Xã hội hóa - xu hướng tất yếu của điện ảnh Việt

PHÚC NHƯ THỦY| 08/04/2017 06:26

Thiếu vắng các tác phẩm điện ảnh được Nhà nước tài trợ, Cánh diều 2016 lần đầu tiên chỉ có tác phẩm của các đơn vị xã hội hóa dự tranh giải thưởng.

Xã hội hóa - xu hướng tất yếu của điện ảnh Việt

Thiếu vắng các tác phẩm điện ảnh được Nhà nước tài trợ, Cánh diều 2016 lần đầu tiên chỉ có tác phẩm của các đơn vị xã hội hóa dự tranh giải thưởng.

Đọc E-paper

Tính từ tháng 12/2002 đến nay, đã gần 15 năm Nhà nước cho phép xã hội hóa điện ảnh (gồm sản xuất, phát hành, xây rạp...). Nếu những năm đầu, phim được Nhà nước tài trợ thường áp đảo phim xã hội hóa về số lượng dự thi và giành giải thưởng trong các liên hoan phim Việt Nam (tổ chức 2 năm/lần), hay Cánh diều - được ví như "Oscar của Việt Nam", tổ chức hằng năm, thì dăm năm nay đã có sự "đổi ngôi" thấy rõ.

Tại Cánh diều 2016, tất cả 19 phim truyện (hạng mục quan trọng nhất) tham gia tranh giải thưởng đều do tư nhân sản xuất. NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cánh diều 2016 cho biết: "Xã hội hóa là xu hướng phát triển tất yếu của điện ảnh Việt. Muốn có nền điện ảnh phong phú, đa dạng, phát triển phải có sự góp sức của các đơn vị sản xuất phim và huy động nguồn vốn sản xuất phim trong cả nước".

Trong năm 2016 đã có hơn 50 phim truyện ra rạp, nhưng không có phim nào được Nhà nước tài trợ. Mặc dù trong kế hoạch năm 2015 - 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có phê duyệt 4 phim truyện điện ảnh được đặt hàng sản xuất từ nguồn chi trợ giá của ngân sách Trung ương là Không ai bị lãng quên, đề tài về chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc của Liên Xô; Người yêu ơi, đề tài về giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa cộng đồng các dân tộc; Địa đạo, đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta tại vùng đất Củ Chi; Xã tắc, đề tài lịch sử, phản ánh công cuộc gìn giữ bờ cõi của dân tộc Việt Nam, nhưng hiện tại vẫn "án binh bất động" vì chưa được cấp kinh phí.

Cũng không có gì khó hiểu, bởi trong khi thị trường chiếu phim có doanh thu tăng hằng năm, nhiều phim xã hội hóa lập kỷ lục bán vé thì phim nhà nước tiêu tốn hàng tỷ đồng lại hầu như không thể vào rạp, không thu hồi được vốn sản xuất.

Đơn cử, năm 2013, phim Người viết huyền thoại  được đầu tư 10 tỷ đồng, đoạt 6 giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 nhưng doanh thu chỉ đạt 500 triệu đồng; năm 2014, phim Sống cùng lịch sử được đầu tư 21 tỷ đồng nhưng ra rạp không bán nổi một tấm vé; năm 2015, Người trở về được đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhưng chiếu miễn phí; còn phim Mỹ nhân đầu tư 16 tỷ đồng, thu về 500 triệu đồng.

Duy nhất có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim do Nhà nước đặt hàng tư nhân (Hãng phim Phương Nam và Công ty Thiên Ngân) sản xuất, quảng bá và phát hành, có kinh phí 20 tỷ đồng, chiếu thương mại vào tháng 10/2015 đã thu về 80 tỷ đồng và giành được nhiều giải thưởng.

>>“Kỳ tích sông Hàn” của điện ảnh Hàn Quốc

Bởi vậy, khi các hãng phim tư nhân đang nỗ lực duy trì sản xuất và tồn tại trước sự "lấn lướt" của phim ngoại, không có lý gì Nhà nước phải tiếp tục cấp vốn cho những dự án phim thua lỗ như thế.

Trở lại với 19 bộ phim truyện điện ảnh được chọn tranh giải Cánh diều 2016, có thể thấy đề tài và thể loại khá phong phú, có những sự khai phá từ thể loại đã cũ, như: tình cảm lãng mạn (Bao giờ có yêu nhau, Sài Gòn, anh yêu em, 12 chòm sao - vẽ đường cho yêu chạy, Tik Tak anh yêu em, Chờ em đến ngày mai), hành động (Truy sát, Cao thủ ẩn danh, Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh Kungfu ,Vệ sĩ Sài Gòn), hài (Chạy đi rồi tính, Bảo mẫu siêu quậy 2, Nàng Tiên có năm nhà, Lộc phát), kinh dị (Phim trường ma), tâm lý xã hội - gia đình (Cha cõng con), kỳ ảo - giả tưởng (Tấm Cám: Chuyện chưa kể), du hành thời gian (Fan cuồng), thể thao (Sút)...

Tuy nhiên, so với Cánh diều 2015 thì không có nhiều trong số phim này thuộc hàng có doanh thu đáng mơ ước, ngoài Tấm Cám: Chuyện chưa kể (bộ phim từng là tâm điểm của "giọt nước tràn ly" trong "cuộc chiến" giữa các nhà phát hành) thu về gần 70 tỷ đồng sau hơn một tháng công chiếu.

Cũng không có mấy phim được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng, chỉ có Cha cõng con trước đó đã được chọn chiếu và tranh giải chính thức tại 10 liên hoan phim quốc tế lớn, nhỏ. Và trong số phim trên, dấu ấn của nhà sản xuất nhiều khi lấn át tính nghề nghiệp của đội ngũ nghệ sĩ, vì mục tiêu hàng đầu của họ là doanh thu... Vì vậy, các đề cử đáng chú ý của Cánh diều 2016 chủ yếu là dành cho tác phẩm gây được hiệu ứng xã hội, hay quảng bá du lịch.

Tóm lại, phát triển nhanh về số lượng, nhiều tìm tòi về cách thể hiện nhưng chất lượng chưa tương xứng, chắc chắn giám khảo của Cánh diều 2016 không dễ dàng tìm ra những tác phẩm xứng đáng để trao giải.

Lễ trao giải thưởng Cánh diều 2016 sẽ diễn ra lúc 19 giờ 30, ngày 9/4, tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam, và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.

>>Điện ảnh châu Á nhìn vào tương lai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xã hội hóa - xu hướng tất yếu của điện ảnh Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO