trình độ sản xuất. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, nhờ duy trì được sự tăng trưởng ổn định trong xuất khẩu hàng may mặc, xây dựng và bất động sản...

Mười năm trước, không ai ngờ khi phải so sánh Việt Nam với Campuchia. Còn bây giờ, đến hạt gạo của Việt Nam cũng đang bị coi là thua kém gạo có thương hiệu của Campuchia. Việt Nam có thâm niên xuất khẩu gạo suốt 26 năm qua, còn Campuchia chỉ mới bắt đầu xuất khẩu từ năm 2008. "Gạo Việt Nam bây giờ không chỉ thua Thái Lan, Ấn Độ mà còn thua cả Campuchia", GS. Võ Tòng Xuân nhìn nhận.

Khi nói về hạt gạo là cũng nói về khả năng cạnh tranh của kinh tế Campuchia. Nhiều người đồng ý rằng, dù quy mô còn nhỏ nhưng sự phát triển của Campuchia là nhờ đã hình thành ngay một nền kinh tế thị trường.

Các doanh nghiệp của Campuchia chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân theo kinh tế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, ai làm ăn tốt thì tồn tại, ai làm ăn kém thì bị đào thải. Có lẽ đây chính là ẩn ý của bà Sarah McLean khi dự báo 10 năm trước rằng Campuchia sẽ học hỏi và phát triển nhanh hơn khi có một đầu óc "trong trẻo" hơn những người Việt Nam như chúng tôi. Tôi nghĩ, bà không chỉ đơn giản nói về một khóa học...

>Thăm Campuchia theo cung đường mới

>Có một Angkor khác ở Campuchia

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Campuchia: Mười năm trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO