Việt Nam thiết hụt sách khoa học

QUÝ YÊN| 29/03/2015 06:48

Là một trong những mảng sách được xem là quan trọng bậc nhất trong việc tạo nền tảng cho các tiến bộ xã hội, nhưng trái với thế giới, mức độ thiếu hụt sách khoa học ở thị trường sách Việt Nam đang ở mức báo động. Điều này khiến những người trong ngành lo ngại và những người tâm huyết thì chán nản bởi đụng đâu cũng thấy khó.

Việt Nam thiết hụt sách khoa học

Là một trong những mảng sách được xem là quan trọng bậc nhất trong việc tạo nền tảng cho các tiến bộ xã hội, nhưng trái với thế giới, mức độ thiếu hụt sách khoa học ở thị trường sách Việt Nam đang ở mức báo động. Điều này khiến những người trong ngành lo ngại và những người tâm huyết thì chán nản bởi đụng đâu cũng thấy khó.

Thiếu trước hụt sau

Theo thống kê từ Công ty CP Phát hành sách Fahasa, từ 1/1 - 31/12/2014, tập truyện dài Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã bán được 18.000 cuốn. Đây cũng là cuốn sách được phát hành nhiều nhất năm 2008. Đến nay, sách đã được tái bản 41 lần và vẫn tiếp tục được tái bản.

Trong danh sách sách bán chạy của năm 2014 còn có Chúc một ngày tốt lành cũng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Hoa linh lan của Gào, Ai rồi cũng khác của Iris Cao - Hamlet Trương...

"Ở Việt Nam, sách bán chạy luôn là sách văn học, sách khoa học gần như không có chỗ đứng", ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Sách Long Minh, nhận xét. Hiện có rất ít NXB cũng như đơn vị làm sách chịu nhúng tay vào mảng sách khoa học.

Bốn năm, một bản thảo

Một trong những đầu sách được xem là cột mốc trong xuất bản của Dorling Kindersley (DK) là Atlas giải phẫu cơ thể người, do bác sĩ Alice Roberts chủ biên, dược sĩ Lê Quang Toản và bác sĩ Lê Thị Hồng Khánh chuyển ngữ, NXB Y học ấn hành.

Tập sách nặng ký này trình bày cấu tạo và chức năng của cơ thể người, từ hệ cơ và vận động đến các đường dẫn truyền thần kinh trong não.

Ấn phẩm giúp độc giả khám phá cơ thể người tỉ mỉ đến từng chi tiết, với công nghệ chụp, dựng hình y khoa và hiển vi tối tân, giúp người đọc hiểu được cơ chế hoạt động của cơ thể, biết được sự biến đổi, phát triển của con người từ lúc sơ sinh đến khi già, đồng thời hiểu được nguyên nhân, cơ chế của các bệnh lý thường gặp.

Sách được xuất bản ở Việt Nam với lộ trình lên đến... 4 năm tính từ ngày thương thảo thành công.

Bà Lê Thị Hoài An, biên tập viên của Đông A Book, đơn vị thực hiện đầu sách này, cho biết, ngoài tốn thời gian, khâu biên tập tập sách cũng tốn rất nhiều công sức.

Nếu con số phát hành chỉ dừng lại ở 2.000 bản như mơ ước thì vẫn chưa bù được những khoản đầu tư của đơn vị thực hiện.

Thực trạng đáng buồn này còn thể hiện ở con số phát hành. NXB Trẻ phát hành được 33 đầu sách khoa học, Công ty Long Minh trong vòng 6 năm qua cho ra đời được 26 đầu sách và Đông A Book thì làm được tầm 50 tựa.

Lác đác có thêm vài đầu sách của các đơn vị khác nhưng tổng thể, trong 11 năm qua, số đầu sách khoa học phát hành ở Việt Nam chưa vượt qua được con số 200. Có thể kể đến: Mười vạn câu hỏi vì sao, Bách khoa tri thức bằng hình, Bách khoa tri thức cho trẻ em - Khám phá và sáng tạo, Bách khoa động vật cho trẻ em..., tất cả hầu như đều là sách dịch.

"Các sách khoa học sơ đẳng, sách cho thiếu thi chiếm phần lớn. Sách khoa học cho thiếu niên và người lớn cực kỳ thiếu", dịch giả Nguyễn Việt Long cho biết thêm.

Cũng theo dịch giả này, điều đáng nói là trong số sách khoa học ít ỏi ấy, không phải quyển nào cũng được dịch tốt. Nguyên nhân đầu tiên của thực tế trên là thiếu người dịch lẫn đội ngũ biên tập.

Theo những người trong ngành, hiện những người dịch được sách khoa học quá hiếm. Thù lao không hấp dẫn trong khi dịch sách khoa học đòi hỏi phải tra cứu, tìm hiểu kỹ hơn so với dịch các mảng sách khác cũng là một trong những lý do khiến người trong nghề ít mặn mà với sách khoa học.

Nền tảng của phát triển

"Làm ra đã khó, khâu đầu vào còn khó hơn", TS. Giáp Văn Dương chia sẻ. Tâm huyết với mảng sách khoa học, vị tiến sĩ này khá quyết tâm trong việc thực hiện một bộ sách chuyên gia, cung cấp kiến thức về những ngành nghề trong cuộc sống. Cái khó nhất của dự án này là tập hợp đội ngũ chuyên gia tham gia thì ông đã làm được.

Riêng khoản tìm kiếm "bà đỡ” cho dự án thì ông thua dù đã gõ cửa rất nhiều NXB trong nước. Lý do là làm sách khoa học thường chỉ bán được ở mức 1.000 - 2.000 quyển là đã khấp khởi mừng.

Như trường hợp của Bách khoa tri thức bằng hình, tác phẩm được tờ Daily Mail đánh giá là "Một hành trình khám phá vượt ra ngoài khuôn khổ các cuốn bách khoa toàn thư thông thường dành cho trẻ em", được in tại Việt Nam rất công phu từ năm 2009 nhưng mãi đến đầu năm 2015 mới tái bản lần thứ hai. Đây đã được xem là đầu sách khoa học phát hành thành công tại thị trường Việt Nam.

Từ Hà Nội vào TP.HCM để tham gia tọa đàm về thói quen đọc sách khoa học do Đông A Book tổ chức, TS. Giáp Văn Dương cho biết, sức khỏe tinh thần của một dân tộc thể hiện trong hiệu sách. Một nền xuất bản mà thiếu chỗ đứng cho sách khoa học cũng đồng nghĩa với việc thiếu nền tảng để phát triển các ngành khác như tự nhiên, sinh vật, kinh tế...

"Trách nhiệm xã hội cũng thuộc về những người đang nghiên cứu lẫn giảng dạy khoa học ở Việt Nam. Đội ngũ này hầu như chưa tham gia giới thiệu lẫn chuyển ngữ sách khoa học", TS. Dương nhấn mạnh.

So sánh với các quốc gia phát triển, bài học từ nước Nhật Bản cho thấy, cách đây 150 năm, thời Minh Trị, khi bắt đầu cải cách, quốc gia này đã dịch khoảng 1.500 cuốn sách khoa học cần thiết để phổ biến trong nhân dân.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của các kiến thức khoa học trong việc tạo nên những bước phát triển bứt phá cho đất nước. "Không làm tốt mảng sách khoa học cũng như việc giảng dạy khoa học sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế trong tương lai", ông Đỗ Hoàng Sơn cảnh báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam thiết hụt sách khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO