Tình yêu áo dài của bà chủ Phương Lan

Diễm Quỳnh| 11/05/2022 05:27

Bà chủ tiệm Áo Dài Ơi Phương Lan có tiếng ở Sài Gòn với những bộ sưu tập (BST) áo dài thướt tha kết cườm đính kim sa và in hoa phù hợp phụ nữ tuổi trung niên không chỉ có bàn tay tài hoa của nghề may mà còn có tâm hồn thi sĩ và lòng thương người.

Tình yêu áo dài của bà chủ Phương Lan

Dù cuộc sống có khó khăn, chị Lan vẫn luôn nở cụ cười tươi

Ngôi nhà của bà chủ Áo Dài Ơi Phương Lan nằm sâu trong một con hẻm. Lúc tôi đến chơi, bà vẫn còn đang mân mê tà áo dài mới may. Tên bà là Cao Thị Phương Lan, 50 tuổi, dáng dấp nhỏ nhắn, nước da ngăm, ánh mắt phảng phất bao thăng trầm của cuộc đời nhưng lại có nụ cười tươi tắn biết bao nhiêu!

Một cuộc đời thăng trầm

“Xuất phát điểm của tôi không phải là một thợ may áo dài” - bà cười hiền, ánh mắt xa xăm đưa bà quay về những ngày tháng cũ. Đó là năm 1999, lần đầu tiên bà đặt chân đến Sài Gòn, khi đó, chồng của bà vừa mới khỏi bệnh lao, sức khỏe còn rất yếu. Mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đổ dồn lên đôi vai người phụ nữ bé nhỏ và bà phải một mình bươn chải kiếm tiền nuôi sống gia đình. Ngày ấy, cả gia đình bà chung sống trong căn nhà trọ vỏn vẹn 6m2. Cứ đều đặn 4 giờ sáng mỗi ngày, bà phải thức dậy đi mua bưởi từ các ghe miền Tây rồi chở đi bán rong khắp vỉa hè Sài Gòn, mang theo những khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Sau một thời gian cần cù lao động, cộng thêm việc buôn bán gặp thời, bà Lan đã tích cóp được tiền và quyết định mua một mảnh đất ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức). Từng một thời buôn bán trái cây ở chợ Long Biên, Hà Nội, bà Lan có nhiều mối quen. Khi cơ nghiệp bắt đầu ổn định, bà sắm cả đội sáu chiếc xe tải chở trái cây bỏ mối cho các tiểu thương ngoài Hà Nội và nhận chở hàng ra các tỉnh thành phía Bắc. Tưởng đâu cuộc sống đã yên bình thì mệnh khổ lại một lần nữa đeo bám. Trong vòng 16 tháng, đội xe tải của bà Lan đã vướng phải 11 vụ tai nạn, khiến bà phải bán nhà, bán đất, bán cả đội xe để đền bù thiệt hại. Dẫu vậy, bà vẫn không cho phép mình gục ngã trước số phận. “Nếu như mình biết thất bại thì chắc chắn mình không làm, nhưng mà khi thất bại rồi thì mình phải chấp nhận. Rồi sẽ có những bước ngoặt mới mở ra cho mình”- bà nghẹn ngào kể. 

Có một thời gian, bà Lan từng là biên tập chính của trang thơ và có nhiều tác phẩm thơ và phê bình văn học. Bà tâm sự: “Hồi đó, tôi cảm nhận như thế nào thì tôi viết như thế đó. Mình cũng không phải dân chuyên nghiệp gì, chỉ mong muốn có thể đóng góp thêm một chút gì đó cho văn học Việt Nam. Bây giờ, tôi không còn thường xuyên viết lách, khi nào rảnh rỗi thì viết cho vui vậy thôi”.

Khi được hỏi về mối quan hệ giữa nghề văn và nghề may, bà nói: “Có một chút lãng mạn của văn thơ trong những chiếc áo dài của tôi. Sự kết hợp này đã giúp tôi thành công hơn trong việc chọn lựa những mẫu áo dài. Cả hai đã bổ trợ cho nhau, sự đồng điệu đó khó có thể giải thích bằng lời”. 

10-5-22-pic-2.jpg

Chị Phương Lan giới thiệu chiếc áo dài trong BST Nắng Sài Gòn 

Mối lương duyên với nghề may áo dài

Năm 2017, khi đã bước qua tuổi 46, cái duyên với nghề may áo dài mới “gõ cửa” đối với bà. Thời còn buôn bán trái cây, bà Lan có một vị khách “ruột” là chủ sạp áo dài chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM). Đến khi vị khách đó xuất cảnh sang Mỹ định cư với con trai, phát hiện ra niềm đam mê áo dài của bà Lan, vị khách đã quyết định để lại mối hàng và 150 bộ áo dài cho bà.

Đến bây giờ, bà Lan vẫn xem người khách hàng đó là “bà mai” của mối lương duyên giữa bà và nghề may áo dài. Lúc đó, con gái út của bà Lan vừa tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang tại Trường ĐH Hoa Sen, trong nhà cũng còn một ít vốn, “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”, thế là bà quyết định mở một cửa hàng áo dài.

Khởi đầu, bà Lan chỉ có ý định bán vải. Bởi lẽ, sau những thất bại từ lần trước, bà vẫn chưa đủ can đảm đầu tư một số tiền lớn vào cửa hàng. Tuy nhiên, khi thấy các em của mình đều học may, bà lại nhớ về ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang chưa thành, và thế là bà có động lực để dấn bước vào con đường của một người thợ may lành nghề. Vốn xuất thân học Trường Sư phạm Mẫu giáo cho nên bạn bè của bà Lan đa phần là giáo viên, hiệu trưởng của các trường mầm non - và họ chính là những vị khách đầu tiên của bà.  

Vài năm sau đó, khi đã có một lượng khách hàng nhất định, công ty hoạt động ổn định, bà mới quyết tâm theo đuổi dự án đã ấp ủ bấy lâu nay. Bộ sưu tập áo dài đầu tiên mà bà Lan cho ra mắt mang tên Non nước Phú Yên. Bà bộc bạch: “Ban đầu, tôi chỉ dám may vài bộ vì sợ kén khách. Tuy nhiên sau đó rất nhiều người đã đến hỏi mua, khi ấy tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Đây chính là động lực để tôi cho ra mắt nhiều BST khác”.

Một trong những BST tạo nên tiếng vang và tên tuổi cho bà Lan là BST áo dài Nắng Sài Gòn. Đây là BST áo dài mang hình ảnh những kiến trúc biểu tượng của thành phố như chợ Bến Thành, tòa nhà Bitexco, nhà thờ Đức Bà, Landmark 81…. Bà chia sẻ: “Các mẫu áo dài đều được thiết kế độc quyền. Vải mà tôi dùng để may thường là vải lụa tơ, được đặt hàng thông qua các công ty in ấn hoặc nhập vải riêng. Giống như các BST khác, những tà áo dài của Nắng Sài Gòn đều được in 2 mặt và đây là thiết kế độc quyền của công ty tôi”. BST áo dài Nắng Sài Gòn ra mắt lần đầu tại đêm chung kết Duyên dáng áo dài Thủ Đức và nhận được nhiều đơn đặt hàng. 

Nhắc đến cảm hứng của BST này, bà Lan thổ lộ: “Sài Gòn đã cưu mang tôi từ thuở hàn vi. Nếu không có những tấm lòng bao dung, tốt bụng ở đây, có lẽ tôi cũng không thể đứng vững như hiện tại. Tôi mong đây sẽ là lời tri ân của tôi dành cho mảnh đất Sài Gòn này”. 

Quỳnh Anh, con gái của bà Lan tự hào: “Mẹ tôi thực sự rất yêu áo dài. Bà có thể dành hàng giờ để thiết kế những bộ áo dài mới. Có lúc không ưng một chi tiết nào đó, mẹ sẵn sàng cho may lại bộ mới. Đôi lúc tôi phải thốt lên rằng sao mẹ có thể yêu áo dài nhiều đến như vậy?”.

Hiện tên tuổi của áo dài Phương Lan đã có chỗ đứng trên 40 tỉnh thành, được rất nhiều phụ nữ tin tưởng đặt may. Bà Lan thường đem những bộ áo dài đoạt giải đi đấu giá và tặng số tiền ấy cho công tác thiện nguyện. Khi được hỏi có tiếc nuối không khi lương duyên với nghề may đến muộn, bà cười nhẹ: “Tất cả nằm ở cái duyên, không có gì để tiếc. Cái duyên lúc đó mới tới. Nếu tôi an phận bán vải kiếm tiền thì sẽ khác, không đầu tư đi trình diễn, lan tỏa thương hiệu thì cũng chìm thôi. Mặc dù đứng dậy sau thất bại nhưng tôi vẫn phải xây dựng một thương hiệu trước khi hết tiền”.

10-5-22-pic-3.jpg

Chị Phương Lan bán trái cây để lấy tiền giúp đỡ người dân bị khó khăn trong mùa dịch

Tri ân mảnh đất nghĩa tình

Suốt 5 tháng TP.HCM “gồng” mình chống dịch, cửa hàng của bà Lan cũng phải đóng cửa. Chứng kiến những mất mát mà Sài Gòn phải gánh chịu, bà nghĩ đây là lúc để mình trả ơn mảnh đất nghĩa tình này. Thế là bà vận động những cá nhân có cùng tư tưởng, kết hợp lại để giúp đỡ thành phố. “Mỗi người một công việc. Người thì làm truyền thông, người thì đứng ra nhận tiền, người thì đi phân phát, như thế mới có thể giúp đỡ bà con một cách kịp thời”- bà Lan tâm sự.

Vào thời điểm đó, mỗi ngày sân nhà bà Lan luôn được lấp đầy những tấn rau, tấn thịt. Để có được một số lượng lớn rau củ như vậy, bà đã liên hệ với một người bạn là chủ doanh nghiệp ở Vĩnh Long để thu mua từ đồng bằng sông Cửu Long. Kết nối 44 chuyến xe chở 300 tấn rau và 100 tấn bưởi để trao tặng người dân trong khu nhà trọ, BV dã chiến....trong suốt đợt dịch  không phải là một con số thực hiện dễ dàng. Bà Lan đã cố gắng tận dụng tất cả các mối quan hệ để có thể đưa lương thực đến cho người dân. Bà kể: “Tôi phân rau ra thành từng phần riêng. Trong một túi có ớt, có chanh, có hành, có tỏi, khoai lang, lá bưởi, sả để xông. Một phần đó người ta có thể dùng trong một tuần. Tôi không để nguyên hàng tấn rau rồi ai ưng lấy bao nhiêu thì lấy. Của cho không bằng cách cho”.

Ngoài việc trao tặng thực phẩm tươi sống, bà Lan cũng tình nguyện nấu đồ ăn cho các y bác sĩ, bộ đội ở tâm dịch. Bữa thì bà kho cá, bữa thì bà kho thịt, rồi đóng từng hộp nhỏ, ghi tên lên đó và mang vào các trung tâm và bệnh viện dã chiến. Cũng trong đợt dịch, bà và phụ nữ trong khu phố thay phiên nhau bán bưởi, lấy tiền giúp đỡ người lao động nghèo và các bé bệnh nhi ung thư.

Từ tháng 7 cho đến tháng 11, suốt 4 tháng đó dường như bà chẳng ngủ là bao. Bà chủ tiệm may phải thức dậy từ rất sớm để nhận hàng hóa, phân chia rồi giao cho những nơi cần lương thực. Ngày qua ngày, bà lặp đi lặp lại những công việc quen thuộc, đánh đổi sức khỏe, tiền bạc để làm từ thiện. Có bao nhiêu là bà mang đi tặng hết, đôi khi trong nhà không còn rau để ăn, với tâm thế khẳng khái: "Không cần người ta biết mình là ai. Tôi làm không cần phúc lợi gì, không cần ai phải chứng minh. Tôi cũng không bao giờ bắt người dân cầm bịch gạo, bịch rau rồi chụp hình. Miễn sao mình giao đúng người, họ vui là mình vui”.

Bà Ngọc - một người khách quen của tiệm áo dài Áo Dài Ơi Phương Lan kể: “Tôi thực sự rất khâm phục chị Lan. Chị ấy không những tài năng mà còn giàu lòng vị tha. Hiếm người hết mình san sẻ miếng ăn, cái mặc với người khác một cách nhiệt tình như vậy, nhất là những lúc khó khăn như dịch bệnh”.

Trong câu chuyện tri ân mảnh đất nghĩa tình, bà Lan đều nhắc tới những người bạn “đồng cam cộng khổ”. Bà trầm ngâm: “Một mình tôi không thể làm được những điều ấy, phải có những người bạn đồng lòng. Có rất nhiều người cho tôi tiền, 500 nghìn, 1 triệu hay 5 triệu, 10 triệu, nhưng người ta không cần ghi tên”. 

Người ta nói Sài Gòn quanh năm nắng nóng, nhưng lòng người lại vô cùng lạnh lẽo, thế nhưng, những con người như bà Lan chính là một tia sáng ấm áp, thắp lên niềm tin, niềm hy vọng cho những mảnh đời kém may mắn nơi đô thị năng động nhất phương Nam này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tình yêu áo dài của bà chủ Phương Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO