Dòng vốn đầu tư lại dịch chuyển

Gia Lê| 13/10/2022 08:00

Năng lượng sinh hoạt thiếu thốn, tất yếu sản xuất cũng bị ảnh hưởng và đe dọa sự tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước. Vì vậy, đang xuất hiện xu hướng nhiều công ty sản xuất thép, phân bón và các sản phẩm đầu vào quan trọng khác ở châu Âu đang chuyển hoạt động sang Mỹ.

Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đang gây ra những sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Phần lớn chuyên gia kinh tế đều dự báo các nền kinh tế chủ chốt của châu Âu sẽ tăng trưởng âm trong những tháng sắp tới và mức độ nghiêm trọng của cuộc suy thoái này sẽ tùy thuộc vào việc mùa Đông năm nay sẽ lạnh tới mức nào. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nếu Nga ngừng hẳn việc cung cấp khí đốt đối với châu Âu, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của khu vực Eurozone sẽ giảm mạnh trong quý IV năm nay và quý I năm sau, khiến nền kinh tế khu vực suy giảm 0,9% trong cả năm 2023.

Đáng lưu ý là trong lúc Liên minh châu Âu (EU) cố gắng để cắt đứt sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga, khu vực này có thể trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ Trung Quốc. Và trớ trêu thay, một phần khí đốt mà Trung Quốc bán cho EU có nguồn gốc từ Nga. 

Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Trung Quốc qua đường ống đã tăng khoảng 65% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, Trung Quốc đã chi 35 tỷ USD nhập khẩu năng lượng từ Nga, từ mức 20 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Năng lượng sinh hoạt thiếu thốn, tất yếu sản xuất bị ảnh hưởng và đe dọa sự  tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước. 

Dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu đã liên tục giảm kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra và phương Tây áp những biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga. Giá khí đốt tăng vọt vì nguồn cung bị siết chặt khiến cho nhiều nhà sản xuất ở EU bắt buộc phải cắt giảm hoạt động vì thu không bù chi.

Để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng này, các nước EU đang ra sức giảm tiêu thụ, làm đầy kho dự trữ và tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga, đồng thời chi hàng trăm tỷ euro để hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế, Chính phủ Đức thậm chí đang đưa thêm hàng trăm nghìn người vào danh sách hưởng phúc lợi nhà ở.

Trong khi đó, lao đao vì giá khí đốt tăng phi mã, các công ty sản xuất thép, phân bón và các sản phẩm đầu vào quan trọng khác ở EU đang chuyển hoạt động sang Mỹ, do bị thu hút bởi giá năng lượng ổn định và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ.

Kết quả là một “sân chơi” với lợi thế ngày càng nghiêng về phía Mỹ, nhất là đối với những công ty sản xuất hóa chất, pin và các sản phẩm có hàm lượng năng lượng lớn khác. Dù Mỹ đang đương đầu với lạm phát cao, những nút thắt trong chuỗi cung ứng và nguy cơ suy thoái, đầu tư mới của Mỹ vào cơ sở hạ tầng, ngành chip và năng lượng xanh đã làm gia tăng sức hút đối với các nhà sản xuất.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu việc thiếu khí đốt sẽ chỉ là vấn đề tạm thời hay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của sự phi công nghiệp hóa ở EU? Các nước trong khu vực đang ra sức tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế từ các nhà cung cấp khác trên thế giới, chẳng hạn đẩy mạnh việc nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar. 

Tuy nhiên, châu Âu có thể sẽ không bao giờ được tiếp cận với khí đốt giá rẻ của Nga nữa, mà đây lại chính là lợi thế đã giúp EU có sức để cạnh tranh với một nước Mỹ giàu tài nguyên và bù đắp những yếu tố bất lợi của khu vực này, như chi phí nhân công cao và quy định ngặt nghèo về lao động và môi trường. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng vốn đầu tư lại dịch chuyển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO