Đón sóng đầu tư

HOÀNG NGA - THANH NGÀN - Ảnh: X.THẢO| 26/03/2019 04:03

Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng khi Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh.

Đón sóng đầu tư

Khu vực doanh nghiệp (DN) FDI hiện giữ vai trò chủ đạo về xuất nhập khẩu của nước ta với 70,7% kim ngạch xuất khẩu và gần 60% nhập khẩu. Không những thế, đầu tư nước ngoài đã trực tiếp và gián tiếp chuyển giao và phát triển công nghệ, du nhập những phương thức đầu tư, kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và làm cho hội nhập có chiều sâu hơn, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Và hiện dòng vốn này từ nước ngoài vẫn đang chảy mạnh vào Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế đến tháng 1/2019, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD. Trong hai tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã thu hút 8,47 tỷ USD vốn ngoại, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Nguồn vốn FDI hiện đã có mặt tại 63 tỉnh - thành trong cả nước, trong đó TP.HCM là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với gần 45 tỷ USD, tiếp đến là Hà Nội với 33,2 tỷ USD, Bình Dương với 32,1 tỷ USD... Đã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 63,7 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư, Nhật Bản đứng thứ 2 với 56,7 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư, tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan...
Tổng kết 30 năm thu hút FDI, Chính phủ khẳng định FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế. Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức 18 - 25% trong giai đoạn 1991 - 2018. FDI góp phần quan trọng trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vốn thông qua sáp nhập và mua bán oanh nghiệp (M&A) đang là xu thế bởi hình thức đầu tư này giúp rút ngắn thời gian triển khai đầu tư tại Việt Nam, vừa tận dụng được những cơ hội hấp dẫn mang lại. Cùng nhận định này, nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn về mua bán sáp nhập và kết nối đầu tư (MAF 2018) cho biết, có trên 4.000 thương vụ M&A với tổng giá trị 48,8 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2018. Quy mô thị trường 2017 đã tăng 10 lần so với 2009. Các lĩnh vực sôi động nhất trong năm 2018 gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản.
Hiện nay, bốn quốc gia đang dẫn dắt thị trường M&A tại Việt Nam là Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đóng góp lớn nhất vào nguồn vốn trong lĩnh vực bất động sản là dự án đô thị thông minh của Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) với vốn đầu tư lên đến 4,1 tỷ USD, trên diện tích 272ha. Thương vụ GIC đầu tư 1,3 tỷ USD vào Vinhomes dưới hình thức mua cổ phần và cho vay để thực hiện dự án cũng gây chú ý thị trường thời gian qua. Hay như Quỹ Đầu tư Warburg Pincus (Mỹ) kết hợp với Bicamex IDC thành lập liên doanh với tổng vốn 200 triệu USD...
Hiện nhiều nhà đầu tư ngoại đang tích cực tìm các quỹ đất ở địa phương để thâu tóm, tìm đối tác phát triển.
Chia sẻ với báo giới hồi tháng 8/2018, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, với tỷ trọng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, thị trường Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Có rất nhiều lợi thế để nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam. Chia sẻ tại Hội nghị Gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 với chủ đề Hội tụ nguồn lực, kiến tạo tương lai ngày 23/3, ông Carlos Dominguez Agulleiro - Phó trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại TP.HCM cho biết, DN Tây Ban Nha đầu tư vào Việt Nam tăng lên mỗi năm. Yếu tố thu hút các công ty Tây Ban Nha là tỷ lệ tăng trưởng hiệu quả, nền tảng kinh tế mạnh, ổn định và chính sách hợp tác toàn cầu rõ ràng.
Ông Michele D’Ercole - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ý tại Việt Nam (ICham) nhận định, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam dự kiến tăng mạnh trong năm nay, đặc biệt là về chất lượng, vì nhiều nhà đầu tư trong ngành sản xuất công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ, bao gồm các thương hiệu lớn đang chọn Việt Nam làm điểm đến. Các DN Ý đang xem xét đầu tư hoặc dời các cơ sở hiện tại của họ ở một số nước châu Á khác sang Việt Nam, chủ yếu ở khu vực TP.HCM.
Hiện nay, dòng vốn FDI chảy vào các lĩnh vực như phân phối, y tế, giáo dục, dịch vụ, điện, điện tử, công nghệ thông tin, bán dẫn, xây dựng thành phố thông minh thay vì vào các ngành sử dụng nhân công giá rẻ. Hoa Kỳ là một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và công nghệ chất lượng cao. Hoa Kỳ cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất từ Việt Nam, trong đó TP.HCM là địa phương dẫn đầu. Bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Am-Cham) cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra, mặc dù Trung Quốc vẫn duy trì vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng DN và nhà cung ứng Hoa Kỳ đang không ngừng đa dạng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát của PricewaterhouseCoopers (PwC) cho thấy, có 51% lãnh đạo DN trong khu vực APEC đang có kế hoạch nâng mức đầu tư cao hơn 43% cách nay hai năm. Những nơi thu hút đầu tư nhiều nhất trong khu vực APEC là Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, Úc và Thái Lan. Trong đó, Việt Nam giữ vị trí hàng đầu năm thứ hai liên tiếp khi có đến 46% lãnh đạo DN trong khu vực chọn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhiều khả năng sẽ có hiệu lực vào giữa năm nay, Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Hồng Kông có hiệu lực vào cuối năm nay sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài cũng như cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đón sóng đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO