Du hành tìm ngắm băng trôi tại Nhật Bản

P. NGUYỄN DŨNG| 10/03/2019 09:00

Khi mùa đông ập đến, nước sông Amur (Hắc Long Giang) đổ ra Thái Bình Dương gặp không khí và làn nước lạnh từ Bắc Băng Dương ào xuống trở thành những mảnh băng trôi dạt phủ kín biển Okhotsk, miền Đông Bắc đất nước Nhật.

Du hành tìm ngắm băng trôi tại Nhật Bản

Garinko-go tiến vào bến cảng. Ảnh: P. NGUYỄN DŨNG

Công nghệ hàng không và hàng hải phát triển đã giúp biến "thử thách mùa đông" thành cơ hội phát triển du lịch sầm uất cho đất nước Mặt trời mọc.

Tìm ngắm băng trôi

Đây đó khắp nước Nhật, du khách dễ có cơ hội thưởng ngoạn và thưởng thức sakura, sashimi, sake, samurai, sushi... và rất nhiều những "danh thơm" khác đã và đang giúp Nhật từ một "nước xuất khẩu du khách" thành điểm đến mỗi năm tiếp đón hơn 20 triệu lượt du khách.

Nhưng muốn ngắm băng trôi thì mọi người đều phải tìm đến phía cực Bắc của đảo Hokkaido, vùng đất ven biển Okhotsk. Và phải đi vào mùa đông lúc thời tiết giá lạnh, thủy ngân rớt xuống dưới mức -10 độ C, trong thời gian từ tháng Giêng đến cuối tháng 3 mỗi năm.

Đoàn chúng tôi gồm 15 du khách theo hướng dẫn của Công ty hợp tác liên doanh Việt - Nhật Discover The World Vietnam và Hankyu Travel International, đã chấp nhận cái lạnh tê tái để được một lần trong đời thỏa mãn ngắm các mảng băng trôi.

Một vài mảnh băng trôi

Một vài mảnh băng trôi

Và chúng tôi cũng đi cách khác, thay vì bay từ Sài Gòn thẳng đến Tokyo, Fukuoka hay Osaka, Nagoya rồi chuyển tiếp đến Sapporo, thủ phủ của Hokkaido, tức tỉnh có diện tích đất lớn nhất Xứ Phù tang (hơn 83,4 ngàn km2, bằng 22% tổng diện tích Nhật Bản) nhưng rất thưa dân (chỉ khoảng 5,3 triệu người).

Chúng tôi lại chọn bay với Thai Airways, tức từ Sài Gòn bay sang Bangkok rồi thẳng một chuyến bay trong màn đêm kéo dài khoảng hơn 6 tiếng và hạ cánh xuống sân bay quốc tế New Chitose lúc bình minh. Chuyến bay không có chỗ trống, dù là máy bay lớn 747-400 với gần 380 chỗ, đại đa số hành khách là du khách người Thái.

Từ Sapporo, chiếc xe ca chở chúng tôi trực chỉ hướng Đông Bắc, đi xuyên suốt chiều dài 18km của thung lũng Sounkyo trong Công viên quốc gia Daistsuzan và di chuyển đến thị trấn Mombetsu bên bờ biển Okhotsk, cách đó khoảng 350km.

Suốt hành trình, các thành viên trong đoàn đều chung một ý nghĩ: thời tiết càng lạnh càng có nhiều cơ may thấy được băng trôi vì nghe kể rằng tháng 2 luôn là thời khắc đẹp để ngắm băng trôi.

Sáng ngày 26/2/2019, mặc áo và quần giữ nhiệt, dán thêm vài ba miếng tỏa nhiệt rồi khoác ngoài áo len, áo ấm mùa đông, nón chụp, găng tay, bít tất dày, giày có trang bị dây cao su và đinh sắt chống trượt... chúng tôi hồi hộp chờ ngắm băng trôi.

Trong vài tuần lễ mỗi đầu năm, những "kỳ tác" thiên nhiên này chỉ trôi dạt về phương Nam, xuống đến khu vực phía cực Bắc đảo Hokkaido mà thôi, không đi xa hơn, muốn thấy và ngắm chúng phải đến đúng điểm hẹn này.

Tàu đỏ trên biển băng trôi

"Các bạn có biết nhiệt độ trung bình của một mảng băng trôi là bao nhiêu không? Các bạn có biết khi nào thì có nhiều băng trôi và khi nào thì không thấy chúng không? Các bạn có biết tại sao nước biển lại có thể trở thành băng trôi không?... ", nhiều câu hỏi lần lượt được Katsuko Kemanai, một bà cụ ngoài 70 tuổi vẫn làm hướng dẫn viên dẻo dai, hoạt bát, giải thích cặn kẽ.

Tàu phá băng Garinko-go đỏ chói trên biển băng trắng xóa

Tàu phá băng Garinko-go đỏ chói trên biển băng trắng xóa

Thì ra băng trôi thường lạnh ở mức -15 độ C, chúng nổi kín mặt biển khi gió bấc thổi xuống, ngược lại khi gió từ hướng Nam thổi lên thì bạn sẽ chẳng thấy miếng nào.

Do nước biển Okhotsk có hai độ mặn khác nhau tùy theo khoảng cách gần, xa nơi cửa sông Amur đổ ra nên nước có độ mặn thấp dễ đóng băng hơn và vì biển Okhotsk như cái hồ kín, bao quanh bởi bán đảo Kamchatka và quần đào Kuril nên nước biển mặn ngoài đại dương càng không dễ thâm nhập vào.

Chúng tôi đến Mombetsu sáng hôm ấy, trời cũng lạnh nhưng hình như chưa đủ, leo lên tầng ba của tháp quan sát nhìn mãi cũng chỉ thấy loáng thoáng vài ba mảng băng đá dật dờ xa xa. Vội trở ra bến cảng chờ đến giờ lên tàu phá băng sơn màu đỏ thật bắt mắt, nổi bật trên nền biển trắng xanh.

Con tàu này có tên là Garinko-go, buổi ban đầu được thiết kế để sử dụng trong các nhiệm vụ thăm dò dầu khí ở Alaska, nhưng sau này chuyển thành tàu phá băng chuyên hỗ trợ cho các đoàn tàu đánh cá địa phương, đồng thời là tàu quan sát hải dương quanh vùng. Khi vào mùa du lịch nó lại nhận thêm nhiệm vụ chở khách ra biển ngắm băng trôi.

Khoan băng tiến ra biển

Khoan băng tiến ra biển

Có hai tàu, Garinko-go I và Garinko-go II. Mỗi Garinko có hai mũi khoan cực mạnh phía đầu tàu để đâm xuyên và phá các mảng băng trôi thành vô vàn những miếng băng nhỏ mau tan trong nước. Hai mũi khoan này cũng đóng vai trò động cơ tạo lực đẩy cho tàu tiến mạnh về trước dù trong thân của nó là không dưới 200 khách du lịch.

Tôi đã chọn vào ngay tầng hầm ở khúc mũi tàu để dễ quan sát hai mũi khoan hoạt động, tung tóe băng đá, nước biển ra sao. Năm 2004, tàu khá băng Garinko đã được công nhận là một trong những di sản có hấp lực lớn của toàn tỉnh đảo Hokkaido.

Không đủ may mắn để được thấy mặt biển phủ kín băng trôi nhưng chuyến hải hành 60 phút trên tàu Garinko-go là khoảnh khắc thú vị đáng nhớ của chuyến du lịch thăm Hokkaido. Vài con hải âu sà xuống làm quen với du khách đến từ xứ nóng.

Tàu đánh cá tạm nghỉ trên tuyết

Tàu đánh cá tạm nghỉ trên tuyết

Xa xa, trên bến cảng, hàng dài những tàu đánh cá đang tạm nghỉ trên nền tuyết trắng. Chợt nghĩ, thời công nghệ hàng không và hàng hải phải triển mỹ mãn đã giúp biến "thử thách mùa đông" thành cơ hội phát triển du lịch sầm uất cho đất nước Mặt trời mọc.

Chúng tôi bảo nhau phải nhớ mua sake uống mừng chuyến đi thật hấp dẫn và hẹn lần sau, nếu có, sẽ ngắm băng trôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du hành tìm ngắm băng trôi tại Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO