Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh sẽ giám sát "sự sụp đổ một cách có kiểm soát" đối với Evergrande. |
Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, đơn kiện đòi Evergrande thanh toán nợ đang đổ dồn về tập đoàn bất động sản (BĐS) này.
Financial Times cho biết, một tòa án Trung Quốc được chỉ định để giải quyết các vụ kiện dân sự với Evergrande đã tiếp nhận 367 trường hợp đòi thanh toán tổng cộng 84 tỷ CNY (khoảng hơn 13 tỷ USD). Các đơn kiện được đệ trình từ ngày 24/8 đến 9/12/2021 - thời điểm tập đoàn này bị Fitch Ratings hạ xếp hạng từ C xuống "Restricted Default", tức "Vỡ nợ Giới hạn".
Theo Fitch Ratings, "gã khổng lồ" BĐS Trung Quốc đã không phản hồi yêu cầu xác nhận về các khoản trả lãi trên từ hãng, do đó Fitch kết luận rằng các khoản lãi này vẫn chưa được thanh toán. Đây cũng là lần đầu tiên Evergrande bị tuyên bố vỡ nợ, sau khi các nhà chức trách Trung Quốc nỗ lực để ảnh hưởng từ sự sụp đổ của "ông lớn" không lây lan khắp nền kinh tế.
Trước đó, Trần Long - một đối tác tại Công ty nghiên cứu Plenum đã nhận xét với AFP rằng, "dự báo trong thời gian tới, tất cả chủ nợ sẽ kiện Evergrande", trong bối cảnh thông báo của Fitch đã chính thức hóa những gì các nhà đầu tư đã biết về các vụ vỡ nợ.
Link bài viết
Theo giới phân tích, việc xuất hiện các vụ kiện cho thấy chủ nợ Trung Quốc đã mất niềm tin vào khả năng trả nợ của Evergrande từ trước khi bị cho là vỡ nợ.
"Họ đang chạy đua đưa Evergrande ra tòa để có thể có vị trí tốt hơn nhằm thu hồi tiền trong trường hợp công ty tái cấu trúc nợ. Điều này đặc biệt đúng khi không phải mọi khoản nợ đều được đối xử như nhau", Bo Zhuang - nhà phân tích tại Loomis Sayles, Singapore, nhận xét.
Nếu chính phủ không giải cứu Evergrande, các trái chủ đang sở hữu 19,2 tỷ USD trái phiếu niêm yết bằng USD sẽ chịu thiệt hại lớn. Tính tới cuối tháng 6/2021, số nợ phải trả của Evergrande được xác định là 306 tỷ USD, tương đương 2% GDP Trung Quốc.
Sau thông tin Evergrande bị tuyên bố vỡ nợ, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dị Cương cùng ngày tuyên bố Bắc Kinh có kế hoạch xử lý tương lai của Evergrande theo hướng thị trường. "Quyền và lợi ích của các chủ nợ và cổ đông sẽ được tôn trọng đầy đủ theo thâm niên hợp pháp của họ", ông Dị Cương nói.
Theo AFP, dù bất cứ điều gì xảy ra sắp tới với Evergrande, nỗ lực siết chặt kiểm soát của Bắc Kinh cũng đã gây ra tác động lớn đến ngành BĐS Trung Quốc. Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande bắt đầu vào tháng 6/2021, ít nhất 11 công ty BĐS khác của Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu. Hiện, giới đầu tư đang bất an về sức khỏe tài chính của các công ty chủ chốt ở quốc gia này. Cả doanh số bán nhà và giá nhà tại đây đều đã đi xuống.