Trở về...

Y THIÊN| 27/11/2012 03:45

Khi khán giả đã quá ngán ngẫm với các show diễn tạp kỹ hay dòng nhạc hàn lâm vẫn còn là thế giới chỉ để "ngắm" thì trong những tháng cuối năm nay, đã có sự "dịch chuyển" đáng chú ý của các chương trình nghệ thuật.

Trở về...

Khi khán giả đã quá ngán ngẫm với các show diễn tạp kỹ hay dòng nhạc hàn lâm vẫn còn là thế giới chỉ để "ngắm" thì trong những tháng cuối năm nay, đã có sự "dịch chuyển" đáng chú ý của các chương trình nghệ thuật. Tạm gọi đó là "đi vào" và "đi ra" giữa live show cá nhân và những show diễn hướng tới nghệ thuật đại chúng.

Liveshow Hồ Ngọc Hà
Qua rồi buổi khó?

Đã từng có thời gian các đêm nhạc tác giả - tác phẩm, đặc biệt là mang dấu ấn cá nhân của một nhạc sĩ thường khó khăn trong việc thu hút khán giả đến với sân khấu. Ngay như live show Tình ca hồng của nhạc sĩ Quốc Bảo cũng phải chịu mất hơn nửa số ghế tại Nhà hát Hòa Bình.

Và các chương trình tôn vinh nhạc sĩ đôi khi chỉ nằm trong khuôn khổ những chương trình phát sóng trực tiếp để công chúng có thể thưởng thức. Khi đó, hàng loạt chương trình pha trộn nhiều dòng nhạc, chủ yếu gây chú ý ở thiết kế sân khấu, nhiều phụ họa lại lên như diều gặp gió. Điều đó chỉ thể hiện tính mất cân bằng giữa nghệ thuật và sở thích của đại đa số khán giả.

Đỉnh cao của những live show mang đậm dấu ấn cá nhân và thường có tỉnh giải trí cao bên cạnh chất lượng âm thanh tốt là Hồ Ngọc Hà Live Concert và tour diễn Số phận của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa qua.

Cũng trong khoảng thời gian này đã manh nha nhiều ý tưởng hơn cho những show diễn không chỉ tô đậm dấu ấn cá nhân mà còn làm rõ hơn những phong cách âm nhạc của người nhạc sĩ bắt đầu được chú ý.

Mỹ Linh cùng với tour Và em sẽ hát... gần như nằm ngay thời điểm mà khán giả bắt đầu có cái nhìn khác hơn về những show diễn gần đây. Nó không hoàn toàn mở rộng đối tượng khán giả nhưng có chọn lọc và tạo thêm sự hứng khởi mới từ bản chất âm nhạc nhiều hơn là các yếu tố phụ trợ.

Có thể nói, loạt chương trình In the Spotlight đã chứng minh hướng đi hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Sự dịch chuyển có tính "đi vào" này đã mang đến cho các show diễn dù cá nhân ca sĩ, hay dòng nhạc, nhạc sĩ... đều hướng đến giá trị trung tâm.

Không còn là những tiết mục rời rạc được sắp đặt theo lịch thời gian của ca sĩ, hay chỉ xếp hàng ra hát đủ bài thì thôi, các chương trình kiểu này tôn vinh cái hay của giai điệu, ca từ và cả những phút sáng tạo thật sự của ca sĩ khi trình bày.

Thật ra, xu hướng này không mới, nó đã có ở Việt Nam từ khi dòng nhạc nhẹ bắt đầu manh nha thương hiệu Việt, hình thức du ca, hát trong sinh viên... đã chứng minh nó thành công cho đến hôm nay.

Luala Concert

Mở rộng biên độ khán giả

Và trong chương trình Gọi tên bốn mùa nằm trong series In the Spotlight tháng 12 nhằm tôn vinh cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn sẽ biểu hiện rất rõ sự dịch chuyển tạm gọi là "đi vào".

Hướng đến cái hay cốt lõi là âm nhạc bằng tinh thần hiện đại của người thể hiện, cộng với tư duy âm nhạc mới của đội ngũ nhạc sĩ hòa âm phối khí mới, sẽ phần nào phản ánh tinh thần của những người làm show nghệ thuật hôm nay. Bốn giọng hát Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Mỹ Linh và Tùng Dương sẽ góp phần truyền đạt những thông điệp ấy.

Chương trình sẽ được diễn ra lúc 20 giờ ngày 22/12 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM và sau đó là ngày 3 và 4/1/2013 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội.

Cũng nằm trong xu hướng dịch chuyển ấy, ca sĩ Tùng Dương sẽ mang đến hai đêm nhạc rất khác với những gì khán giả vẫn hình dung về anh. Đó là cuộc trở về với những nét tự nhiên nhất khi anh hát tình ca.

Những bản tình ca sẽ được làm mới do nhạc sĩ Thanh Phương và Lưu Hà An phối khí lại. Khán giả miền Nam sẽ được thấy một Tùng Dương hoàn toàn khác với áo vest lịch lãm trên sân khấu thể hiện chất lãng mạn của tình ca.

Thanh Lam và Nguyên Thảo cũng sẽ góp mặt để cùng Tùng Dương đi tìm vẻ đẹp nguồn cội trong những bản tình ca ấy. Live show Tùng Dương - Hát tình ca diễn ra vào hai ngày 6 và 7/12 tại Nhà hát TP.HCM.

Bên cạnh đó, một thái cực khác có xu hướng "đi ra" để mở rộng biên độ khán giả và "bình thường hóa" những suy nghĩ tạm gọi là chưa chính xác về một dòng nhạc. Luala Concert 2012 tiếp tục khẳng định điều ấy. Có thể thấy, cuộc dịch chuyển "đi ra" như thế này không dễ dàng gì đôi khi phải phá vỡ "luật lệ” và những định thước.

Nhưng con người chính là chủ thể của những sáng tạo, giá trị cốt lõi như nền tảng để những sáng tạo ấy được chắp cánh, nên những nghệ sĩ đã không ngần ngại để làm một cuộc bứt phá. Xuống đường, trình diễn giữa phố... tất cả đều cho thấy sự thay đổi rất đáng kể của những chương trình nghệ thuật hiện nay.

Khán giả đan xen ở nhiều lứa tuổi và gu âm nhạc khác nhau. Các chương trình nghệ thuật phải thay đổi để tự cứu lấy chính những giá trị đẹp đẽ mà âm nhạc có được.

Sự dịch chuyển ấy càng không là thừa thải nếu muốn tạo nên không gian thật sự chỉ dành cho những sáng tạo có thiên hướng cho cái đẹp hơn chỉ đơn thuần thỏa mãn thị hiếu tạm thời của công chúng.

Chắc chắn rằng, xu hướng ấy sẽ tạo nên cái nhìn khác hơn về các live show hiện nay!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trở về...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO